Đại Kỷ Nguyên

Bài học gì cho Việt Nam từ ngành công nghiệp ghép tạng đầy hắc ám ở Trung Quốc?

Việc triển khai rầm rộ chương trình vận động hiến tạng của Bộ Y tế diễn ra sát nút với chuyến thăm Việt Nam của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khiến nhiều người không thể không đặt câu hỏi. Ngành ghép tạng của Trung Quốc phát triển phi mã trong những năm qua, nhưng cả thế giới đang phanh phui ra những hắc ám kinh hoàng. Vậy Việt Nam rút được bài học gì? Liệu có một ý định hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực này?

Bài học gì từ ngành công nghiệp ghép tạng đầy hắc ám ở Trung Quốc?

Không biết là vô tình hay có chủ ý mà các kênh truyền thông đồng loạt cổ vũ cho ngành ghép tạng trong thời gian qua, đặc biệt là trong thời điểm sát nút với chuyến thăm Việt Nam vào ngày 5-6/11 của Chủ tịch nước Trung Quốc, ông Tập Cận Bình. Không biết liệu Việt Nam có ý định hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực này hay không? Nếu là vậy, thì cần biết rằng Trung Quốc thực sự là bài học đắt giá nếu không muốn nói là man rợ trong lĩnh vực này.

Trung Quốc dường như tự hào vì có ngành công nghiệp ghép tạng phát triển nhanh nhất thế giới, đặc biệt là kể từ năm 2000 đổ lại đây. Số ca ghép thực hiện được tăng một cách chóng mặt cho tất cả các loại tạng. Bí mật đen tối đã được các nhà điều tra từ nhiều nước trên thế giới phanh phui ra: chính quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hậu thuẫn cho việc mổ cướp tạng hàng loạt từ những tù nhân lương tâm, đặc biệt là những người tu luyện môn khí công Pháp Luân Công.

“Đảng Cộng sản Trung Quốc dưới sự chỉ huy của cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân đã giết trên 2 triệu học viên Pháp Luân Công để mổ sống lấy nội tạng.” (Ảnh: Falunart.net)

Ngày 20/6/2015, Tổ chức Thế giới Điều tra Cuộc đàn áp  Pháp Luân Công (WOIPFG)  đã cho công bố kết luận điều tra: “Đảng Cộng sản Trung Quốc dưới sự chỉ huy của cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân đã giết trên 2 triệu học viên Pháp Luân Công để mổ sống lấy nội tạng.” Phát ngôn viên của WOIPFG, ông Uông Chí Viễn nói: “Đây là con số vô cùng ghê rợn, nhưng hoàn toàn đáng tin.”

Sự việc trên thực ra đã được Ông David Kilgour, nguyên Quốc vụ khanh Canada, và ông David Matas một luật sư nhân quyền quốc tế điều tra và cho kết luận vào năm 2006. Hai ông cũng cho xuất bản cuốn “Thu hoạch đẫm máu” để lên án về việc này. Thời đó các trang web của các bệnh viện đăng thông tin tự buộc tội mình, khoe khoang về thời gian chờ đợi ngắn cho tất cả các loại nội tạng, và đưa ra bảng giá cho từng loại.

Hình trang bìa bản tiếng Việt cuốn sách Thu Hoạch Đẫm Máu (Bloody Harvest) (Ảnh: vn.minghui.org)

Theo kết quả điều tra, giới chức y tế Trung Quốc lý giải rằng nguồn tạng thu được từ những người tử tù tự nguyện, nhưng số ca ghép tạng thực hiện nhiều hơn so với số tử tù hàng chục nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn trường hợp.

Có thời điểm các bệnh viện của Trung Quốc có niêm yết đường dây nóng, công bố giá của từng bộ phận (giác mạc 30.000 USD, tim 130.000-160.000 USD, thận 62.000 USD,…) và cam kết đảm bảo thời gian cung cấp cực ngắn, chỉ khoảng 3 ngày đến 1 tuần. Cũng có thời điểm các bệnh viện Trung Quốc quảng cáo khuyến mãi tạng, điều này chưa hề có trong lịch sử ngành ghép tạng thế giới.

Ông Ethan Gutmman, một chuyên gia người Mỹ, chuyên trách về các vấn đề Trung Quốc đã cho công bố cuốn sách “The Slaughter” (Cuộc tàn sát) vào ngày 12/8/2014. Ông cho biết, trong cuốn sách đã công bố hàng loạt chứng cứ mới chứng minh tội ác cưỡng ép mổ sống người lấy nội tạng của ĐCSTQ, đặc biệt là trong năm 1999 sau đợt ĐCSTQ đàn áp Pháp Luân Công, bắt đầu chương trình giết mổ các học viên Pháp Luân Công để lấy nội tạng với quy mô lớn, và hiện tội ác này vẫn đang tiếp diễn.

Hiện nay, một số nước như Đài Loan, Ý, Úc… đã thông qua luật cấm công dân của nước mình đi du lịch sang Trung Quốc để ghép tạng. Người dân khắp nơi trên thế giới cũng đang tích cức tiến hành vạch trần hành động này để phản đối chính sách tàn bạo của chính quyền Trung Quốc. Do vậy việc hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực này quả thật quá phiêu lưu, ít nhất là ở góc độ niềm tin: không đáng để tin cậy một chính phủ bảo hộ những kẻ giết nhân dân của mình để kiếm lời.

