Đại Kỷ Nguyên

Ăn, uống gì mau gặp thầy thuốc?

Y sĩ đoàn ở CHLB Đức ắt hẳn đã có lý do chính đáng khi nhiều lần nhắc nhở cư dân bên đó nhanh chân tìm đến thầy thuốc nếu phát hiện tình trạng dị ứng gõ cửa nạn nhân quá thường.

Dị ứng, như tên gọi, là phản ứng dị thường của cơ thể, qua đó hệ miễn dịch tuy vẫn làm công việc phòng vệ nhưng theo kiểu “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”. Dù dưới thể dạng gì thì dị ứng sở dĩ xảy ra vì nạn nhân tiếp xúc với kích ứng nào đó không hợp với cơ thể, chẳng hạn hóa chất gia dụng, bụi khói… Nói nôm na, hễ gặp chất đại kỵ thì cơ thể phản ứng sai lệch với khuynh hướng càng lúc càng nặng nếu không được điều trị.

Nếu tưởng dị ứng tuy là chuyện xui xẻo nhưng đằng nào cũng có thuốc chống thì lầm! Kết quả của nhiều công trình nghiên cứu dài hạn cho thấy thuốc chống dị ứng chỉ là biện pháp chữa cháy cầm canh. Đáng nói hơn nữa là nhiều căn bệnh nhiêu khê rõ ràng thừa nước đục thả câu ở người thường xuyên dùng thuốc chống dị ứng. Dễ hiểu vì dưới tác dụng phong bế của thuốc chống dị ứng, hệ miễn dịch sớm muộn cũng hoạt động theo kiểu có mà như không.

Các hóa chất sử dụng trong nước giải khát công nghiệp có thể khiến sức kháng bệnh ngày càng sứt mẻ. (Anhr: Internet)

Đi xa hơn nữa, chuyên gia về miễn dịch học đã cảnh báo về đường thâm nhập của bệnh nguyên sinh dị ứng. Nếu tưởng lớp da hay đường hô hấp là cửa ngõ xâm lấn của chất sinh dị ứng thì tuy đúng nhưng không hoàn toàn chính xác. Phần lớn trường hợp dị ứng là do cơ thể không dung nạp:

– Chất phụ gia khó lường trong thực phẩm công nghệ vì có thể bất ngờ trở thành chất sinh dị ứng.

– Chất tăng lực trong nước giải khát vì tuy uống vào thấy khỏe nhưng sức kháng bệnh ngày càng sứt mẻ.

>>Xem thêm: Coi chừng hiểm họa xơ gan từ món nước được nhiều người ưa thích

Chính vì sự hiện diện của các chất này mà cơ thể lúc nào cũng phải huy động lực lượng bạch cầu và thực bào để tìm cách ứng phó. Sức người có hạn, sức bạch cầu cũng có hạn. Hệ thống phòng vệ đến lúc nào đó phải suy yếu vì ngày nào cũng phải chống chỗ này đỡ chỗ kia. Khi đó, nhiều căn bệnh khác, đặc biệt là bệnh bội nhiễm, bất chiến tự nhiên thành. Tình trạng này tất nhiên nghiêm trọng hơn nhiều ở nước ta vì lờn thuốc kháng sinh đang là chuyện… nhỏ!

Không có món ăn thức uống nào giúp ích cho sức khỏe nếu dùng theo kiểu xuân thu nhị kỳ. Ngược lại, nếu mong thực phẩm đừng thành thuốc độc thì người tiêu dùng cần tìm được dạng nào dùng hoài mỗi ngày nhưng không gây phản ứng phụ. Muốn được vậy, thực phẩm phải hội đủ tiêu chí: có thành phần càng gần với thiên nhiên càng tốt và an toàn vệ sinh. Cả 2 yếu tố này đang là chuyện xa vời ở nước mình.

BS. Lương Lễ Hoàng (nld.com.vn)

Xem thêm:

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.

Exit mobile version