Nghiên cứu của tác giả Kogevinas và đồng nghiệp công bố trên tạp chí International Journal of Cancer ngày 17/7/2018 cho thấy có mối liên quan giữa thời điểm của bữa ăn đến nguy cơ ung thư.

Nghiên cứu được thực hiện tại Tây Ban Nha từ năm 2008 – 2013, bao gồm 621 bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt và 1.205 bệnh nhân ung thư vú. Nhóm chứng gồm 872 nam giới và 1.321 phụ nữ chưa bao giờ làm ca đêm. Đối tượng nghiên cứu được phỏng vấn về thời điểm các bữa ăn, thời điểm ngủ, lượng thời gian ngủ, hoàn thành một bảng câu hỏi về thực phẩm và được đánh giá nguy cơ ung thư theo khuyến cáo của Quỹ Nghiên cứu Ung thư Thế giới và Viện nghiên cứu Ung thư Hoa Kỳ.

Ăn bữa tối sau 10 giờ làm tăng nguy cơ ung thư. (Ảnh: Exquis.ro)

Kết quả cho thấy, so với các đối tượng ngủ ngay sau bữa ăn tối, những người đi ngủ sau bữa ăn tối ít nhất hai giờ đã giảm 20% nguy cơ ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt. Kết quả tương tự đã được quan sát thấy trong các đối tượng có bữa ăn tối trước 9 giờ tối so với bữa ăn tối sau 10 giờ tối. Nghiên cứu này đã chứng minh rằng nhịp sinh học cơ thể có thể liên quan đến ung thư.

Cuộc sống hiện đại liên quan đến sự rối loạn hoạt động ăn uống và nghỉ ngơi sẽ mang đến những bất lợi cho sức khỏe. Đây là nghiên cứu đầu tiên về thời điểm bữa ăn ảnh hưởng đến nguy cơ ung thư. Tuân thủ các mô hình ăn uống vào ban ngày và đặc biệt là có một khoảng thời gian dài giữa bữa ăn cuối cùng và giấc ngủ ban đêm có thể làm giảm nguy cơ mắc ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt.

Theo International Journal of Cancer
Phương Lan