Đại Kỷ Nguyên

9 loại bệnh thường gặp khi mùa hè gõ cửa

Những ngày hè oi ả đã bắt đầu, do vậy các bệnh phát sinh trong mùa này cũng bắt đầu gia tăng trở lại. Phòng bệnh là thượng sách, bạn hãy chủ động tìm hiểu để giảm thiểu nguy cơ bị mắc và biết cách xử lý khi cần thiết.

1. Tiêu chảy

Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh tiêu chảy. Bệnh xuất hiện quanh năm, nhưng xảy ra nhiều nhất vào mùa hè. Lý do là mùa hè ở nước ta có khí hậu nóng ẩm nên các loại vi khuẩn dễ phát triển trong thực phẩm làm cho đồ ăn nhanh bị hỏng, bị ôi, thiu. Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây nên nhiều trường hợp bị tiêu chảy mùa hè.

Mùa hè thường mắc tiêu chảy do sử dụng thức ăn bị hư hỏng. (Ảnh: Cluber)

Mặt khác, sau những ngày mưa bão, lũ lụt thì các vi khuẩn càng có điều kiện sinh sôi, phát tán trong môi trường đất, nước, thực phẩm, làm cho số người mắc tiêu chảy càng nhiều và dễ có nguy cơ bùng phát thành dịch.

Nguyên tắc phòng bệnh kinh điển vẫn là ăn chín uống sôi, che đậy đồ ăn cẩn thận, vệ sinh tay thường xuyên và sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn.

2. Sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do virus Dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt.

Vật chủ trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết là muỗi vằn. (Ảnh: phunutoday.vn)

Muỗi vằn thường đẻ trứng và nở thành loăng quăng/bọ gậy ở các dụng cụ chứa nước quanh nhà, nơi chứa nước tự nhiên như hốc cây, kẽ lá, gốc tre nứa, các vật dụng chứa nước sinh hoạt để lâu ngày như chum, vại, bể nước mưa, lọ hoa… hoặc các đồ phế thải chứa nước như lốp xe, chai lọ vỡ, vỏ đồ hộp, gáo dừa… Mùa hè không khí ẩm khiến muỗi càng dễ sinh sôi, nảy nở. Do đó, cần vệ sinh sạch sẽ không gian sinh hoạt của các gia đình.

3. Viêm não Nhật Bản

Viêm não Nhật Bản có thể gây tử vong hoặc để lại di chứng suốt đời. (Ảnh: laodongthudo.vn)

Là bệnh do virus gây nên, trung gian truyền bệnh là muỗi Culex, một loại muỗi thường sống ở các vùng có nhiều ao tù và đồng ruộng lúa nước. Ổ chứa virus viêm não Nhật Bản thường là lợn, dơi, chim hoang dã. Bệnh viêm não Nhật Bản thường có tỷ lệ mắc cao vào mùa hè, có thể gây tử vong hoặc để lại di chứng suốt đời và có thể gây thành dịch lớn.

4. Tay – Chân – Miệng

Ảnh: beyeu.com

Tay chân miệng là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus thuộc nhóm Enterovirus gây ra. Bệnh lây từ người sang người do tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, dịch tiết mũi, họng, dịch của các bọng nước khi vỡ hoặc qua đường phân – miệng (sau khi đi vệ sinh mà không rửa tay). Bệnh thường có biểu hiện sốt, đau họng, loét miệng, lợi, lưỡi, phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, gối, mông. Bệnh này thường gặp ở trẻ nhỏ từ 6 tháng đến 3 tuổi, đặc biệt là các cháu đang đi nhà trẻ, mẫu giáo.

5. Cúm

Ảnh: aFamily

Bệnh cúm là một bệnh truyền nhiễm cấp tính đường hô hấp do virus Influenza gây nên. Tuy trong đa số trường hợp, bệnh chỉ khu trú ở đường hô hấp trên với tiến triển lành tính, nhưng có thể gây tử vong khi có biến chứng. Chúng thường gây nên những vụ dịch, thậm chí đại dịch, do đó số người tử vong vì cúm rất đáng kể.

6. Say nắng

Ảnh: vov.vn

Đây là hiện tượng do nhiệt độ và tia cực tím của mặt trời gây ra. Tia tử ngoại có thể xuyên qua lớp sừng của da tới hạ bì gây cháy da và say nắng. Thời điểm nắng nóng gay gắt làm giãn mạch não gây tăng áp lực sọ và nhức đầu, có thể kèm theo nôn, hôn mê hay co giật do ức chế vỏ não – làm tăng các hoạt động thần kinh tự động dưới vỏ.

7. Thủy đậu

Ảnh: Phunuvietnam.vn

Bệnh thủy đậu là một bệnh cấp tính do nhiễm virus Varicella Zoter gây ra. Virus có khả năng sống được vài ngày trong vẩy thủy đậu khi bong ra tồn tại trong không khí. Bệnh lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc trực tiếp, qua dịch tiết mũi họng, dịch từ nốt phỏng thủy đậu.

8. Rubella

Rubella có nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. (Ảnh: LiLy App)

Là bệnh do virus gây ra và có thể phát triển thành dịch, nhất là ở những nơi tập trung đông người. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, thường gặp ở những nơi như trường học, khu nhà trọ, công ty, xí nghiệp. Bệnh được lây truyền bởi các hạt nước bọt khi hắt hơi, sổ mũi,… khuếch tán rộng trong không khí hoặc tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân. Rubella là bệnh lành tính, ít gây biến chứng viêm phổi, viêm não hay gây tử vong ở trẻ em.

Tuy nhiên bệnh này được liệt kê vào nhóm cần chú ý cao vì tác hại của nó đối với phụ nữ, nhất là phụ nữ có thai. Nếu phụ nữ mang thai mắc bệnh Rubella sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, gây sảy thai, sinh non, dị tật bẩm sinh như các bệnh tim bẩm sinh, bệnh đầu nhỏ, đục thủy tinh thể, điếc, chậm phát triển tâm thần…

9. Cường tuyến giáp

Nắng nóng cũng là tác nhân làm phát bệnh cường giáp. (Ảnh: suckhoedoisong)

Bức xạ mặt trời, nắng nóng và thừa iốt (thường thấy ở miền biển) có thể là nguyên nhân gây ra bệnh cường tuyến giáp. Triệu chứng là người bệnh thường xuyên thấy nóng, đổ mồ hôi, rối loạn tâm lý, tim đập nhanh, phù mắt, sụt cân (dù ăn nhiều), khát nước, tiểu tiện nhiều, tay run, rụng tóc. Bệnh này cần điều trị cẩn thận, lâu dài dưới sự theo dõi của bác sỹ.

Theo BM
Yến Dương

Exit mobile version