Đại Kỷ Nguyên

Ăn gì để giảm nguy cơ ung thư đường ruột

Ung thư đường tiêu hóa thuộc nhóm bệnh ung thư thường gặp, trong đó ung thư dạ dày và ung thư đại tràng nằm trong nhóm năm bệnh ung thư hay gặp nhất, ung thư ruột non ít gặp hơn. Bệnh thường phát hiện ở người trên 40 tuổi, nhưng ngày càng có xu hướng trẻ hóa. 

Các nhà khoa học ước tính khoảng ⅓ ung thư trên toàn thế giới thường có nguyên nhân từ lối sống như hút thuốc và ăn uống. Vậy chúng ta cần làm gì để giảm nguy cơ ung thư đường ruột?

Nên ăn gì?

Dựa trên những bằng chứng hiện có, chế độ ăn giàu chất xơ là biện pháp quan trọng để giảm nguy cơ ung thư đường ruột. Chất xơ có thể chia làm hai loại; chất xơ không hoà tan giúp phân khuôn dễ dàng di chuyển trong đường tiêu hoá. Chất xơ hoà tan giúp hấp thu nước và làm phân mềm. 

Ngũ cốc toàn phần là nguồn cung cấp chất xơ lý tưởng, bên cạnh đó là các loại rau củ quả. Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, mỗi người Việt chỉ ăn khoảng 200 gram rau xanh một ngày, giảm so với vài chục năm trước và chỉ đạt một nửa so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Hơn một nửa dân số trưởng thành ăn thiếu rau và trái cây so với khuyến cáo.

Người ta vẫn chưa rõ vì sao chất xơ giúp làm giảm nguy cơ ung thư, cơ chế có thể là do làm giảm thời gian lưu thông của phân trong ống tiêu hoá ( do đó làm giảm thời lượng tiếp xúc với tác nhân ung thư), hoặc thông qua tác dụng có lợi của lợi khuẩn đường ruột. 

Sữa và các chế phẩm từ sữa cũng được cho là làm giảm nguy cơ ung thư ruột. Theo Hướng dẫn về Ung thư đường ruột của Úc thì sữa “có thể có tác dụng bảo vệ”, đồng thời càng uống nhiều càng có lợi. 

Dầu cá cũng chứa một số yếu tố bảo vệ. Ở những bệnh nhân mang theo yếu tố di truyền khiến họ dễ mắc polyp đường ruột (một dạng tổn thương tiền ung thư), thử nghiệm cho thấy polyp giảm tăng trưởng ở nhóm dùng omega 3 hàng ngày (có trong dầu cá) so với nhóm dùng giả dược. Tuy nhiên điều này chưa được kiểm chứng trên quy mô dân số lớn.

Một nghiên cứu quan sát cũng cho thấy tỷ lệ sống của bệnh nhân ung thư đường ruột tương quan với lượng cà phế uống hàng ngày. 

Ảnh: Genclips.

Nên tránh ăn gì?

Một biện pháp phòng ung thư đường ruột hữu hiệu hiện nay là tránh ăn nhiều thịt. Các cơ quan ung thư quốc tế xác nhận rằng có bằng chứng thuyết phục về mối liên hệ giữa ăn nhiều thịt và ung thư đường tiêu hoá. Thịt ở đây bao hàm thịt đỏ từ các động vật có vú như lợn, trâu, bò và các loại thịt chế biến sẵn như thịt xông khói, xúc xích v.v.

Thịt chế biến sẵn đã trải qua kỹ thuật bảo quản như hun khói, ướp muối và cho thêm các hoá chất bảo quản khác vốn có thể sản sinh những chất gây ung thư. 

Đặc biệt càng ăn nhiều thịt thì nguy cơ ung thư đường ruột càng cao, nhất là đối với thịt đã chế biến sẵn. Các hướng dẫn sức khoẻ của Mỹ và Úc đều khuyến nghị giảm tối đa lượng thịt chế biến sẵn và ăn vừa phải thịt đỏ. 

Các biện pháp khác

Chìa khoá để giảm nguy cơ mắc ung thư là một lối sống lành mạnh và cân bằng. Trong đó tập luyện vừa đủ, tránh tích mỡ bụng chiếm phần quan trọng. Các lối sống không lành mạnh như uống nhiều rượu bia, ăn nhiều đồ chế biến sẵn đều làm gia tăng nguy cơ ung thư. 

Các cơ quan y tế của Úc và Mỹ đều khuyên người dân trên 50 tuổi đi tầm soát ung thư đường tiêu hoá. Tầm soát ung thư được chứng minh là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để giảm nguy cơ. 

Exit mobile version