Cơ thể người luôn chứa đầy bí ẩn đối với khoa học. Tuy con người vốn thuộc sinh vật hằng nhiệt, luôn có một cơ chế nhạy cảm để duy trì khoảng nhiệt độ cố định bất chấp thời tiết bên ngoài thế nào, nhưng đồng thời cũng liên tục điều chỉnh nhiệt độ cho phù hợp với hoàn cảnh. Nhiệt độ cơ thể tăng lên khi bạn tập thể dục hay thấp hơn vào ban đêm và rất nhiều sự thật thú vị khác nữa…
1. Thân nhiệt phụ nữ thường thấp hơn đàn ông
Phụ nữ có một tỷ lệ mỡ trong cơ thể cao hơn đàn ông, nhưng chúng chỉ tập trung ở phần trung tâm cơ thể, không phải là các chi. Đó là lí do tay và chân của họ lạnh dễ hơn đàn ông. Và khi các chi đã lạnh, nó kéo cả thân nhiệt đều giảm, Kathryn Sandberg – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Y tế khác biệt giới tính thuộc Đại học Georgetown, Hoa Kỳ cho biết.
Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra phụ nữ có một ngưỡng chịu lạnh không tốt bằng nam giới. Nữ giới bắt đầu cảm nhận được cái lạnh khi nhiệt độ xuống dưới 21°C, trong khi đó đối với nam giới là 19,4 – 20°C.
2. Thân nhiệt trung bình của con người không phải 37°C
37°C là con số vàng được đưa ra từ những phép đo của thế kỷ 19. Carl Reinhold August Wunderlich – một bác sĩ người Đức đã thực hiện các phép đo trên hàng ngàn bệnh nhân và rút ra kết luận này.
Ngày nay, sử dụng các thiết bị đo chính xác hơn, các nhà khoa học đến từ Đại học Maryland cho chúng ta biết thân nhiệt bình thường của con người chính xác phải là 36,77°C, tương đương 98,2°F. Tuy nhiên, ở những khoảng thời gian khác nhau trong ngày và các vị trí thay đổi trên cơ thể, thân nhiệt cũng không nhất thiết phải là 36,77°C. Cũng như các đối tượng khác nhau về độ tuổi, giới tính thì thân nhiệt cũng khác nhau.
Thông thường, nhiệt độ cơ thể dao động trong khoảng 36,44°C vào lúc 6 giờ sáng tới cho tới 36,94°C lúc 6 giờ tối. Nhiệt độ cao hơn 37,5°C vẫn được coi là trạng thái bình thường.
3. Thân nhiệt trung bình giảm theo tuổi tác
Trên thực tế, nhiệt độ cơ thể trung bình không giữ nguyên một mức độ trong suốt cuộc đời bạn. Cứ mỗi 10 năm, con số này giảm dần và sẽ là một điểm lưu ý rất quan trọng với người già trong việc chăm sóc và khám chữa bệnh.
Theo Tạp chí New York Times, nhiệt độ cơ thể giảm theo tuổi già khiến nhiều người không phát hiện ra cơn sốt. Một nghiên cứu công bố trên Tạp chí của Hiệp hội lão khoa Mỹ cho thấy: một nửa số bệnh nhân bị nhiễm trùng chỉ có nhiệt độ cơ thể dưới 38,33°C.
4. Đầu của bạn tỏa nhiệt ít hơn bạn tưởng
Có phải vì đầu bị mất nhiệt nhiều hơn những nơi khác trong cơ thể mà nó dễ bị lạnh vào mùa đông? Các nghiên cứu xác nhận đầu chỉ tỏa nhiệt tương đương với các phần khác trên cơ thể. Nhiệt sẽ được giữ lại nếu cơ thể được giữ ấm. “Lý do thực sự cho việc chúng ta mất nhiệt qua đầu nhiều bởi vì chúng ta mặc quần áo còn đầu thì không đội mũ khi trời lạnh”, Richard Ingebretsen – một tiến sĩ tại Đại học Y Utah cho biết.
5. Sốt là một phản ứng có lợi cho cơ thể
Theo một nghiên cứu trên Tạp chí Leukocyte Biology, sốt là cách cơ thể điều chỉnh thân nhiệt để chống lại vi khuẩn. “Ở trong tình trạng sốt thực sự khó chịu, nhưng nghiên cứu này cùng một số tài liệu khác cho thấy sốt là một phản ứng của cơ thể giúp hệ miễn dịch làm việc hiệu quả hơn”, Tiến sĩ John Wherry, phó tổng biên tập tạp chí cho biết trong một thông cáo báo chí.
