Đại Kỷ Nguyên

8 ‘thiên đường’ cho vi trùng ở ngay sát bạn nhưng ít ai ngờ đến

Hàng ngày, hầu hết chúng ta đều phải tiếp xúc với những vật rất gần gũi quen đồ vật tưởng chừng như vô hại: bút viết, bàn phím máy tính… hay thậm chí ngay cả tiền mà chúng ta sử dụng cũng đều là những mối nguy cơ cho sức khỏe. Bởi vì chúng có chứa một số lượng lớn vi khuẩn mà chúng ta hiếm khi để ý đến.

Hãy cùng tham khảo những lời khuyên dưới đây để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình.

1. Tiền

Có lẽ bạn sẽ bất ngờ khi biết rằng trong mỗi tờ tiền có chứa đến hàng chục nghìn con vi khuẩn (theo nghiên cứu của nhiều trường Đại học trên thế giới). Những loại vi khuẩn trên tiền mặt gây ra rất nhiều bệnh như: mụn trứng cá, tả, thương hàn và các bệnh lây truyền khác,…

Trong tất cả các loại tiền thì tiền giấy là bẩn nhất do đặc tính thấm hút và lưu giữ tạp khuẩn cao, các loại tiền xu và tiền polyme thì ít vi khuẩn hơn do chúng không thấm nước. Những tờ tiền được trao qua tay nhiều người và qua nhiều môi trường không đảm bảo vệ sinh như khi đi chợ và được trả lại bởi những người bán thịt, cá, rau củ…thậm chí có thể tờ tiền đã qua tay người đang bị bệnh truyền nhiễm, khiến chúng chứa cực kỳ nhiều vi khuẩn, mầm bệnh và có thể gây ra hàng loạt bệnh tật.

Vì tiền luôn phải luân chuyển, thông hành nên để giữ an toàn cho bản thân, bạn hãy cố gắng để tiền ít tiếp xúc nhất với môi trường ô nhiễm và nếu cần thiết thì nên rửa tay bằng xà phòng sát khuẩn sau mỗi lần cầm tiền.

2. Tay nắm cửa, tay vịn ở bệnh viện, trường học, cơ quan làm việc

Nhất là tay nắm cửa và tay vịn ở bệnh viện, đây là những nơi có vô số mầm bệnh và có nhiều khả năng gây lây nhiễm cho những người tiếp xúc với nó. Bởi ở đó, hầu hết là những người mang bệnh đã tiếp xúc vào. Để bảo vệ bản thân mình khi phải đi bệnh viện thăm người ốm, thì bạn nên hạn chế tiếp xúc với tay nắm cửa và tay vịn, đồng thời cần rửa tay sạch sẽ bằng xà bông khi về nhà, nhất là trước khi tiếp xúc với con trẻ.

3. Bồn cầu

Ngồi bồn cầu trong nhà vệ sinh, bạn có nguy cơ nhiễm bệnh đường ruột bởi nghiên cứu cho thấy 60% miếng đệm bồn cầu bị ô nhiễm vì các chất thải của cơ thể. Trong khi đó, đại đa phần các vi khuẩn dạ dày đường ruột được lây truyền qua con đường vòm họng – hậu môn.

Các địa điểm “hot” mà các vi khuẩn khác thích tập trung ở trong nhà vệ sinh là: vòi nước, nắm đấm cửa, chậu rửa. Vì vậy sau khi từ nhà vệ sinh ra nhất định phải rửa tay bằng xà phòng, đặc biệt là nhà vệ sinh công cộng, tốt nhất là lau khô tay bằng khăn tay của chính mình.

4. Đồ chơi trẻ em

Thường thì đồ chơi trẻ em được bày ra mặt sàn nhà, hoặc giường để cho trẻ nhỏ chơi, trẻ thậm chí có thể hôn, mút hoặc ngầm đồ chơi, nên những vi khuẩn từ môi trường bên ngoài có thể lưu lại trên bề mặt và bên trong đồ chơi của trẻ, có thể gây ra các ổ vi trùng, mầm bệnh lây cho trẻ. Nếu là đồ chơi chung của các bé thì lại càng nguy cơ hơn, vì mầm bệnh có thể lây truyền sang nhiều bé. Phụ huynh nên thường xuyên vệ sinh sạc sẽ đồ chơi cho bé để đảm bảo sức khỏe cho con mình.

