Đại Kỷ Nguyên

Bài thuốc thanh nhiệt, giải độc rượu hiệu quả từ Sắn dây

Sắn dây còn có tên cát căn, cam cát…, là rễ củ cây sắn dây (Pueraria thomsoni Benth.), thuộc họ đậu (Fabaceae). Theo Đông y, cát căn vị ngọt, tính bình. Có tác dụng giải ngộ độc rượu, chữa phiền khát, đại tiện ra máu.

Thành phần dinh dưỡng: cát căn có flavonoids (daizein, puerarin, formononetin…); triterpenoids (sophoradiol, soyasapogenol…) và các hợp chất carbohydrate. Có tác dụng chống co giật, hạ sốt, tăng cường nhu động dạ dày ruột, làm giãn mạch vành, chống loạn nhịp tim, hạ huyết áp, làm giảm nồng độ đường huyết, chống kết dính tiểu cầu. Nhóm hoạt chất isoflavone trong củ sắn có hoạt tính estrogen, là chất chống oxy hóa, làm chậm quá trình lão hóa cơ thể.

Từ thời xa xưa, toàn bộ các bộ phận của cây sắn dây đều đã được sử dụng làm thuốc trong Ðông y. Thông dụng nhất là củ sắn dây (cát căn), bột (cát phấn) và hoa (cát hoa). Cát căn thuộc loại những vị thuốc cổ nhất, từng được đề cập trong Thần Nông bản thảo kinh – bộ sách thuốc đầu tiên của Ðông y học.

Công dụng của sắn dây theo Y học cổ truyền

Cát căn có vị ngọt, cay, tính mát; vào 2 kinh Tỳ và Vị. Có tác dụng giải cơ thoái nhiệt, thấu phát ma chẩn, sinh tân chỉ khát, thăng dương chỉ tả. Dùng chữa sốt, làm ra mồ hôi, sởi không mọc được, phiền táo khát nước, nhức đầu, kiết lỵ… Ngày dùng 8 – 20g dưới dạng thuốc sắc, dùng riêng hay phối hợp với những vị thuốc khác. Cát phấn có vị ngọt, tính rất lạnh (đại hàn), vào kinh Vị. Có tác dụng sinh tân chỉ khát, thanh nhiệt trừ phiền. Dùng chữa phiền nhiệt, miệng khát, nhiệt sang, hầu tý. Cát hoa có vị ngọt, hơi đắng, tính mát; vào kinh Vị. Có tác dụng giải độc rượu. Dùng chữa uống rượu quá nhiều bị ngộ độc, phiền khát, phát sốt, chán ăn, nôn mửa ra chất chua, thổ huyết, đại tiện ra máu.

Ảnh: Myphamolic

Vị thuốc mang tên cát căn là rễ được bóc vỏ ngoài, thái nhỏ, phơi hay sấy khô của cây sắn dây; còn gọi là can cát, cam cát, phấn cát, cát ma nhự, cát tử căn, hoàng cát căn, cát điều căn.

Vị thuốc Cát phấn được chế biến bằng cách giã hoặc xay nhỏ củ sắn dây, gạn lấy tinh bột, lọc đi lọc lại nhiều lần, phơi khô. Còn vị thuốc Cát hoa bắt đầu được sử dụng muộn hơn, xuất hiện lần đầu trong Danh y biệt lục. Ngoài ra, Ðông y còn sử dụng cả lá (cát diệp), hạt (cát cốc) và dây sắn dây (cát man).

Một số ứng dụng của vị cát căn trong Ðông y cổ truyền và trong dân gian

– Chữa cảm mạo, phát sốt, cổ gáy cứng đơ, sợ gió, không mồ hôi: Dùng Cát căn thang gồm Cát căn 8g, Ma hoàng 5g, Quế chi 4g, Đại táo 5g, Thược dược 4g, Sinh khương 5g, Cam thảo 4g, nước 600ml, sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày (theo cuốn Những cây thuốc và vị thuốc VN).

– Chữa vùng ngực bụng nóng cồn cào, phiền táo, khát nước: Dùng bột sắn dây 120g, gạo tẻ 15g. Gạo tẻ ngâm nước một đêm, hôm sau chắt bỏ nước, trộn đều với bột sắn dây, nấu cháo ăn trong ngày (theo Thánh huệ phương).

– Chữa cảm nắng, sốt nóng, nhức đầu, khát nước, có mồ hôi, nóng ruột, nôn ọe: Dùng bột sắn dây 12g hòa đường uống; hoặc dùng cát căn 20g, đậu ván (sao)12g; giã giập, sắc nước uống trong ngày (theo Trồng hái và sử dụng cây thuốc).

– Chữa cảm sốt nóng, nôn ọe, khát nước, nhức đầu: Dùng Cát căn, Sài hồ, Chi tử, mỗi thứ 15g, sắc nước uống trong ngày (theo Trồng hái và sử dụng cây thuốc).

– Chữa ngộ độc thức ăn, đại tiện ra máu do ăn phải những thức ăn nóng, độc: Dùng củ sắn dây tươi, ngó sen tươi, giã nát, vắt lấy 500ml nước cốt mỗi thứ, hòa đều, uống dần (theo Mai sư tập nghiệm phương).

– Chữa uống nhầm các thứ thuốc nóng hoặc quá mãnh liệt, dẫn đến viêm ruột, đau bụng đi ngoài tựa như kiết lỵ, cồn cào, buồn bực, nôn ọe: Dùng bột sắn dây hòa với đường uống. Hoặc dùng cát căn 30g, rau má 20g; giã nát, chế thêm nước, vắt lấy nước cốt uống trong ngày (theo Trồng hái và sử dụng cây thuốc).

– Phụ nữ thiếu sữa cho con bú: Lấy dây sắn dây đốt thành than, nghiền mịn, mỗi lần uống 6g cùng với rượu (theo Vệ sinh giản dịch phương).

– Chữa ngực nóng, thổ huyết không ngừng: Dùng củ sắn dây tươi, giã nát vắt lấy 500ml uống (theo Quảng lợi phương).

– Chữa mũi chảy máu suốt ngày không ngừng, tâm thần phiền muộn: Dùng củ sắn dây tươi, giã nát vắt lấy nước cốt, uống mỗi lần một chén con (theo Thánh huệ phương).

– Chữa say rượu bất tỉnh: Củ sắn dây tươi giã nát, vắt lấy 1 lít nước cốt, cho uống dần đến khi tỉnh lại (theo Thiên kim phương).

– Chữa ngộ độc rượu: Uống quá nhiều rượu, Tỳ Vị bị thương tổn, khạc hoặc nôn ra máu, người phát sốt, phiền khát, tiểu tiện đỏ: Dùng hoa Cát căn 30g, Hoàng liên 4g, Hoạt thạch 30g (thủy phi), bột Cam thảo 15g. Tất cả tán thành bột mịn, trộn với nước hoàn thành viên, mỗi lần uống 3g, chiêu thuốc bằng nước mát (theo Ðiền Nam bản thảo – cát hoa thanh nhiệt hoàn). “Thủy phi” là thêm nước vào vị thuốc cùng tán, hoặc tán xong cho vào nước khuấy lên để bột thuốc lắng xuống; thường áp dụng khi bào chế hoạt thạch, chu sa, thanh đại.

– Lá sắn dây đắp vết thương chảy máu: Trường hợp bị thương do đao kiếm, leo núi bị ngã máu chảy nhiều, dùng lá sắn dây tươi giã nát đắp vào vết thương (theo Bản thảo đồ kinh).

– Bột rắc chống ngứa ở những chỗ mồ hôi ẩm ướt: Bột sắn dây 5g, Thiên hoa phấn 5g, Hoạt thạch 20g, trộn đều rắc lên những nơi ẩm ngứa (theo Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam).

Một số bài thuốc có Cát căn điều trị bệnh trong Y học cổ truyền

1. Tán nhiệt, giải biểu: Điều trị ngoại cảm, người nóng, phiền khát, đau cứng vùng cổ.

Bài 1: Cát căn 8g; Khương hoạt, Sài hồ, Bạch truật, Hoàng cầm, Thược dược mỗi vị 4g; Cam thảo 2g, Cát cánh 2g, Thạch cao 8g, gừng sống 3 lát, Đại táo 2 quả. Sắc uống. Trị cảm mạo, hơi rét mà sốt cao, nhức đầu, chi mỏi, nhức mắt khô mũi, tim hồi hộp, không ngủ được, mạch vi hồng.

Bài 2 – Thang Cát căn, Hoàng cầm, Hoàng liên: Cát căn 12g, Hoàng cầm 12g, Hoàng liên 4g, Cam thảo 4g. Sắc uống. Trị viêm ruột cấp tính, lỵ, mình nóng, phiền khát.

2. Thúc sởi, tống độc:

Bài 1: Cát căn 12g, Ngưu bàng tử 12g, Thuyền thoái 4g, Liên kiều 16g; Uất kim, Cam thảo, Kinh giới, Cát cánh mỗi vị 8g. Sắc uống. Bệnh sởi mới phát chưa mọc đều.

Bài 2: Cát căn, Thăng ma, Cam thảo, Ngưu bàng tử mỗi vị 10g. Trị sởi mọc không đều.

3. Sinh tân dịch, dịu khát:

Bài 1: Cát căn 12g, Thạch cao sống 20g, Tri mẫu 8g. Sắc uống. Các chứng nhiệt mới phát, phiền nóng khô miệng.

Bài 2 – Cát căn thang: Cát căn 12g, Ma hoàng 9g, Quế chi 6g, Sinh khương 9g, Cam thảo chích 6g, Thược dược 8g, Đại táo 10 quả. Sắc bỏ bã chia uống 3 lần trong ngày. Chữa cổ cứng, miệng khát, sợ gió, không có mồ hôi

Bài 3: Sắn dây tươi 40g, Mạch môn tươi 40g, cỏ nhọ nồi 40g, lá tre 20g. Sắc uống, ngày 1 thang. Trị sốt cao, môi khô, miệng khát, đau vùng thượng vị, đại tiện bí kết.

Exit mobile version