Đại Kỷ Nguyên

Bác sĩ chế tạo máy thở rẻ tiền, giúp cứu sống hàng triệu trẻ em viêm phổi

Ở các nước nghèo không có đủ tiền mua máy thở, trẻ em bị viêm phổi có thể tử vong. Nhưng gần đây, một bác sỹ ở Bangladesh đã tìm ra một phương thức đơn giản và rẻ tiền để mô phỏng máy thở, giúp cứu sống nhiều trẻ em.

Vào đêm trực đầu tiên tại Sylhet, Bangladesh, Bác sỹ Mohamad Chisti đã chứng kiến 3 trường hợp trẻ em tử vong vì viêm phổi. Các bác sỹ cho trẻ thở oxy qua mặt nạ hoặc ống thở đặt bên cạnh mũi bằng kỹ thuật thở đơn sơ hay dùng ở các nước thu nhập thấp theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới. Nhưng kỹ thuật này đã thất bại nên vị bác sỹ này đã quyết định phải tìm ra cách tốt hơn.

Năm 2018 đã có hơn 920.000 trẻ em dưới 5 tuổi chết vì viêm phổi, khiến viêm phổi trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em ở độ tuổi này. Con số trên đã giảm xuống (khoảng 1,2 triệu người vào năm 2011), nhưng vẫn chiếm đến 16% tử vong ở trẻ sơ sinh. Tuy nhiên số liệu thực tế vẫn chưa được đánh giá đầy đủ. Ở Bangladesh, viêm phổi chiếm đến 28% tử vong ở trẻ sơ sinh.

Viêm phổi thường do vi khuẩn,  virus hoặc nấm. Triệu chứng chủ yếu của bệnh là khó thở do ứ đọng đờm ở các phế nang. Phế nang là các túi nhỏ ở tận cùng đường dẫn khí, là nơi trao đổi oxy và CO2. Nếu chức năng của phế nang bị cản trở, sẽ gây ra khó thở.

Ảnh: Lamedicinainunoscatto.

Viêm phổi đặc biệt ảnh hưởng nhiều đến trẻ sinh dưỡng – đối tượng phổ biến ở Bangladesh. Nguyên nhân là vì suy dinh dưỡng làm suy giảm hệ miễn dịch, làm trẻ dễ bị nhiễm trùng hơn. Thứ hai để duy trì lượng oxy trong máu, trẻ cần phải thở nhanh hơn. Điều này cần rất nhiều năng lượng, do đó trẻ suy dinh dưỡng không thể thở gắng sức trong thời gian lâu. Thiết bị của bác sỹ Chisti được thiết kế để giúp trẻ giảm gắng sức khi thở và cần phải rẻ (Lý do WHO đề xuất phương pháp cho các nước nghèo là bởi vì hỗ trợ thông khí chu kỳ ở các nước phát triển tốn khoảng 15.000 đô. Tuy nhiên thở oxy dòng thấp không giúp trẻ đỡ gắng sức.)

Phát minh của bác sỹ Chisti lấy cảm hứng từ lần ông ấy đến Úc. Trong chuyến đi này, ông được giới thiệu một loại máy thông khí gọi là bóng CPAP (duy trì áp lực dương đường thở) nhằm duy trị nhịp thở ở trẻ sinh non. Trẻ được thở qua một ống có đầu xa chìm trong nước. Khí thở ra sẽ tạo thành bong bóng và quá trình này làm dao động áp suất không khí trong ống. Vì áp suất trong ống cao, sẽ tạo áp lực đẩy oxy vào phổi. Qua đó làm tăng quá trình trao đổi khí ở phế nang và tăng dung tích phổi, và giúp trẻ thở dễ dàng hơn.

Với mức giá khoảng 6000 USD, bóng CPAP chuẩn rẻ hơn so với máy thở thông thường, nhưng mức giá này vẫn quá cao đối với các nước nghèo. Cảm hứng bất ngờ đến với bác sỹ Chisti khi ông thấy một chai dầu gội bỏ đi còn sót lại một ít bong bóng. Bác sỹ Chisti nhận thấy ông có thể tạo ra một thiết bị với nguyên tắc tương tự. Ông đã dùng một nguồn cấp oxy (trong mọi trường hợp cần phải dùng oxy lưu lượng thấp), một số ống và một chai nhựa chứa nước. Và thiết bị này đã hoạt động tốt.

Vào năm 2015, ông và các đồng nghiệp đã công bố kết quả thử nghiệm tại cơ sở nơi ông thực tập – Trung tâm nghiên cứu tiêu chảy quốc tế của bệnh viện Dhaka cho thấy tiềm năng của phương pháp này. Hiện tại, bệnh viện đã dùng phương pháp này thường xuyên và tỷ lệ trẻ em chết vì viêm phổi giảm đến 75%. Tỷ lệ sống còn của trẻ tại bệnh viện Dhaka hiện nay đã tương đương với tỷ lệ tại các trung tâm lớn sử dụng máy thở thường trên thế giới.

Bác sỹ Chisti cho biết, đồng thời với việc cứu sống trẻ, thiết bị của ông đã giúp cắt giảm gần 90% chi phí điều trị viêm phổi. Các vật liệu cần thiết để tạo ra phiên bản máy thở CPAP của ông chỉ có giá 1,25 đô. Thiết bị này cũng tiêu thụ ít oxy hơn máy thở thông thường. Năm 2013, bệnh viện phải chi 30.000 đô để mua các loại khí. Đến năm 2017, chi phí này chỉ còn 6000 đô.

Ý tưởng này đang được lan rộng. Bác sỹ Chisti và nhóm của ông dự định thử nghiệm máy thở mới này ở một số bệnh viện ở Ethiopia. Nếu hoạt động tốt như ở Dhaka, chiếc máy này sẽ đưa đưa đến những nơi khác. Chiếc máy của bác sỹ Chisti dựa trên những nguyên tắc cơ bản của máy thở đã mang lại hiệu quả đáng kể. Điều này cho thấy hiệu quả không phải bao giờ cũng cần có công nghệ cao.

Exit mobile version