Vào mùa thu, việc dưỡng sinh ăn uống cần lấy phép bổ làm trọng điểm. Tuy nhiên, không phải cứ bổ là tốt, tuỳ thể trạng từng người, khí hậu từng vùng… mà cân nhắc dùng cho hợp lý.
Dân gian có câu: “Cả mùa hạ không sinh bệnh, thể trạng đã hư nhược 3 phần rồi”, khi Lập Thu tới, khí hậu mặc dù sáng tối mát mẻ, nhưng ban ngày vẫn nóng nực khó chịu, cho nên người rất dễ uể oải, mệt mỏi, chán ăn… Người xưa có tập tục ‘Thu bổ’: “Mùa thu bổ, đông đến bắt lão hổ”. Vạn vật đang đều tuân theo quy luật của tự nhiên: “Xuân sinh, Hạ trưởng, Thu thu, Đông tàng”. Căn cứ theo nguyên tắc “Xuân Hạ dưỡng dương, Thu Đông dưỡng âm” của Đông y, tiết trời Thu cần tiến hành bổ là rất quan trọng, lấy tư âm nhuận táo làm chính yếu, nhưng bổ không có nghĩa là loạn bổ. Dưới đây là 9 điều cấm kị khi bổ trong mùa thu.
1. Bổ khi không có bệnh
Vừa tăng thêm chi phí, lại hại thân. Nếu uống dầu gan cá quá độ có thể dẫn tới trúng độc, trường kỳ sử dụng đường glucose có thể dẫn tới phát phì, cholesterol máu tăng cao, dễ dẫn tới bệnh tim mạch. Tuy là đồ béo bổ nhưng cũng cần sử dụng một cách có chừng mực, phù hợp với thể trạng của bản thân. Không tuỳ ý dùng mà chưa có sự tham khảo ý kiến của bác sĩ.
2. Bổ một cách mơ hồ
Cho rằng thuốc giá thành càng cao càng có thể bổ ích thân thể. Nhân sâm giá thành cao, lại là thánh dược trong nhóm thuốc bổ, do đó rất nhiều người dùng. Nhưng cần chú ý là, lạm dụng Nhâm sâm có thể dẫn tới các loại triệu chứng xuất hiện như hưng phấn quá độ, phiền táo kích động, huyết áp tăng cao cho tới chảy máu mũi…
3. Không phân hư thực
Nguyên tắc điều trị của Đông y là ‘hư thì bổ, thực thì tả’, không phải bệnh nhân cứ bị hư chứng là thích hợp dùng thuốc bổ. Hư chứng lại phân thành âm hư, dương hư, khí hư, huyết hư, đối chứng dùng thuốc mới có thể bổ ích thân thể, nếu không sẽ phản tác dụng.
Đông y còn giảng: “Hư không tiếp nhận bổ”. Khi cơ thể trong tình trạng rất hư mà lại trực tiếp đại bổ thì thân thể tiếp thụ không được, cần từng bước từng bước dần dần bổ sung.
4. Bổ quá tích cực
Không phải cứ thuốc bổ mà tốt. Nhiều người có suy nghĩ rằng, dùng thuốc bổ không bổ chỗ này thì bổ chỗ khác, dùng càng nhiều thì càng bổ. Đó là một tư tưởng rất sai lầm. Bất kỳ thuốc bổ nào sử dụng quá lượng đều có thể gây hại cho cơ thể, do đó, bổ cần lượng thích hợp.
5. Bổ là phải ăn thịt?
Thực phẩm có nguồn gốc động vật là phương cách tốt trong bồi bổ cơ thể. Nó không chỉ chứa dinh dưỡng tương đối cao, mà còn có vị ngon dễ ăn. Nhưng nhóm thịt lại không dễ tiêu hóa, hấp thu. Nếu ăn lâu dài, ăn nhiều, đối với người già chức năng trường vị đã giảm sút mà nói, thường thường không chịu nổi gánh nặng mà nhóm thịt trong quá trình tiêu hóa sản sinh các “sản phẩm phụ”. Ăn quá nhiều chất mỡ, chất đường… là nguyên nhân gây bệnh người già hay mắc phải như bệnh tim mạch, mạch máu não, ung thư…
Ăn uống thanh đạm cũng không phải là không bổ, đặc biệt là nhóm rau củ càng không thể xem thường. Quan điểm dinh dưỡng học hiện đại cho rằng, trái cây và rau tươi có chứa nhiều loại vitamin và nguyên tố vi lượng, là chất dinh dưỡng mà cơ thể không thể thiếu.
