Các chuyên gia ẩm thực đã tìm ra nhiều “món kinh dị” trên khắp thế giới, nhưng có lẽ món tiết canh của Việt Nam vẫn thuộc hàng “độc nhất vô nhị”. Đối với nhiều người thì đây là khoái khẩu, nhưng với không ít người khác thì nó ám ảnh họ đến già.
Không rõ món tiết canh có từ khi nào và bắt nguồn từ đâu nhưng ngày nay nó vẫn còn là món ăn tương đối phổ biến, đặc biệt tại các khu vực khá xa trung tâm thành thị, nơi người ta vẫn còn quen với cảnh tự tay giết gà giết vịt hàng ngày tại nhà.
Tại sao người dân lại thích ăn tiết canh cũng là một điều gây nhiều thắc mắc. Có người cho rằng vì người xưa quan niệm huyết tươi là một vị thuốc bổ, ăn gì bổ nấy, ăn huyết bổ huyết(!) Có người cho rằng, huyết của mỗi con vật đều có tính chất và tác dụng riêng ví như huyết heo vị mặn, tính bình, dùng làm thuốc bổ huyết, có thể trị chứng thiếu máu, suy nhược cơ thể. Huyết chim sẻ vị mặn, tính nóng, bổ thận. Huyết dê làm mạnh cơ thể, tráng thận, bổ huyết, chữa choáng váng, chóng mặt, đau lưng. Huyết dơi làm mạnh ngũ tạng, hoạt huyết. Huyết rắn trị nhức mỏi, phong thấp… Như vậy là cũng giống như một số lý thuyết bổ dưỡng khác, người ta có đầy đủ lý do để ăn tiết canh.
Tuy nhiên, thực tế thì bổ dưỡng chưa thấy đâu nhưng các bác sĩ ngày nay đã phải cấp cứu nhiều trường hợp vì ăn tiết canh. Họ cũng khẳng định là nguy hiểm luôn rình rập trong đó.
Tiết canh là máu gia súc (lợn, ngựa, dê, chó) hoặc gia cầm như (ngan, vịt)… được hãm trước khi trộn với sụn, thịt băm nhỏ để làm đông tiết. Như vậy về bản chất tiết canh là món sống, chứa nhiều mầm bệnh chưa được loại trừ qua quá trình nấu chín. Thêm vào đó, do phương pháp chăn nuôi hiện nay khiến con vật có thể mang một số mầm bệnh, giun, sán… rất nguy hiểm cho sức khỏe nếu dùng để ăn tái hoặc sống.
Người ăn tiết canh có nguy cơ mắc một số bệnh nguy hiểm sau đây:
1. Rối loạn tiêu hóa
Nguyên nhân có thể do nhiễm nhiễm khuẩn như nhiễm khuẩn tả, E.coli, hay nặng hơn là do độc tố tụ cầu vàng; hoặc do nhiễm chất độc, dị ứng với các thành phần trong tiết canh.
Thường những trường hợp rối loạn tiêu hóa ở thể nhẹ và trung bình sẽ có các triệu chứng nôn, tiêu chảy, đau bụng, có thể sốt hoặc không.
Bên cạnh đó có thể có trường hợp nguy hiểm đến tính mạng do tiêu chảy quá nhiều gây mất nước, điện giải mà không bù kịp thời hoặc trên nền những bệnh nhân sức đề kháng kém, bệnh mãn tính.
2. Nhiễm liên cầu lợn
Liên cầu lợn là một loại vi khuẩn cư trú ở đường hô hấp trên của lợn. Có đến hơn 2/3 số ca mắc liên cầu lợn là từ tiết canh. Tỷ lệ tử vong do nhiễm liên cầu lợn là 7%, tỷ lệ để lại di chứng là 40%.
Liên cầu lợn có thể gây nhiễm trùng huyết, viêm màng não hoặc kết hợp cả hai. Thời gian ủ bệnh ngắn, nếu điều trị muộn có thể gây tử vong, đồng thời cũng có thể có những biến chứng, di chứng như ảnh hưởng đến thính lực, viêm não, hay hoại tử tay chân; thêm vào đó chi phí điều trị cũng rất tốn kém có thể lên đến vài chục đến hàng trăm triệu đồng.
Người bệnh nhiễm liên cầu lợn có thể có các triệu chứng như sốt cao (39 – 41 độ C), có các mảng xuất huyết dưới da, cứng cổ, tiêu chảy, nôn vọt. Khi đó cần đưa người bệnh đến các cơ sở y tế ngay lập tức để tránh nguy hiểm đến tính mạng.
3. Nhiễm ấu trùng sán dây lợn
Ấu trùng sán lợn bị diệt khi đun ở nhiệt độ 100 độ C trong 10 phút. Khi ăn tiết canh là đồ sống từ lợn nhiễm sán, thì người ăn có nguy cơ nhiễm ấu trùng sán lợn cao. Sau khi lây nhiễm, ấu trùng sán sẽ ký sinh ở nhiều nơi trong cơ thể người, như da, cơ, mắt, não, tim.
Khi ký sinh ở dưới da hoặc cơ, bệnh nhân sẽ xuất hiện các nốt dưới da bằng hạt đỗ, hạt lạc, không đau, có thể có đau cơ, mỏi cơ. Bệnh nhân có thể lác, nhìn đôi, thậm chí bong võng mạc, gây giảm thị lực, mù nếu ấu trùng kí sinh ở mắt. Đặc biệt nếu ấu trùng ký sinh ở não có thể biểu hiện kín đáo, khó phát hiện như nhức đầu, hoặc động kinh, nặng hơn nữa có thể gây liệt. Những nang sán đôi khi có thể bị chẩn đoán nhầm là ung thư.
4. Nhiễm virus gây bệnh nguy hiểm
Người ăn tiết ăn cũng có nguy cơ nhiễm các virus, đặc biệt là các virus cúm gia cầm nguy hiểm như virus cúm A/H5N1 hay H1N1. Ngoài ra ăn tiết canh chó cũng có thể nhiễm virus dại nếu thịt hoặc máu có virus.
Thực ra, theo nhiều chuyên gia y tế, thì tiết canh không phải là món bổ máu như nhiều người thường nghĩ, bởi các thành phần giúp tạo máu trong tiết canh không được hấp thu mà bị đào thải qua phân. Hơn nữa, nếu thực sự có nhu cầu bổ máu thì còn có nhiều bài thuốc hay món ăn đơn giản và an toàn hơn nhiều so với tiết canh. Còn nếu xét từ góc độ văn hóa của người phương Tây, thì tiết canh được hiểu đơn giản là “canh máu” và thực sự kinh dị, không nên ăn.
Đại Hải tổng hợp
Xem thêm: