Đào là loại quả quý, có vị ngọt, hơi chua được nhiều người yêu thích. Không những vậy, nó còn có những tác dụng hữu ích trong việc chữa bệnh cũng như dưỡng nhan.
Quả đào còn có tên đào tử, mao đào, đào thực, hồng đào… Tên khoa học là Prunus persica Stokes., họ Hoa hồng (Rosaceae). Đào có hàm lượng cao glucose, sucrose và fructose, chất xơ, protein, lipid, Ca, P, Fe, K, beta – caroten, các vitamin B1, B2, C, acid nitric. Đặc biệt hàm lượng sắt cao, cần thiết cho phụ nữ và trẻ em thiếu máu do thiếu sắt.
Đào chín có nhiều acid hữu cơ và chất xơ có tác dụng kích thích tiết dịch tiêu hóa, làm tăng nhu động dạ dày, ruột, thuận lợi cho tiêu hóa. Vị chua ngọt, tính ấm; vào kinh Can và Đại trường nên đào có tác dụng sinh tân nhuận tràng, hoạt huyết tiêu tích. Dùng cho các trường hợp hen suyễn, viêm khí phế quản, cảm nắng, sốt, khát nước (thử nhiệt phiền khát), táo bón, chấn thương đụng giập, các chứng kiết lỵ, bế kinh…
Tác dụng của quả đào
1. Hạn chế sự phát triển của tế bào ung thư
Hàm lượng phenolic và carotenoid phong phú trong quả có tác dụng hỗ trợ phòng ngừa ung thư hiệu quả đặc biệt là ung thư vú, phổi và đại tràng. Theo kết quả của nhiều nghiên cứu, axit chlorogenic và neochlorogenic trong quả có tác dụng hạn chế sự phát triển của các tế bào ung thư vú mà không làm ảnh hưởng đến các tế bào khỏe mạnh khác của cơ thể. Ngoài ra, nhóm thực vật họ Rosaceae này rất giàu beta – carotene, do vây có thể có tác dụng hỗ trợ chống lại bệnh ung thư phổi.
2. Chống viêm da
Đào chứa rất nhiều vitamin C nên có thể hỗ trợ giúp bạn có làn da khỏe đẹp, bảo vệ da chống lại các gốc tự do có hại, nhiễm trùng và các tác nhân có hại từ tia cực tím. Theo kết quả một số nghiên cứu, chất oxy hóa zeaxanthin và lutein có trong quả có tác dụng chống viêm rất hiệu quả trong các trường hợp da bị tổn thương do tia UVB và có thể bảo vệ khỏi sự tăng sinh quá mức của các tế bào. Flavonoid trong quả có tác dụng ngăn ngừa tình trạng mẩn đỏ ngoài da do tác dụng của tia cực tím.
Đào được sử dụng rất rộng rãi trong nền công nghiệp mỹ phẩm để sản xuất ra các loại kem dưỡng da và làm đẹp. Do lượng flavonoid và các vitamin quan trọng mà nó có thể giúp loại bỏ da chết, giữ nước và tái sinh lại làn da. Các chất chống oxy hóa sẽ kích thích quá trình hồi phục da nhanh hơn, ví dụ như trong các trường hợp trầy da.
3. Phòng ngừa táo bón, loét dạ dày
Đào rất tốt trong việc duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh do có chứa nhiều chất xơ và các thành phần kiềm. Chất xơ trong quả có thể hấp thụ nước và giúp ngăn chặn các rối loạn về đường ruột như táo bón, trĩ, loét dạ dày, viêm dạ dày và nhu động ruột bất thường. Ngoài ra, nó cũng có thể giúp làm sạch và loại bỏ các chất độc ra khỏi đường ruột, ngăn chặn nhiều loại rối loạn tiêu hóa khác nhau, có thể cả ung thư dạ dày. Đây được cho là loại quả có tác dụng hỗ trợ trong việc giảm sỏi thận, sỏi bàng quang.
4. Giảm stress và lo âu
Magie có trong đào giúp ngăn chặn stress và lo âu, đồng thời hỗ trợ trong việc giữ hệ thần kinh luôn thư giãn. Thiếu magie có thể ảnh hưởng đến chức năng hệ thần kinh trung ương, dẫn đến việc cơ bắp bị kích thích quá mức và gia tăng hoạt động dẫn truyền các tín hiệu thần kinh.
Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc tiêu thụ các loại thực phẩm giàu magie cùng với vitamin B6 có tác dụng rất tốt trong việc điều trị tình trạng hệ thần kinh trung ương bị kích thích quá mức ở trẻ em. Một nghiên cứu khác lại cho thấy, điều trị magie rất có ích trong việc hồi phục các triệu chứng chính của bệnh trầm cảm.
5. Giúp xương và răng chắc khỏe
Photpho cùng với canxi trong đào giúp xương và răng chắc khỏe, góp phần duy trì và sửa chữa các mô của cơ thể. Tiêu thụ các thực phẩm giàu photpho như đào giúp củng cố quá trình tái khoáng của xương và duy trì độ cứng của xương.
Đào cũng có thể hỗ trợ ngăn chặn một số bệnh liên quan đến xương như mất canxi, có thể dẫn đến loãng xương, đặc biệt là ở phụ nữ độ tuổi mãn kinh. Cùng với canxi, lượng vitamin C trong đào đóng vai trò quan trọng trong việc giữ xương hàm chắc khỏe và giữ răng nguyên vẹn.
6. Ngăn sự lão hóa của hệ thần kinh
Các nghiên cứu đã chứng minh rằng chiết xuất từ trái đào có ảnh hưởng rất tích cực lên hệ thần kinh phó giao cảm, đóng vai trò xương sống trong quá trình ghi nhớ và học tập. Các thành phần của quả đào ngăn chặn sự lão hóa của hệ phó giao cảm, ngăn ngừa hiệu quả các rối loạn suy giảm trí nhớ như bệnh Alzheimer.
Món ăn bài thuốc trị bệnh từ quả đào
Dùng trợ tiêu hóa, kiện vị, nhuận tràng: Đào chín gọt vỏ, thái lát bỏ hạt, dùng đường trắng ướp ăn tráng miệng sau bữa ăn.
Cảm nóng, cảm nắng, mất nước, khát nước: Đào chín rửa sạch, gọt vỏ ngày ăn 2 – 3 lần, mỗi lần 1 – 3 quả.
Trường hợp bế kinh, kinh ít, thông kinh: Đào chín 2 quả, nhân hạt đào 9g, sirô 30g. Đào gọt vỏ ngoài, tách bỏ hạt, thêm nước chưng cách thủy cho chín nhừ. Ăn mỗi ngày 1 lần.
Người yếu phổi, hen, ra mồ hôi trộm: Đào chín 2 – 3 quả, gạo tẻ 60g. Đào rửa sạch, bỏ hạt, xay nhuyễn. Khi cháo chín cho bột đào và đường vừa ăn, đun sôi. Ngày ăn 2 lần (sáng và tối).
Người có chứng miệng khô, ít nước bọt, người già hư nhược, phụ nữ và trẻ em thiếu máu do thiếu sắt: đào tươi ngày ăn 2 – 3 lần, mỗi lần 1 – 2 quả. Công dụng: Tăng tiết nước bọt, ích khí, nhuận tràng, hoạt huyết.
Kiêng kỵ: Không nấu với thịt ba ba, rùa, Thương truật, Bạch truật. Không nên ăn nhiều sinh nhiệt lở ngứa, những người mắc bệnh về nhiệt hạn chế ăn.
Lưu ý khi ăn đào
- Đối với phụ nữ mang thai có dấu hiệu bị xuất huyết, tốt nhất không nên ăn. Trường hợp nếu thích, chỉ nên ăn mỗi tuần 2 – 3 quả để không gây hại gì cho mẹ và bé. Khi ăn cần gọt vỏ để hạn chế lông ở vỏ quả đào gây kích thích ngứa họng hoặc dị ứng.
- Người bị nóng trong với những triệu chứng như: Miệng khô, đau họng, chảy máu cam… tốt nhất là không ăn để tránh tình trạng nóng nhiệt càng nghiêm trọng hơn.
- Người mới ốm dậy, nhiều bệnh trong người hay những người bệnh có chức năng tràng vị tương đối kém thì cũng không nên ăn quá nhiều, bởi vì trong quả có chứa lượng lớn chất dinh dưỡng thực vật không dễ tiêu hóa, từ đó tăng gánh nặng cho tràng vị.
- Người bị tiểu đường cũng nên hạn chế. Vì trong quả chứa một lượng lớn đường, cứ 100g quả thì có tới khoảng 7g đường. Người mắc bệnh về da, dễ nổi mụn, mề đay trẻ em có hệ thống tiêu hóa chưa hoàn chỉnh… cũng không nên ăn nhiều
Kiên Định
Nguồn tham khảo: suckhoedoisong, newzing