Đại Kỷ Nguyên

Ăn trứng sống, hại nhiều hơn bổ, nấu chín quá lại cũng không tốt

Có người cho rằng ăn trứng sống còn tốt hơn cả trứng đã nấu chín, có tác dụng nhuận phổi hoặc làm trong giọng nói. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyên rằng hoàn toàn không nên làm vậy, các cách chế biến trứng khác nhau cho hiệu quả hấp thu khác hẳn nhau.

Theo PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm- ĐH Bách khoa Hà Nội): Thực chất lòng trắng trứng gà có nhiều chất dinh dưỡng, nó là nguồn protein hình thành nên gà con. Tuy nhiên, người ta chứng minh rằng khi ăn lòng trắng của trứng còn sống sẽ cản trở quá trình tiêu hóa, gây khó tiêu đầy bụng, đặc biệt là trẻ con.

Thêm vào đó, khi ăn trứng sống người ta không kiểm soát được quả trứng có bị nhiễm khuẩn bám ở vỏ trứng, và khi ăn sống vi khuẩn có thể đi vào cơ thể. Hoặc gà mẹ có bị bệnh gì hay không và người mua cũng không biết được rằng quả trứng đó mới đẻ hay được đẻ từ lâu rồi. Nó sẽ ảnh hưởng tới chất lượng của trứng và ảnh hưởng tới sức khỏe của chúng ta nếu ăn phải trứng bị hỏng.

Trứng sống rất khó tiêu hóa, làm lãng phí các chất dinh dưỡng

Cơm trộn trứng sống

Trứng chứa lượng protein dồi dào. Tuy nhiên, ăn trứng sống có thể làm giảm sự hấp thu protein. Có khoảng 90% protein trong trứng nấu chín được cơ thể hấp thu, trong khi ở trứng sống chỉ có 50%. Không những thế trứng sống còn có nguy cơ gây rối loạn tiêu hóa.

Vì protein trong trứng chủ yếu được tiêu hóa bởi enzyme pepsin và trypsin trong ruột non, trong khi trong lòng trắng trứng sống, có chứa chất kháng trypsin, gây cản trở quá trình tiêu hóa và hấp thụ protein.

Ngoài ra, trứng sống còn có mùi đặc biệt, có thể gây suy yếu hệ thần kinh trung ương, ảnh hưởng đến việc tiết nước bọt, dịch dạ dày và dịch tiêu hóa ở đường ruột, dẫn đến chán ăn, khó tiêu.

Trứng sống có thể ngăn chặn sự hấp thu biotin

Biotin là vitamin nhóm B hòa tan trong nước, còn được gọi là vitamin B7. Vitamin này cần thiết cho cơ thể sản xuất glucose và axit béo. Trứng sống chứa protein avidin nên có thể ngăn cơ thể hấp thu vitamin B hòa tan trong nước.

Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, khi ăn trứng sống có biểu hiện ngộ độc chính là tình trạng thiếu biotin với các dấu hiệu như chán ăn, nôn mửa, viêm lưỡi, viêm kết mạc, viêm quanh móng…

Trứng tươi có thể bị ô nhiễm vi khuẩn

Khoảng 10% số trứng chứa vi khuẩn gây bệnh Salmonella, nấm mốc hoặc ký sinh trùng. Nếu trứng để lâu ngày, tỉ lệ nhiễm bệnh thậm chí còn cao hơn.

Trứng sống và chưa chế biến có thể chứa salmonella – một loại vi khuẩn có hại. Vi khuẩn này có thể được tìm thấy không chỉ trên vỏ trứng mà còn bên trong trứng. Ăn trứng bị nhiễm vi khuẩn có thể gây ngộ độc thực phẩm. Thực tế này cũng đã được khẳng định trong một vài nghiên cứu về sự bùng phát dịch bệnh từ vi khuẩn salmonella do tiêu thụ trứng sống.

Người dễ bị ảnh hưởng từ nhiễm khuẩn salmonella bao gồm trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ do hệ thống miễn dịch chưa trưởng thành. Ở phụ nữ mang thai, trong một số trường hợp, salmonella cũng có thể gây co thắt trong tử cung, có thể dẫn đến sinh non.

Ngoài ra, người trên 65 tuổi thường có nguy cơ tử vong do các bệnh nhiễm khuẩn ở thực phẩm. Do đó, khi ăn trứng sống có thể làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Đặc biệt ở những người bị bệnh tiểu đường, nhiễm HIV và các khối u ác tính không nên ăn trứng sống.

Cứ ăn trứng là có thể hấp thụ dinh dưỡng như nhau?

Có nhiều người cho rằng, dù chế biến trứng theo cách nào thì khi ăn vào cũng hấp thụ dinh dưỡng như nhau, trên thực tế điều này không đúng.

Xét về tỉ lệ hấp thụ và tiêu hóa, ăn trứng luộc hoặc hấp sẽ giữ nguyên 100% dinh dưỡng, trứng ốp còn 98%, trứng xào còn 97%, trứng cuộn còn 92.5%, trứng rán già lửa còn 81,1% và ăn sống chỉ còn từ 30% đến 50% .

Trứng càng nấu kỹ càng tốt?

Khi luộc trứng quá kỹ, các chất trong lòng đỏ và lòng trắng kết hợp với nhau sẽ tạo thành sulfide sắt không hòa tan, gây nên khó tiêu, khó hấp thụ.

Trứng chiên (rán) quá lâu, chất protein polyme sẽ biến thành các axit amin phân tử thấp. Khi các axit amin này ở nhiệt độ cao sẽ tạo ra các phản ứng hóa học có hại cho sức khỏe.

Cách luộc trứng tốt nhất tính từ thời điểm nước sôi đun thêm 3 phút là trứng vừa chín tới. Bạn cũng có thể dùng đũa để thử, nếu có thể gắp được thì tức là trứng đã chín.

Khi trứng chín tới, lòng đỏ chỉ ở mức mềm dẻo sẽ giúp cơ thể dễ hấp thụ các chất dinh dưỡng nhất.

Trứng luộc càng lâu, thời gian tiêu hóa càng chậm, cụ thể là nếu bạn luộc trong 3 phút (công thức tính từ khi nước bắt đầu sôi) thời gian tiêu hóa sẽ mất khoảng 1,5 giờ.

Nếu luộc trong 5 phút, thời gian tiêu hóa sẽ mất khoảng 2 giờ, nếu luộc lâu hơn, cơ thể sẽ phải làm việc tối thiểu 3 giờ 15 phút mới tiêu hóa hết.

Mặt nạ đắp mặt từ trứng gà

Năm gà nói chuyện con gà, nhưng cũng không luận bàn con gà có trước hay quả trứng có trước. Chỉ có lời khuyên bạn cách làm sao sử dụng tinh tuý của loài gà tốt nhất, và cũng đừng vội bỏ vỏ trứng đi, nó cũng có giá trị dinh dưỡng đó.

Hoàng Kỳ (T/h)

Xem thêm:

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.

Exit mobile version