5. Bút

Dựa vào nghiên cứu của Rinstead-nhà chế tạo thuốc viêm loét khoang miệng, ngoài tác dụng để viết ra, 4 “tác dụng” lớn khác của bút là: dùng để gặm nhấm, gãi lưng hoặc gãi chân, khuấy cà phê hoặc trà, và dùng để thông máng nước. Vì vậy, khi bạn đang suy tư bất giác để bút lên miệng thì bạn hãy nên cẩn trọng.

Ngoài ra không nên mượn bút của bác sỹ. Theo nghiên cứu của một trường đại học ở Áo thì virus lây truyền từ bệnh nhân qua tay của bác sỹ, sau đó lại truyền đến bút của bác sỹ, vì vậy bút của bác sỹ đa phần đều bị lây nhiễm vi rút hoặc vi khuẩn ở nhiều dạng khác nhau, bao gồm lây nhiễm hệ thống tiết niệu và các bệnh về da. Hãy chắc chắn rằng mình không “cầm nhầm” bút của ai mang về nhà để đảm bảo sức khỏe cho bạn.

6. Thớt

Bất cứ loại vi khuẩn nào ẩn chứa trong thức ăn đều có khả năng lợi dụng thời điểm “chặt chém” mà “nhảy vọt” lên thớt. Ví dụ: khuẩn que ẩn trong thịt sống, các loại trứng, rau xanh chưa rửa sạch và các chế phẩm từ sữa.

Một con đường lây nhiễm thường gặp đó là lây nhiễm qua giao thoa giữa thực phẩm chín và sống, vì vậy khi “xử lý” thịt sống, thịt chín hoặc rau quả, tốt nhất nên sử dụng dụng cụ dao chặt và thớt chặt khác nhau.

Nếu không khi xử lý các thực phẩm khác nhau cần phải dùng nước nóng hoặc nước rửa tẩy trùng triệt để các dụng cụ dao và thớt, đương nhiên kèm theo cả bàn tay cũng phải rửa sạch.

7. Ga trải giường

Vi sinh vật ở ga trải giường sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, đó không phải là vi khuẩn hay vi rút mà là bụi sán. Bụi sán sẽ gây ra viêm mũi và hen suyễn do dị ứng.

Theo báo cáo của hiệp hội đồ dùng giường ngủ quốc gia Anh, bụi sán ký sinh ngay ở trên da người. Những tế bào da chết đi cùng hơi ẩm tỏa ra từ cơ thể chính là môi trường thuận lợi cho bụi sán phát triển. Chuyên gia kiến nghị, phương pháp tốt nhất để phòng chống bụi sán là:

– Mỗi ngày cần phải lưu thông không khí cho gian phòng

– Duy trì chăn ga sạch sẽ, thông thoáng, khi có ánh mặt trời thì nên đem ruột chăn ra phơi, dùng máy hút bụi để hút bụi bặm ở giường đệm và gối hàng tuần.

– Những người bị viêm mũi và hen suyễn do dị ứng có thể mua ga có chức năng phòng chống bụi sán.

8. Bàn phím máy tính

Bàn phím máy tính chính là một trong những nơi trú ngụ lý tưởng của khá nhiều loại vi khuẩn có hại đối với sức khỏe con người mà chúng ta cần sớm được cảnh báo.

Loại vi khuẩn phổ biến nhất thường được phát hiện trên bàn phím máy tính là loại khuẩn E.coli và tụ cầu khuẩn. Tất nhiên chúng không tự nhiên xuất hiện trên bàn phím máy tính mà nguyên nhân là do chính người sử dụng máy tính. Khá nhiều người dùng máy tính không rửa tay sạch sẽ, đặc biệt một số người còn có thói quen vừa dùng tay bốc đồ ăn uống trong khi sử dụng máy tính…

Theo kết quả kiểm tra của các nhà vi sinh vật Anh, số lượng vi khuẩn trung bình tồn tại trên một bàn phím máy tính ở các công sở thậm chí còn nhiều gấp 5 lần số lượng vi khuẩn mà người ta phát hiện thấy trong nhà vệ sinh. Điều này thật đáng sợ, song nó lại là một sự thật mà ít ai ngờ tới.

Nguyễn Quyền

Xem thêm:

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.

Exit mobile version