Chắc hẳn bạn đã từng nghe thấy đâu đó nói về khả năng phục hồi sức khỏe kỳ diệu nhờ khí công và thiền định, có nhiều người mắc trọng bệnh tưởng phải sớm ra đi nhưng rồi lại bất ngờ tái sinh một cách thần kỳ? Đó chỉ là ngẫu nhiên, là mê tín hay là khoa học? Chuyên mục Sức khỏe của Đại Kỷ Nguyên sẽ giúp bạn giải mã ẩn đố này cùng với những câu chuyện “người thực, việc thực” và các nghiên cứu khoa học mới nhất.
Phản ứng phổ biến nhất khi gặp bệnh tật của người hiện đại là đi viện, uống thuốc, giải phẫu… Khắp nơi trên thế giới, đâu đâu cũng vậy. Những người tìm đến các phương pháp khác để chữa bệnh, bao gồm khí công và thiền định, thường là khi quá trình điều trị tại bệnh viện không tiến triển, đã chạy đôn chạy đáo gặp bác sỹ này, bác sỹ kia, bệnh viện trong nước và ngoài nước đã thử cả mà không thành. Còn có cả những trường hợp tiền chữa bệnh đã cạn, ai mách gì thì thử cái nấy. Tất nhiên, ở đây hoàn toàn không có ý nói rằng điều trị tại bệnh viện không hiệu quả, hay khí công và các phương pháp kia cao siêu v.v. mà chỉ phản ánh những gì xảy ra trong thực tế.
Trường hợp như các bác sỹ Thanh Thái, bác sỹ Hoan, bác sỹ Hóa đã đề cập đến trong bài viết trước là ví dụ điển hình. Họ là các bác sỹ, thậm chí là những chuyên gia đầu ngành, tinh thâm y lý, có hàng chục năm kinh nghiệm chữa bệnh cho người khác. Đến lượt mình đổ bệnh, mới thực sự cảm thấy sự bất lực của chính bản thân, thấy sự giới hạn của bản thân, sự giới hạn của y học hiện đại. Sự sống của họ được hồi lại từ cảnh vô phương cứu chữa, kết quả thật ngoạn mục khiến các bác sỹ này đều tâm phục khẩu phục.
Vậy rốt cuộc có gì khác biệt giữa khí công và các phương pháp trị liệu tại bệnh viện?
Câu trả lời xuất phát chính từ lý thuyết về thân thể người và nguồn gốc bệnh.
Y học hiện đại được xây dựng nền móng dựa trên các nghiên cứu thực chứng, quan sát nghiên cứu lâm sàng, giải phẫu học cũng như là cách dùng các loại thuốc đặc trị, thuốc diệt trùng kháng khuẩn – một tác nhân gây bệnh cho cơ thể. Tất nhiên không thể khái quát một hệ thống lý luận y học với dăm câu ba đoạn, nhưng điều nhiều người có thể quan sát thấy đó là: có u thì cần tiêu u, cắt bỏ khối u, nhiễm khuẩn thì diệt khuẩn, thiếu máu thì bổ máu, thiếu insulin hay hooc-môn nào đó thì tăng cường bổ sung những thứ này. Trong cách điều trị ung thư, người ta tìm cách loại bỏ các tế bào ung thư nhờ uống thuốc, hóa trị, xạ trị, phẫu thuật hoặc tổng hợp nhiều biện pháp. Vấn đề xuất hiện ở đâu thì tập trung vào xử lý tại đó.
Quan điểm về cơ thể và về bệnh trong khí công và thiền định dường như chẳng mấy liên quan đến những nghiên cứu hiện đại nói trên. Khí công thường gắn liền với phép dưỡng sinh và tu luyện trong Đạo gia, gắn với âm dương, với ngũ hành, hay thậm chí với khí, kinh lạc, huyệt vị – những thứ mà khoa học hiện đại vẫn còn khá mơ hồ.
Nói về thân thể người, nhiều trường phái khí công xem thân thể người như một tiểu vũ trụ, giống như trong Đông y, họ “giải phẫu” thành lục phủ ngũ tạng ở bên trong và gân – khớp – da – lông ở bên ngoài thành một hệ thống thống nhất thông qua hệ thống Kinh Lạc của cơ thể.
Cơ thể được nuôi dưỡng nhờ khí huyết, mà kinh lạc chính là những đường vận hành khí huyết này. Kinh là những đường ống chạy dọc theo cơ thể thông suốt khắp nơi, Lạc là rất nhiều những đường ống nhỏ hơn chạy ngang nối các Kinh với nhau. Kinh mạch và Lạc mạch làm thành một hệ thống thống nhất hoàn chỉnh trong cơ thể con người và được goị là hệ Kinh Lạc.
Khí huyết trong cơ thể con người tuần hoàn không ngừng để duy trì sự cân bằng âm – dương, nuôi dưỡng gân, cốt, da, thịt bảo vệ cơ thể chống lại ngoại tà xâm nhập. Sự tuần hoàn khí huyết có được phát huy đầy đủ hay không là nhờ chủ yếu vào hệ Kinh Lạc.
Bình thường hệ kinh lạc trong cơ thể vốn là thông suốt. Trong y học cổ truyền có câu “Thông thì bất thống, thống bởi bất thông”, đau bệnh đều là do khí huyết không lưu thông, âm dương mất cân bằng, chức năng của tạng phủ bị suy trệ. Một khi khí huyết lưu thông, đau bệnh liền biến mất.
