Đại Kỷ Nguyên

Ăn húng quế trong thai kỳ: Tốt cho cả mẹ lẫn con

Húng quế là loại rau gia vị được sử dụng phổ biến trong các món ăn thường ngày, ngoài nhiều tác dụng chữa bệnh khác nhau, húng quế còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe phụ nữ có thai.

Phân tích hiện đại cho thấy húng quế chứa nhiều loại tinh dầu (0,02 – 0,08%), đặc biệt là lúc cây đã ra hoa, trong đó có linalol (60%), cineol, estragol methyl – chavicol (25-60-70%) và nhiều chất khác. Đây được xem như thành phần quan trọng nhất của húng quế. Nhiều nơi trên thế giới đã trồng húng quế ở quy mô công nghiệp để chưng cất tinh dầu hoặc làm chất thơm.

Theo Đông y, rau húng quế có vị cay, tính nóng, làm ra mồ hôi, lợi tiểu, giảm đau. Quả có vị ngọt và cay, tính mát; kích thích thị lực. Hoa có tính chất lợi tiểu, bổ thần kinh. Trong dân gian có thể lấy cây sắc uống chữa sốt; kết hợp các loại lá để đun nước tắm, nước xông làm cho ra mồ hôi; chữa đau dạ dày, ăn uống không tiêu; thông tiểu; xúc miệng và ngậm chữa đau, sâu răng. Thường sử dụng cả cành già, lá và hoa.

Húng quế, vừa là gia vị vừa là vị thuốc hay. Ảnh dẫn theo youtube.com

Phụ nữ mang thai thường phải kiêng khem dè dặt với nhiều loại thực phẩm, nhưng nếu ăn húng quế lại có thể thu được rất nhiều lợi ích cho cả mẹ lẫn con.

Tăng cường hệ miễn dịch

Húng quế chứa nhiều vitamin E, C, riboflavin, niacin… Ngoài ra, húng quế còn cung cấp khoáng chất như kẽm, phốt pho, magiê, đồng, mangan và kali. Tất cả các vitamin và khoáng chất quan trọng trong húng quế giúp tăng khả năng miễn dịch và chống lại nhiều bệnh nhiễm trùng, đảm bảo sức khỏe của mẹ bầu và sự phát triển của thai nhi tốt.

Thúc đẩy sự phát triển của bào thai

Rau húng quế giàu vitamin A, đảm bảo cho sự tăng trưởng và phát triển của bào thai, tăng cường sức khỏe tim mạch, mắt, phổi và sự phát triển của hệ thần kinh trung ương.

Hỗ trợ hình thành xương cho thai nhi

Hàm lượng mangan chứa trong húng quế giúp hình thành xương và sụn của thai nhi. Ngoài ra, mangan có tác dụng như một chất chống oxy hóa mạnh giúp giảm sự mất cân bằng oxy hóa và ngăn ngừa nguy cơ tổn thương tế bào ở thai phụ.

Giúp điều hòa đông máu

Rau húng quế cung cấp vitamin K, đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sức khỏe và sự an toàn của thai nhi. Vitamin K giúp đông máu và ngăn ngừa nguy cơ mất máu.

Ngăn ngừa bệnh thiếu máu

Folate trong húng quế giúp bổ sung lượng máu cần thiết cho thai phụ. Ngoài ra, chất này cũng có khả năng ngăn ngừa nguy cơ bị dị tật bẩm sinh ở trẻ sơ sinh.

Húng quế rất giàu chất sắt có tác dụng thúc đẩy hàm lượng hemoglobin và tăng lượng tế bào hồng cầu. Do đó, húng quế giúp ngăn ngừa nguy cơ thiếu máu ở mẹ, cung cấp năng lượng cần thiết và tránh mệt mỏi khi mang thai.

Tác dụng phụ khi dùng húng quế quá nhiều

Dù rau húng quế mang lại nhiều lợi ích trong thời kỳ mang thai nhưng nếu bà bầu ăn rau húng quế quá nhiều, có thể dẫn đến những phản ứng phụ như:

Hạ đường huyết nghiêm trọng

Việc tiêu thụ quá nhiều húng quế trong thời kỳ mang thai có thể gây hạ đường huyết nghiêm trọng, làm giảm mức đường trong máu. Triệu chứng thường thấy là bạn có thể bị chóng mặt, khó chịu và run.

Các vấn đề về sức khỏe

Tinh dầu Eugenol trong húng quế có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe nếu bạn ăn quá nhiều. Ngoài ra, loại tinh dầu này còn làm tăng nhịp tim, nóng cổ họng và miệng, thở dốc, động kinh, chóng mặt, máu trong nước tiểu thậm chí là hôn mê.

Lưu ý khi sử dụng rau húng quế

Tuy bà bầu ăn rau húng quế an toàn nhưng chỉ nên tiêu thụ một lượng vừa phải (2 – 3 lần/tuần). Ngoài ra, việc rửa sạch rau húng quế trước khi ăn sẽ giúp loại bỏ ký sinh trùng và vi khuẩn gây hại có thể gây ra nhiễm trùng như listeriosis và toxoplasmosis. Cẩn trọng hơn, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi ăn rau húng quế trong khi mang thai.

Cao Sơn t/h

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.

Exit mobile version