Y học dân gian có nhiều bài thuốc lạ được lưu truyền đến nay, hiệu quả thật tốt nhưng mọi người ngày nay không chắc đã dám làm mặc dù nguyên liệu sẵn có.
Trong dân gian, rết còn có tên gọi là Ngô công, Thiên long, Bách túc trùng,… tên khoa học là Scolopendra morsitans L. Rết thường sống ở dưới những khúc gỗ mục, trong các đống rơm rạ hay mái nhà tranh mục nát hoặc dưới những tảng đá ẩm ướt. Vì trong nọc rết có chứa hai chất độc gần giống như nọc ong nên rết cắn rất đau, thậm chí còn khủng khiếp hơn.
Trong y học cổ truyền, rết được dùng làm thuốc từ rất sớm với công dụng trừ phong, chống co giật, giảm đau, giải độc và làm thông kinh lạc, thường sử dụng để chữa các chứng bệnh như kinh giản (co giật), trúng phong (tai biến mạch máu não), phong thấp ngoan cố (các bệnh khớp mạn tính, dai dẳng), thiên chính đầu thống (đau nửa đầu), loa lịch (lao hạch), rắn độc cắn, mụn nhọt, dương nuy (liệt dương)…
Để làm thuốc, người ta thường chọn những con rết to béo, đầu vàng, lưng đen, bụng và chân vàng đỏ, vặt bỏ đầu, ruột, chân và đuôi.
Có nhiều cách bào chế rết làm thuốc như:
- Đem rết sống cho vào chảo nóng, đảo qua cho tái hoặc đổ rết vào nước sôi cho chết rồi đem phơi hoặc sấy khô;
- Đem nướng trong than nóng cho khô vàng rồi gói vào lá sen tươi, nướng cho đến khi lá sen chuyển màu vàng là được;
- Đem sao nhỏ lửa cho đến khi có màu vàng và bốc mùi thơm;
- Dùng rượu 40 độ tẩm đều và ủ trong 15 – 20 phút rồi đem sao nhỏ lửa cho đến khi có màu vàng thơm;
- Cho rết sống vào rượu cao độ ngâm trong 10 ngày, ngâm càng lâu càng tốt;
- Đem ngâm nhiều ngày với dầu vừng
- Cách dùng thường là sắc, tán bột, làm hoàn uống hoặc dùng bột thuốc rắc xoa, rượu thuốc và dầu thuốc bôi ngoài. Một số cách dùng cụ thể như sau :
Chữa mụn nhọt chưa vỡ : dùng bông thấm rượu rết bôi nhiều lần trong ngày, cũng có thể dùng bột rết hoà rượu xoa lên mụn nhọt. Hoặc bắt chừng 6 con rết cho vào lọ rồi đổ dầu vừng vào ngâm vài tháng, khi dùng lấy bông thấm dịch bôi lên các mụn nhọt
Chữa liệt dây thần kinh VII ngoại vi: rết 15g (chừng 3 con), Cam thảo 30g. Hai thứ sao vàng tán thành bột mịn, uống mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 2g với nước chín để nguội. Hoặc dùng rết 30g, tổ ong mật 10g, Chu sa 3g, ba thứ tán bột, chia làm 3 phần, mỗi ngày uống 1 phần chia làm 3 lần (sáng, trưa và tối). Hoặc rết 8g, Bọ cạp 6g, Cương tàm 6g, Thiên ma 9g, Kê huyết đằng 9g, sắc uống.
Chữa trĩ viêm tấy đau nhức: rết bỏ đầu và chân, sấy khô tán nhỏ, hoà với một chút Long não hoặc rượu bôi vào búi trĩ.
Chữa bỏng: rết 60g, nghệ vàng 50g, lông nhím 30g. Rết và lông nhím sao cháy, tán thành bột mịn; Nghệ rửa sạch sấy khô, tán bột; tất cả đem trộn đều với 100 ml dầu hạt bông, mỗi ngày dùng thuốc bôi lên vết bỏng 1 lần. Hoặc rết 30g, Ngũ bội tử 100g, mật ong 25 ml, giấm ăn 150 ml. Rết và Ngũ bội tử giã nát rồi đem ngâm cùng mật ong và dấm, sau 7 ngày là có thể dùng được, lấy gạc sạch thấm dịch thuốc rồi đắp lên vết bỏng.
Chữa liệt dương: rết 2 con, phòng phong 15g, sắc uống hàng ngày. Hoặc rết 90g, Cam thảo 30g, Tiểu hồi hương 15g, tất cả đem sấy khô rồi tán thành bột mịn. Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 2g bột thuốc với nước chín có pha 50% rượu để uống sau khi ăn. Hoặc rết 18g, Đương quy 60g, Bạch thược 60g, Cam thảo 60g, tất cả sấy khô rồi tán thành bột mịn, mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 2g bột thuốc với nước chín có pha 50% rượu sau khi ăn. Hoặc rết 10g, Kê nội kim 30g, Hạt hẹ (Phỉ tử) 60g, các vị sấy khô tán bột, mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 2g với rượu nhạt.
Chữa lao hạch (tràng nhạc): rết 15g, Hạt thầu dầu 10 hạt, hai thứ đem giã nhỏ, gói vào gạc mỏng rồi đắp lên tổn thương. Hoặc rết 15g, Bọ cạp 30g, Cương tàm 15g, các vị sấy khô tán bột, mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 1,5g với nước chín sau khi ăn.
Theo caythuocquy
Xem thêm:
- Đông trùng hạ thảo Tây Tạng – Viagra của người cổ đại được mua với giá hàng chục ngàn USD/kg
- Lá đu đủ: đừng bỏ đi, đây là vị thuốc quý cho 9 vấn đề sức khỏe
- Sự tái sinh kỳ diệu của vị Bác sĩ, Tiến sĩ Trưởng Khoa tim mạch bệnh viện Chợ Rẫy
Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.