Khí công, Thiền định: Phương pháp đả khai kinh lạc nhanh nhất
Để khơi thông kinh lạc, người xưa có nhiều phương pháp, bao gồm luyện khí công, hành thiền, châm cứu, bấm huyệt, hoặc sử dụng một số bài thuốc dân gian từ các loài cỏ, cây, hoa, lá…
Khí công, thiền định thuộc về tinh hoa của người xưa trong dưỡng sinh và tu luyện. Động tác nhẹ nhàng mềm mại, hoặc thậm chí không có động tác, hoàn toàn là ngồi im bất động nhưng hiệu quả thu được thật vi diệu, khác hẳn với rèn luyện thể dục bình thường. Điều này đang được khoa học hiện đại dần dần khám phá.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ tại Đại học Harvard, thiền định có tác động đáng kinh ngạc lên cấu trúc não người. Chỉ sau 8 tuần tập luyện thiền định, kết quả chụp MRI cho thấy chất xám trong não những tình nguyện viên đã tăng lên rõ rệt. Tiến sĩ thần kinh học Sara Lazar, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết những người tập thiền không chỉ cảm thấy hạnh phúc hơn, họ thật sự trải qua sự thay đổi trong cấu trúc não, dẫn đến tăng cảm xúc tích cực và thư giãn một cách bền vững lâu dài.
Nhà nghiên cứu Sue McGreevey của bệnh viện tổng hợp Massachusetts cho biết, những nghiên cứu trước đây của nhóm Lazar đã phát hiện sự khác biệt giữa não của người tập thiền và người không tập, rõ ràng nhất là ở vỏ não dày hơn – khu vực phụ trách về khả năng tập trung và cảm xúc. Chỉ cần trung bình khoảng 27 phút thiền định mỗi ngày đã giúp tăng đáng kể độ đậm đặc của chất xám, đặc biệt ở hồi hải mã – khu vực phụ trách khả năng tự nhận thức bản thân, tình thương và nội tâm. Đồng thời, cũng có một sự suy giảm mật độ chất xám ở hạch hạnh nhân – nơi kiểm soát các phản ứng stress và lo lắng. Ngày nay ai cũng biết mối liên hệ giữa tinh thần cảm xúc và trạng thái sức khỏe thể chất, căng thẳng stress chính là yếu tố gây suy giảm hệ miễn dịch, kích thích lão hóa và các phản ứng viêm, gây ra hàng trăm thứ bệnh trên cơ thể.
Kiểm soát được stress, có nghĩa bạn đã tiến một bước lớn trong kiểm soát bệnh tật, bất kể lớn nhỏ.
Thực ra, người xưa đã biết được mối quan hệ này. Một trong những phương pháp khai thông kinh mạch nhanh chóng và đơn giản nhất chính là Thả lỏng toàn bộ tâm và thân.
Người thực hành được yêu cầu chủ động thả lỏng mọi lúc mọi nơi. Ví dụ, khi đứng hay ngồi quá lâu, cần xem bộ vị nào đang chịu lực nhiều hơn để thay đổi tư thế, dồn trọng lực sang các bộ vị khác, thả lỏng bộ vị kia. Khi nằm ngủ, hãy xem mình có đang chau mày không, nếu có thì lập tức hãy day huyệt Ấn đường rồi thả lỏng toàn thân. Có thể tưởng tượng các khớp xương của mình đang rời ra, cơ bắp giãn ra, hít thở thật sâu và nhẹ để kinh khí lan tỏa khắp cơ thể. Cứ như vậy, cơ thể bạn sẽ nhẹ nhõm vô cùng vì kinh lạc đã thông suốt.
Khí công, Thiền định: Phương pháp tốt nhất trao đổi năng lượng với vũ trụ
Những người thực hành khí công và thiền định thường có độ nhạy cảm nhất định với trường năng lượng. Xung quanh người bệnh thường có một trường khiến cho người ta cảm thấy nặng nề, thực chất đó chính là trường vật chất màu đen, còn gọi là khí bệnh, khí đen. Theo các thầy khí công, khu vực nào trên thân thể mang bệnh thì mật độ khí đen tại đó lớn hơn.
Khi người ta bắt đầu luyện công thì trường khí đen này dần dần giảm bớt, chuyển sang màu vàng, rồi sáng dần lên. Cùng lúc đó người bệnh cũng cảm thấy khỏe mạnh hơn, sắc mặt tươi sáng hồng hào trở lại. Người luyện công xưa có nhiều cách nói khác nhau, nào là thượng bài hạ tiết, bài khí tiết khí, thanh lọc trọc khí… xét cho cùng đó là sự trao đổi năng lượng giữa cơ thể người với vũ trụ rộng lớn thông qua hệ kinh lạc và các huyệt vị trong cơ thể. Người luyện công lấy khí tốt bên ngoài trao đổi với bên trong cơ thể, bài tiết những khí đen xấu kia đi.
Dưỡng sinh Đạo gia xưa cũng giảng về “Thiên Nhân hợp nhất”, tức là đồng hóa con người với tự nhiên, từ lối sống cho đến tinh thần, hòa vào làm một với vũ trụ, càng gần với tự nhiên bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Khi đó không còn gián cách nên năng lượng vũ trụ sẽ liên tục trao đổi với cơ thể, bạn hoàn toàn khỏe mạnh.
Như vậy, xét từ lý luận về cơ thể người trong y học truyền thống, muốn có được thân thể khỏe mạnh thì nhất định cần làm được đến mức Bách mạch khai thông, tức là toàn bộ hệ kinh lạc – đường đi cho khí huyết phải được thông suốt bằng cách này hay cách khác. Trong thực tế, Khí công có nghìn loại, Thiền định có vạn môn… có thể cùng đích ngắm nhưng mỗi thứ một con đường, ngắn dài khác nhau, hiệu quả cũng tất nhiên khác nhau. Nên bắt đầu từ đâu? Xin quay trở lại vào trong bài viết sau.
(còn tiếp)
Đình Vũ