Lười vận động đang là xu thế đáng báo động của giới trẻ hiện nay, gây nguy hiểm đến sức khoẻ ở hiện tại và trong tương lai.
VTV đăng tải, nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố ngày 22/11 cho thấy, phần lớn thanh thiếu niên trên toàn thế giới không hoạt động thể chất đầy đủ, gây nguy hiểm cho sức khỏe hiện tại và tương lai của họ.
Nghiên cứu dựa trên dữ liệu được báo cáo từ 1,6 triệu học sinh ở độ tuổi 11-17 trong giai đoạn 2001-2016 tại 146 quốc gia và được công bố trên tạp chí The Lancet cho thấy, 85% bé gái và 78% bé trai trong độ tuổi đi học trên toàn cầu không đáp ứng các khuyến nghị hiện tại về ít nhất 1 giờ hoạt động thể chất mỗi ngày.
Hoạt động thể chất rất quan trọng đối với sự phát triển của xương và cơ bắp, cũng như tim và phổi. Nó giúp những người trẻ tuổi tránh mắc bệnh béo phì, bệnh tim, ung thư và tiểu đường. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy, hoạt động thể chất giúp trẻ nâng cao nhận thức, kỹ năng xã hội.
Các quốc gia có mức giảm nhiều nhất ở bé trai là Bangladesh (từ 73% xuống 63%), Singapore (từ 78% xuống 70%), Thái Lan (từ 78% xuống 70%). Đối với các em gái, tỷ lệ thay đổi rất nhỏ chỉ khoảng 2 điểm phần trăm ở Singapore (từ 85% xuống 83%), nhưng lại tăng 1 điểm phần trăm ở Afghanistan (từ 87% lên 88%).
Zing thông tin, 90% trẻ vị thành niên nữ giới ở 27 quốc gia không vận động đủ trong năm 2016, theo số liệu mới nhất. Trên thế giới, các cô gái tụt lại khá xa so với các chàng trai về hoạt động thể chất, chỉ trừ ở 4 quốc gia: Afghanistan, Samoa, Tonga và Zambia.
WHO cảnh báo tình trạng hiện tại ở mức nguy hiểm và phải có hành động khẩn cấp để khiến giới trẻ vận động. “Hiện tại, cần có chính sách hành động khẩn cấp để khuyến khích và duy trì hoạt động thể chất ở các bé gái”, tác giả nghiên cứu của WHO, Tiến sĩ Regina Guthold, cho biết.
Theo Guardian, các cuộc khảo sát đã được tiến hành ở các trường học của 146 quốc gia. Kết quả cho thấy từ năm 2001, có rất ít sự cải thiện trong hoạt động thể chất ở trẻ 11-17 tuổi, cách xa mục tiêu của WHO.
Các quốc gia Liên Hợp Quốc năm 2018 đã thống nhất giảm tỷ lệ trẻ lười vận động xuống còn 15% trong năm 2030.
Kế hoạch hành động toàn cầu của WHO về hoạt động thể chất nhấn mạnh, cần phải thay đổi cách giáo dục. Bà Bull cảnh báo về hậu quả của việc lạm dụng quá mức các phương tiện kỹ thuật số như điện thoại, máy tính xách tay và thiết bị chơi game.