Ghép tạng là ngành công nghệ cao, Việt Nam đã thực sự sẵn sàng?

Ca ghép tạng thành công tại bệnh viện Trung Ương Huế với nguồn tạng được chuyển cấp từ bệnh viện Chợ Rẫy, TP. HCM, là dịp mà các chuyên gia y tế cần thực sự đánh giá lại các yếu tố cần thiết cho việc phát triển ngành này. Ngoài khó khăn là nguồn tạng khan hiếm, thì đây là ngành kỹ thuật công nghệ cao, đồng thời cũng đòi hỏi một sự minh bạch và y đức rất cao của tất cả các y bác sĩ tham gia.

Ngành ghép tạng của Việt Nam được cho là đi sau thế giới khoảng 50 năm, vậy có sự khác biệt nào giữa thế giới và Việt Nam? Chắc chắn là có khoảng cách ở cả trình độ tay nghề các y bác sĩ và hệ thống cơ sở vật chất. Theo các nguồn tin khác  nhau, Việt Nam cũng đã thực hiện hàng ngàn ca ghép. Vậy tỉ lệ thành công thực sự là bao nhiêu? Một trong những điều làm khó ngành ghép tạng từ xưa đến nay chính là cơ thể thải ghép.

Sau khi ghép, cơ thể người bệnh liên tục tiến hành bài trừ các tạng và mô mà nó phát hiện ra là vốn không phải của nó, và do vậy người ta phải tìm cách ức chế hệ miễn dịch bằng các loại thuốc nhưng cũng chỉ kéo dài được đến một mức độ nào đó. Vậy mức độ thành công của các ca ghép tạng tại Việt Nam là như thế nào so với mặt bằng chung? Tất nhiên, sự sống, dù chỉ kéo dài thêm được một vài tháng, một năm thì cũng vô giá. Nhưng nếu ngành y tế có thể thống kê chính xác, theo dõi diễn tiến của các trường hợp sau ghép thì mới có thể đánh giá rằng chúng ta thành công như thế nào.

Người dân khắp nơi trên thế giới cũng đang tích cức tiến hành vạch trần hành động này để phản đối chính sách tàn bạo của chính quyền Trung Quốc. (Ảnh: dafoh.net)

Y đức cũng là một vấn đề cần bàn tới, không chỉ trong các trường hợp ghép tạng và là chung cho các hoạt động trong ngành y. Không phủ nhận chúng ta có những bác sĩ thật tốt, các bác sĩ làm việc rất vất vả vì bệnh nhân đông quá…. nhưng cũng phải thừa nhận rằng y đức là vấn đề bức bối trong những năm vừa qua. Đơn giản là việc phong bì vài trăm cho y tá trong bệnh viện, đến việc nâng giá thuốc, ghi đơn thuốc quá mức cần thiết, rút ruột vắc xin, xét nghiệm sai, chẩn đoán ẩu, hay đi thuê bằng dược sĩ để mở cửa hiệu, thuê danh của bác sĩ để mở phòng mạch… là những vấn đề Bộ Y tế loanh quanh không biết giải sao trong những năm qua. Vậy điều gì có thể đảm bảo rằng y đức sẽ không còn là vấn đề khi các ca ghép tạng nhiều lên. Sức khỏe là vô giá, giữa sự sống và cái chết, và nếu còn trong khả năng của mình, thì người bệnh thường không nghĩ đến chuyện giá cả, miễn xong là được. Họ phó mặc cho bác sĩ và tin tưởng vào y đức của bác sĩ.

Nhưng với bối cảnh ngành y tế hiện nay, và nhu cầu tham nhũng trong xã hội hiện nay, không ai có thể nói rằng ngày mai chuyện ‘nhiêu khê’ kia sẽ hết. Vậy các cơ quan chức năng có giải pháp nào để đảm bảo rằng: người chết não đúng là chết não và có thể hiến tạng, người bệnh được cung cấp tạng theo đúng quy trình, và tất cả các mắt xích (rất nhiều) trong ghép tạng sẽ được minh bạch không vụ lợi. Nhìn vào công phu trong trường hợp ghép tim tại bệnh viện Việt Đức với nguồn tạng từ bệnh viện Chợ Rẫy vừa qua cho thấy điều này rất quan trọng, vì thành công của ca ghép cần đến sự phối hợp tham gia của nhiều ê-kíp khác nhau.

Hiện nay người ta đều biết có một thị trường tạng đen đang tồn tại ở Việt Nam, trong đó đa phần là do nguồn từ những người nghèo và ít hiểu biết bán thận cho một bên khác. Do đó nếu tổ chức hệ thống cho – nhận tạng không tốt, đây có thể là sơ hở giúp thị trường này hoạt động.

Theo nội dung phỏng vấn trực tuyến ngày 26/10/2015 của VTV2, ông Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ y tế cũng cho rằng: Trước hết phải xây dựng hoàn chỉnh hệ thống pháp luật cũng  như quy trình chuyên môn, cần có hệ thống kiểm tra giám sát đảm bảo tính minh bạch công khai cũng  như đội ngũ nhân lực và cơ sở vật chất kỹ thuật. Như vậy việc đầu tiên cần làm là giải quyết các vấn đề như ông Tiến đã đưa ra, thử nghiệm hệ thống trước khi triển khai chương trình vận động cho mô, tạng trên quy mô rộng như hiện nay.

Mạnh Lạc

Xem thêm:

Exit mobile version