Đại Kỷ Nguyên

9 giờ chạy đua với thời gian cứu bệnh nhân nước ngoài bị lóc động mạch chủ type A cấp tính

Một bệnh nhân nam, 72 tuổi, quốc tịch Mỹ – đang làm việc ở một cơ sở quốc tế tại Hà Nội được chuyển đến Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức trong tình trạng nguy kịch. Các bác sĩ nhanh chóng chẩn đoán và ra y lệnh kịp thời cứu sống bệnh nhân.

Theo Vietnamplus, Bệnh nhân có tiền sử cao huyết áp và bệnh tim mạch, cách đây 2 tháng bị đau ngực đi khám ở Hà Nội, đã được phát hiện giả phồng quai động mạch chủ – một biến chứng rất phức tạp của bệnh xơ vữa mạch máu, nhưng bệnh nhân xin sang Thái Lan để phẫu thuật vá chỗ loét – thủng quai động mạch chủ qua đường mổ tim hở.

Sau mổ, bệnh nhân quay về Việt Nam được ít ngày. Ba ngày trước khi nhập viện Việt Đức, bệnh nhân xuất hiện đau ngực – bụng dữ dội, đi khám tại một bệnh viện Việt Pháp, Hà Nội được chẩn đoán lóc động mạch chủ type A cấp tính lan xuống tận chi dưới, bệnh tiến triển từng giờ, nguy cơ tử vong cao nếu không can thiệp kịp thời.

PGS-TS Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch và lồng ngực, Bệnh viện Việt Đức cho biết, tại thời điểm được chuyển đến Phòng hồi sức của khoa, bệnh nhân rất nguy kịch: Khó thở, đau ngực, kích thích, phải kiểm soát huyết áp bằng thuốc truyền tĩnh mạch, thiếu máu chân trái nặng. Trên phim chụp cắt lớp thấy hình ảnh lóc toàn bộ động mạch chủ, từ gốc xuống tận động mạch chậu trái. Siêu âm tim thấy hở van động mạch chủ nặng. Bệnh nhân được hồi sức tích cực và đưa đi phẫu thuật tim hở cấp cứu ngay trong đêm.

Ca mổ kéo dài 9 tiếng rất phức tạp do trên nền phẫu thuật mới được 2 tháng. (Ảnh: Người lao động)

Ca mổ kéo dài 9 tiếng và rất khó khăn do bệnh phức tạp trên nền mới phẫu thuật được 2 tháng. Kíp mổ gồm hơn 15 người đã chạy đua với thời gian để giành giật sự sống cho bệnh nhân.

Sau mổ, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt. Do có bảo hiểm y tế quốc tế nên sau mổ 4 ngày, gia đình xin chuyển bệnh nhân sang Thái Lan tiếp tục điều trị phục hồi sau mổ. Theo thông tin từ các bên liên quan, tình trạng bệnh nhân hiện khá tốt, có thể sắp quay lại Việt Nam để tiếp tục làm việc.

Lóc động mạch chủ type A cấp tính nguy hiểm như thế nào?

Theo Người lao động, PGS Nguyễn Hữu Ước cho biết, lóc động mạch chủ type A cấp tính là biến chứng tim mạch nặng đe dọa tính mạng người bệnh, đòi hỏi phải được chẩn đoán và phẫu thuật cấp cứu ngay tại chỗ (không thể vận chuyển bằng máy bay). Theo thống kê trên thế giới, nếu không được can thiệp thì bệnh nhân này sẽ có tỉ lệ tử vong 25% trong ngày đầu tiên, 50% sau 3 ngày, 80% sau 2 tuần và 90% trong tháng đầu sau khởi bệnh.

Bệnh lý lóc động mạch chủ cấp tính thường xảy ra khi thời tiết đang ấm trở lạnh. Các yếu tố nguy cơ chính thường gặp là: Xơ vữa động mạch (thường gặp ở người có tuổi), rối loạn bẩm sinh tổ chức cấu tạo nên thành mạch và tăng huyết áp. Khi cộng gộp hai yếu tố thành mạch yếu và tăng huyết áp sẽ làm bùng phát lóc tách động mạch bất cứ lúc nào nếu không được điều trị.

Triệu chứng lâm sàng gặp nhiều nhất là đau ngực. Trong khi đó, sốc mất máu khi biến chứng thành mạch vỡ thường khó cứu chữa; bệnh nhân có thể biểu hiện ở mức độ trầm trọng như liệt nửa người, hôn mê, thiếu máu cấp tính chi; thiếu máu các tạng trong ổ bụng gây triệu chứng đau trướng bụng cấp tính – biểu hiện này rất nguy hiểm do tình trạng hoại tử ruột và thường dẫn đến tử vong.

Theo PGS Ước, phương pháp điều trị chính của lóc động mạch chủ type A cấp tính là phẫu thuật. Đây là loại phẫu thuật rất phức tạp, kéo dài vì phải xử lý nhiều thương tổn nguy hiểm phối hợp. Tỉ lệ tử vong, các loại tai biến của phẫu thuật thuộc loại cao nhất trong các loại phẫu thuật tim, thời gian nằm viện và hồi phục lâu, chi phí điều trị rất lớn.

Vì vậy, việc phát hiện, kiểm soát và điều trị bệnh tăng huyết áp – nguy cơ tiềm ẩn của nhiều bệnh tim mạch nguy hiểm rất quan trọng. Khi đã chẩn đoán lóc động mạch chủ type A cấp tính, người bệnh cần được chuyển ngay đến các bệnh viện có khả năng phẫu thuật, tránh trải qua nhiều tuyến trung gian dẫn tới nguy hiểm đến tính mạng.

Duy Anh t/h

Exit mobile version