6. Uống thuốc thay ăn
Trọng thuốc mà coi nhẹ thực phẩm là không khoa học. Dùng thuốc bổ hiệu quả không tốt bằng dùng thực phẩm để bổ. Rất nhiều thực phẩm cũng là thuốc có tác dụng trị bệnh. Nếu ăn cần tây có thể điều trị cao huyết áp; ăn củ cải có thể kiện tỳ tiêu thực, thuận khí khoan hung, hóa đàm chỉ khái; ăn Sơn dược có thể bổ Tỳ Vị. Thường ngày ăn quả óc chó, lạc, hồng táo, đậu lăng, củ sen… đều là thực phẩm bổ rất tốt.
7. Trọng nạp khinh xuất
Theo đà mức sống nhân dân ngày càng nâng cao, không ít gia đình ngày nào cũng ăn thịt cá, bữa nào cũng nhiều dầu mỡ béo ngậy. Những thức ăn này sau khi chuyển hóa sản sinh chất độc có tính axit, cần kịp thời bài xuất, mà tiết tấu sinh hoạt lại gia tăng, làm không ít người bài tiện không quy luật thậm chí táo bón. Vì vậy chuyên gia dưỡng sinh đề xuất ra một loại quan niệm bảo vệ sức khỏe mới gọi là mối quan tâm tới “dinh dưỡng phụ diện”, tức là chú trọng bài xuất chất thải trong cơ thể, giảm thiểu độc tố ở đại trường lưu trệ và hấp thu. Đề xướng khi bổ đồng thời cũng nên chú trọng bài tiện kịp thời và thông suốt.
8. Cứ dùng mãi một thứ bổ không đổi
Có một số người thích theo khẩu vị của mình, chuyên dùng một loại bổ nào đó, cứ như vậy lặp đi lặp lại nhiều năm không đổi, phát triển thành “nghiện ăn, ăn uống thiên lệch”. Điều này không có lợi cho sức khỏe. Bởi vì thuốc và thực phẩm vừa có tác dụng trị liệu bảo vệ sức khỏe, lại có tác dụng phụ nhất định; dùng lâu, lượng nhiều có thể ảnh hưởng tới cân bằng dinh dưỡng trong cơ thể. Đặc biệt là người già, không chỉ chức năng các tạng khí đều có giảm sút ở các mức độ khác nhau, mà các mùa khác nhau, đối với thuốc và thực phẩm bảo vệ sức khỏe cũng đều có nhu cầu khác nhau. Do đó, căn cứ tình hình mà điều chỉnh là vô cùng cần thiết, không nên cứ dùng một thứ bổ mãi không thay đổi.
9. Phân biệt đắt rẻ
‘Vật lấy hiếm làm quý’, những thực phẩm cao quý như tổ yến, vây cá… có tác dụng điều trị đặc biệt cũng tuỳ thể trạng và bệnh tật mà phát huy tác dụng, những thực phẩm vô cùng bình dân như khoai lang và hành tây… lại có những giá trị thực dưỡng đáng để chú trọng.
Ngoài ra, phàm là thực dưỡng đều có đối tượng và chỉ định nhất định, do đó nên căn cứ theo nhu cầu mà xác định thực phẩm phù hợp, thiếu cái gì, bổ cái đó, tuyệt đối không lấy đắt rẻ để phân cao thấp. Đặc biệt là người già, càng nên lấy thực dụng và giá cả phải chăng làm nguyên tắc tư bổ.
Theo baike.baidu.com
Liên Hoa