Trước đây, các nhà khoa học cho rằng nhiệt độ tăng chỉ có tác dụng khiến vi khuẩn hạn chế sinh sôi trong cơ thể. Nhưng công trình mới đã cho thấy hệ thống miễn dịch cũng được tạm thời tăng cường theo đó, khi chúng ta bị sốt. Mặc dù vậy, thân nhiệt tăng cao là rất nguy hiểm nên cần được theo dõi và phải được kiểm soát. Nếu cơn sốt không giảm trong vài ngày hoặc nếu nhiệt độ cơ thể cao bất thường hãy đến ngay trung tâm y tế để được tư vấn.
6. Hiệu ứng Pinocchio – khi nói dối mũi bạn sẽ ấm lên
Nói dối không làm cho mũi dài ra như cậu bé Pinocchio, trong thực tế lại làm cho nó ấm lên. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Granada (Tây Ban Nha) đã phát hiện ra hiện tượng này và đặt tên là “Hiệu ứng Pinocchio” khi sử dụng một loạt hình ảnh ghi lại mặt tình nguyện viên bởi máy quay nhiệt. Sự lo lắng do nói dối khiến vùng mũi và khu vực gần mắt hiện lên những màu ấm rõ ràng trên màn hình thể hiện nhiệt độ đang tăng dần lên.
7. Hút thuốc lá làm gia tăng nhiệt độ cơ thể
Nhiệt độ cơ thể tăng lên khi bạn hút thuốc. Nguyên nhân là do nhiệt độ ở đầu của điếu thuốc là 95°C. Khi bạn hít khói nóng, nó làm tăng nhiệt độ trong lá phổi. Và khi mà phổi của bạn ấm nóng lên, chúng không thể thực hiện một trong những chức năng, đó là để làm mát hoặc loại bỏ nhiệt từ cơ thể của bạn ra ngoài môi trường. Kết quả là, nó gây ra nhiệt độ cơ thể tăng cao. Khi ngừng hút thuốc, nhiệt độ cơ thể của bạn sẽ trở lại bình thường trong vòng khoảng 20 phút.
8. Thân nhiệt ảnh hưởng đến giấc ngủ
Ngay trước khi rơi vào trạng thái ngủ, cơ thể chúng ta bắt đầu giảm thân nhiệt. Một sự thay đổi nhiệt độ tương tự có thể đánh lừa cơ thể, khiến chúng ta ngủ dễ hơn. Các nhà khoa học tại Viện Khoa học Thần kinh Hà Lan ở Amsterdam đã phát hiện ra rằng mọi người ngủ ngon hơn khi da của họ hơi lạnh. Các nhà nghiên cứu đã trang bị cho những người tham gia nghiên cứu với những bộ quần áo đặc biệt làm giảm nhiệt độ da của họ xuống dưới 1°C (1,8°F).
Những người tham gia không thức dậy thường xuyên vào ban đêm và chìm vào giấc ngủ sâu hơn. Làm mát nhiệt độ bề mặt da trước khi đi ngủ đã mang lại lợi ích bất ngờ cho những người lớn tuổi đã phàn nàn về chứng mất ngủ của mình.
9. Thức uống có cồn không khiến bạn ấm lên
“Làm một vài ly cho ấm người” là câu nói hay dùng khi mời rượu người khác. Các mạch máu co lại khi trời lạnh, điều này giúp giữ thân nhiệt tốt hơn trong mùa đông. Khi tiêu thụ đồ uống có cồn, nó làm mạch máu giãn ra, đặc biệt là các mạch máu ngoại vi. Quá trình này nhanh chóng thoát nhiệt của cơ thể ra môi trường, tiến sĩ Robert Kenefick, một nhà sinh lý học tại Viện nghiên cứu Y học môi trường thuộc Quân đội Hoa Kỳ cho biết. Da hồng hào và ấm lên sau khi hấp thụ rượu, đó là một cảm giác sai về cơ thể. Đồ uống có cồn nhiều khi gây giảm mạnh thân nhiệt, điều này rất nguy hiểm.
Yến Dương t/h