Dưa hấu là món ngon giải nhiệt ưa thích trong mùa nắng nóng. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, ăn dưa hấu sai cách có thể khiến bạn rước bệnh vào người.
1. Ăn sát giờ cơm
Mùa hè, nhiều người có thói quen ăn dưa hấu khi đói, đặc biệt là sát giờ ăn cơm. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, thói quen này sẽ khiến bạn có cảm giác no, không còn hứng thú với thức ăn, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Ngoài ra, lượng nước dồi dào trong dưa sẽ hòa tan các dịch vị được tiết ra, gây ảnh hưởng tiêu cực tới quá trình tiêu hóa, hấp thu của cơ thể.
Các chuyên gia sức khỏe khuyến cáo, thời điểm hợp lý để thưởng thức dưa hấu là khoảng 2 tiếng trước hoặc sau bữa chính.
2. Dưa hấu bổ để lâu
Các chuyên gia khuyến cáo, bổ dưa hấu ra nên ăn ngay để tránh bị mất chất. Hơn nữa, dưa hấu bổ ra để bên ngoài quá lâu chưa ăn, vì không còn lớp vỏ bảo quản sẽ dễ bị nẫu và có thể bị nhiễm khuẩn, sẽ khiến bạn dễ bị ngộ độc, ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa.
3. Ăn dưa hấu quá lạnh
Ăn dưa hấu quá lạnh gây kích thích dạ dày, tổn thương tỳ vị do các mạch máu trong dạ dày bị co rút đột ngột. Hơn nữa, ăn nhiều dưa để lạnh còn khiến bạn bị trướng bụng, khó tiêu, tiêu chảy…
Mọi người nên để dưa hấu ở ngăn dưới của tủ lạnh ở nhiệt độ khoảng 8-10 độ. Những người bị đau, sâu răng hoặc chức năng dạ dày đường ruột kém không nên ăn dưa hấu lạnh.
4. Ăn quá nhiều dưa hấu cùng một lúc
Theo Livestrong, dưa hấu rất giàu chất chống oxy hóa lycopene. Chất này nếu được tiêu thụ quá nhiều có thể gây ra các vấn đề như khó tiêu, đầy hơi, buồn nôn và nôn.
Ngoài ra, dưa hấu còn chứa hàm lượng kali cao, nếu ăn quá nhiều có thể ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh trung tâm, nhịp tim, dẫn đến các cơn đau tim.
5. Ăn dưa hấu để giảm cân
Lượng nước trong dưa hấu có thể khiến bạn cảm thấy ngang bụng, giảm thèm ăn. Tuy nhiên, nếu ăn quá nhiều thì lượng đường trong dưa hấu sẽ chuyển thành chất béo tích tụ trong cơ thể.
6. Ăn dưa hấu khi đang bị viêm, nhiệt miệng
Những người đang bị viêm, nhiệt miệng nếu ăn quá nhiều dưa hấu sẽ làm cho lượng nước trong cơ thể bị bài tiết ra ngoài nhanh và nhiều, gây thiếu nước ở khoang miệng. Chính vì thiếu nước nên miệng càng khô, gây nóng trong, khó khăn trong việc điều trị bệnh.
Lan Phương