Đại Kỷ Nguyên

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc viết sách cho lứa tuổi ‘gió heo may đã về’

Vẫn với văn phong dí dỏm, lối viết nhẹ nhàng, giản dị khi chuyển tải những vấn đề đáng ngại của “tuổi tác”, nhà văn – bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc sẽ khiến bạn đọc ngạc nhiên một cách thú vị qua cuốn sách “Biết ơn mình”.

Báo Tuổi Trẻ đưa tin, tập tản văn “Biết ơn mình” tập hợp những bài viết có cùng chủ đề “sức khỏe và đời sống” dành cho tuổi già và những tuổi không thể “thoát già”.

Từ những trải nghiệm của chính bản thân trong đời sống và trong nghề nghiệp, tác giả – bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đề cập đến tâm sinh lý tuổi già và những cách thức “già sao cho sướng”; ngõ hầu mang lại cho người đọc một đời sống thảnh thơi, an lạc ngay trong thực tại.

Bác sĩ Hồng Ngọc tham gia toạ đàm “Khi thầy thuốc bị stress” dịp đầu Xuân Mậu Tuất nhân ngày Thầy Thuốc Việt Nam (ảnh: Phụ Nữ Hiện Đại).

Biết ơn mình là biết quý những giây phút hiện tại, là không trốn chạy tuổi tác mà hiểu, chấp nhận và thưởng thức nó. Khi biết thưởng thức thì quả có nhiều điều thú vị để khám phá.

Biết ơn mình là lắng nghe sự mách bảo của cơ thể; chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần của mình qua từng miếng ăn giấc ngủ, cách thức hít thở, những rung cảm tâm hồn…

Học giả Nguyễn Hiến Lê từng nhận định có tính phổ quát khi viết lời tựa cho một cuốn sách của Đỗ Hồng Ngọc: “Một bác sĩ mà là một thi sĩ thì luôn luôn làm cho chúng ta ngạc nhiên một cách thú vị”.

Theo báo SGGP, bằng kiến thức chuyên môn của một bác sĩ kết hợp với sự duyên dáng của một người viết lâu năm, tác giả Đỗ Hồng Ngọc đã lần lượt mang đến cho người đọc những thông tin thú vị đằng sau cơ chế sinh học của từng bộ phận trên cơ thể: bộ xương, bộ máy tuần hoàn, buồng phổi, hệ thống hô hấp, hệ tiêu hóa…

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc luôn sẵn lòng tư vấn sức khỏe cho mọi người (ảnh: Komo Blog).

Hiểu rõ về cơ thể, về những điều kỳ diệu mà từng bộ phận của cơ thể mang lại cũng chính là sự biết ơn chính mình. Bởi lẽ, chỉ khi nào biết ơn chính mình, thì chúng ta mới quan tâm và lắng nghe cơ thể, giúp thân tâm luôn mạnh khỏe, như chia sẻ của viện sĩ Muculin, được trích dẫn trong bài viết của tác giả: “Chúng ta không theo dõi bản thân mình mà để cho cơ thể làm việc đến hao mòn, vì vậy nó dễ bị hư hỏng sớm”.

Ví như quả tim làm việc không ngừng nghỉ 24/24h cho đến hết cuộc đời. Trong vòng chưa tới 1 phút, quả tim to bằng nắm tay của bạn có thể cung cấp máu cho mọi tế bào trong cơ thể. Trong một ngày 24h, gần 100.000 nhịp tim bơm 2.000 gallon máu giàu oxy đi khắp 96.000 km các mạch máu liên kết tế bào của các cơ quan nội tạng và bộ phận cơ thể.

Trái tim con là bộ phận duy nhất trong cơ thể người không bị ung thư, hơn nữa lại là liều thuốc hữu hiệu nhất. Trái tim lúc bình tĩnh vui vẻ hạnh phúc, sẽ tiết ra một loại hormone, có tác dụng trị liệu các chứng bệnh nan y.

Ở các bài viết còn lại: Những bệnh… “vô duyên”; Một chút lan man; Những cái thiếu ở người già; Đừng quên… cái ruột già; Bệnh nhân… già và thầy thuốc…, tác giả đóng vai trò như một người bạn thủ thỉ, tâm tình những vấn đề hay vướng mắc mà bất cứ người già nào cũng quan tâm hay phải đối diện. Tác giả những bài viết này mong chúng ta đạt đến nếp sống mạnh khỏe, kể cả khi “gió heo may đã về”!

Ghé thăm trang Blog của nhà văn – bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc https://www.dohongngoc.com

Exit mobile version