Hoa loa kèn là hoa của tháng tư, của thời khắc giao mùa. Loài hoa trắng này không chỉ gợi cho bao người những ký ức tuổi thơ, làm đẹp cho từng con phố, từng góc nhà mà còn là bài thuốc hay chữa bệnh mất ngủ, giảm trí nhớ, đau đầu, suy nhược thần kinh…
Hoa loa kèn trắng hay còn gọi là huệ tây, hoa Lys (Lilium longiflorum) là một loài thực vật thuộc chi Lilium, họ Loa kèn (Liliaceae) được trồng phổ biến ở Việt Nam.
Nghiên cứu của Jayaraj A.Francis và cộng sự năm 2004 đã xác định các thành phần có hoạt tính sinh học trong hoa loa kèn như kaempferol glycosides, quercetin glycosides, regaloside, chalcone cùng một số axit béo có tác dụng chống viêm hiệu quả.
Ngoài ra, năm 2013 nhóm nghiên cứu của Debora Esposito đã chỉ ra, chiết xuất từ củ hoa loa kèn giúp điều trị vết thương trên da.
TS. Lương Y Phùng Tuấn Giang – Chủ tịch Viện nghiên cứu phát triển Y dược Cổ truyền Việt Nam cho biết, ngoài tác dụng làm cảnh và trang trí, một số loại loa kèn thuộc chi Lilium còn có công dụng chữa bệnh, được dùng từ lâu đời trong y học cổ truyền, theo Khám Phá.
Theo Đông y, hoa loa kèn theo y học cổ truyền có vị ngọt, đắng, tính mát, ích khí điều trung, nhuận tràng, lợi niệu, giải độc tiêu viêm.
Hoa loa kèn để điều trị mất ngủ, các bệnh đường hô hấp (viêm phế quản, viêm phổi, lao phổi…); chứng hồi hộp, tâm phiền, đau vùng tim; cơ thể suy nhược; đại tiểu tiện bí do phế nhiệt; suy nhược cơ thể do âm hư…
Một số bài thuốc chữa bệnh từ hoa loa kèn:
Bài thuốc trị đau đầu, mất ngủ từ hoa loa kèn: 200g cánh hoa loa kèn, 1 lòng đỏ trứng gà, đường phèn 50g trộn đều đem hấp cách thủy khoảng 10 phút rồi lấy ra sử dụng.
Cách dùng:
Trước khi đi ngủ khoảng 1 tiếng, bạn ăn hỗn hợp này khi còn ấm chắc chắn sẽ có một giấc ngủ sâu và ngon hơn. Bạn nên sử dụng thường xuyên mỗi ngày.
Các trường hợp bị bong gân, đau khớp do chấn thương cũng có thể áp dụng bài thuốc trị bệnh từ củ của hoa loa kèn.
Lấy củ hoa đem rửa thật sạch, giã nát và đắp trực tiếp lên phần bị đau nhức. Ngoài ra, sử dụng hoa loa kèn đúng cách còn có thể giúp chúng ta trị được rất nhiều bệnh khác nhau như: giảm trí nhớ, đau đầu, căng thẳng và suy nhược thần kinh…
TS. Lương Y Phùng Tuấn Giang cũng lưu ý, phấn hoa loa kèn có khả năng gây dị ứng. Những trường hợp bị viêm mũi dị ứng, hen suyễn, viêm kết mạc… không nên áp dụng các bài thuốc từ hoa loa kèn.
Phương Nam