Cho đến nay y học hiện đại vẫn chưa rõ nguyên nhân tại sao bệnh cảm cúm phổ biến hơn vào mùa đông, tuy nhiên người ta tin rằng nhiệt độ thấp trong đường hô hấp là yếu tố thuận lợi cho virus gây bệnh. Do vậy các chuyên gia khuyến cáo mọi người nên giữ ấm mũi và họng để phòng ngừa bệnh cảm cúm.
Người bị cảm cúm sẽ có biểu hiện ho, sốt, hắt hơi sổ mũi và mệt mỏi toàn thân. Dưới đây là những thực phẩm, món ăn giải cảm giúp giảm nhẹ các triệu chứng của người bệnh, đồng thời cung cấp đầy đủ dưỡng chất để cơ thể hồi phục nhanh chóng.
Tía tô
Tía tô là loại gia vị phổ biến ở nước ta, có thể ăn sống hoặc dùng nấu canh. Bên cạnh đó lá và hạt tía tô là vị thuốc phổ biến trong Đông Y.
Theo Đông Y lá tía tô có tác dụng là cho ra mồ hôi, chữa ho, hỗ trợ tiêu hoá, giảm đau, giải độc, chữa cảm mạo. Cháo tía tô giải cảm đã là món ăn kinh điển đối với người bệnh cảm cúm.
Cách làm: Tía tô rửa sạch, để ráo nước và thái nhỏ. Nấu cháo trắng chín mềm, nêm gia vị vừa ăn, cho thêm hành tím thái mỏng để thêm tác dụng giải cảm. Nếu đập thêm trứng thì để nguyên nồi cháo nóng trên bếp, cho trứng gà tươi vào, khuấy đều cho trứng tan ra, chín đều. Cho tía tô vào, nêm lại gia vị, tắt bếp. Món cháo tía tô nên ăn ngay lúc nóng.
Nước ấm + chanh + mật ong
Nước ấm có tác dụng làm dịu họng. Chanh chứa nhiều vitamin C có tác dụng tăng cường sức đề kháng. Còn mật ong là thực phẩm kháng virus tự nhiên giúp diệt virus gây bệnh, đồng thời cũng có công dụng giảm ho.
Thức uống này đặc biệt hiệu quả hơn nhiều loại thuốc, có khả năng làm giảm triệu chứng và chóng lành bệnh.
Cách làm: Pha 1 thìa mật ong và vắt 1 quả chanh vào 1 cốc nước ấm. Uống hai lần mỗi ngày.
Tỏi
Tỏi từ lâu đã được biết đến với tác dụng tăng cường sức để kháng, diệt khuẩn và phòng chống cảm cúm. Tỏi có đặc tính kháng khuẩn và chứa vitamin C, selenium cùng các khoáng chất khác có tác dụng đặc trị cảm cúm. Tỏi cũng có tác dụng long đờm, giúp tống đờm ra khỏi đường hô hấp.
Cách làm: nghiền nhỏ 2 nhánh tỏi, pha với nước và uống hàng ngày cho đến khi triệu chứng thuyên giảm. Bạn cũng có thể ăn tỏi thường xuyên để tăng cường sức đề kháng, phòng ngừa cảm cúm.
Gừng
Gừng là siêu thực phẩm dành cho những người bị ho, cảm cúm. Gừng có khả năng giảm ho và chống tắc nghẽn đường hô hấp tốt. Gừng còn có công dụng kháng virus giúp diệt virus gây bệnh.
Cách làm: Cho 3 lát gừng vào cốc. Sau đó vắt 1 quả chanh và 2 thìa mật ong vào cốc. Đổ thêm nước nóng và đợi một lát. Sau đó lọc lấy nước uống.
Canh gà
Bát canh gà nóng có tác dụng làm dịu họng và giảm sung huyết đường hô hấp. Canh gà chứa rất nhiều khoáng chất tăng cường hệ miễn dịch. Đồng thời canh gà giàu carnosine có tác dụng rất tốt làm giảm triệu chứng sổ mũi.
Cách làm: Hầm gà với loại rau củ bạn thích. Bạn có thể cho thêm chút gừng vào canh gà, dùng khi nóng.
Nước dừa
Nước dừa là thức uống tự nhiên hoàn hảo cung cấp đầy đủ dịch và chất điện giải cần thiết cho cơ thể. Nước dừa có khả năng tăng cường hệ miễn dịch và hỗ trợ chống lại nhiễm trùng, cảm cúm.
Khoai lang
Khoai lang chứa nhiều vitamin C và vitamin D giúp tăng cường sức đề kháng. Ngoài ra khoai lang còn cung cấp nhiều năng lượng cần thiết cho người ốm. Người thể chất yếu hay bị cúm có thể thường xuyên ăn khoai lang để phòng ngừa.
Nghệ
Nghệ được biết đến với khả năng chống viêm và kháng khuẩn, nhờ vậy có tác dụng giảm triệu chứng và nhanh lành bệnh. Nghệ cũng như tỏi có tác dụng long đờm, giúp loại bỏ đờm khỏi đường hô hấp.
Cách làm: Pha ¼ thìa bột nghệ trong một cốc sữa ấm và dùng hàng ngày.
Chuối
Chuối cũng là một thực phẩm hữu ích dành cho người cảm cúm. Chuối giàu vitamin C giúp tăng cường sức đề kháng, chuối cũng làm dịu họng và cung cấp năng lượng cho người ốm.
Rau lá xanh đậm
Các loại rau lá xanh đậm chứa nhiều loại vitamin và khoáng chất giúp tăng cường hệ miễn dịch và hỗ trợ cơ thể chống nhiễm trùng. Rau lá xanh đậm còn làm giảm nguy cơ mắc bệnh và giúp người bệnh chóng lành.
Đại Hải