Đại Kỷ Nguyên

Bài thuốc trừ ho 300 tuổi: khâm phục tinh hoa cổ truyền và câu chuyện hiếu thảo cảm động

Trong các tài liệu kinh điển về Đông y, có một bài thuốc tên là Xuyên bối tỳ bà cao, thường được các thầy thuốc đông y đem ra làm bài giảng cho các thế hệ học trò, không chỉ bởi công dụng trừ ho, bổ phế, mà còn bởi câu chuyện cảm động về đạo làm con hiếu kính cha mẹ.

Phương thuốc của lòng hiếu thảo

Tụng truyền hơn 300 năm trước, có một vị quan tên là Yan – Iao Xilang, nổi tiếng khắp nơi về tấm lòng hiếu thuận với cha mẹ. Một lần phụ mẫu ông mắc chứng bệnh lạ, bà ho ròng rã nhiều ngày không khỏi. Vị quan đã cho mời các danh y nổi tiếng, cất công tìm kiếm khắp nơi phương thuốc quý, nhưng bệnh tình vẫn không hề thuyên giảm. Bất lực trước bệnh tình nguy nan của mẹ, vị quan đau đớn, buồn rầu, thân xác mỗi ngày một héo hon.

(Ảnh qua Youtube)

May sao, có một vị thần y, cảm kích trước tấm lòng hiếu thảo của vị quan, đã đích thân tìm đến, xin phép được chữa trị cho bà lão. Vị thần y đã lấy phương thuốc, kết hợp từ các thảo mộc ở vùng núi cao ông sinh sống, sắc thành thuốc cho bà lão uống.

Bà lão kiên trì uống thuốc. Không bao lâu, bà khỏi bệnh. Sức khỏe bình phục, da dẻ hồng hào tươi nhuận. Bà và con trai vô cùng mừng rỡ, cảm tạ ơn cứu mạng của thần y. Về phần mình, ông chỉ coi việc cứu người là niềm vui chứ không vì mục đích mong nhận tiền vàng.

Sự kết hợp hoàn hảo các thảo mộc và ý nghĩa cao thâm của thang thuốc cổ truyền

Được hỏi về bài thuốc quý, vị thần y không ngần ngại bày tỏ, đó là phương thuốc có tên “Xuyên bối tỳ bà cao”, với hai vị thuốc chính yếu là Xuyên bối mẫuTỳ bà diệp, kết hợp cùng nhiều thảo mộc trên cơ sở những hiểu biết về học thuyết âm dương, ngũ hành và phép biện chứng luận trị vô cùng sâu sắc.

Nếu xét theo thứ tự chính yếu trong bài thuốc, có thể xem bố cục bài thuốc như thứ bậc quan trọng trong triều đình, gọi là Quân – Thần – Tá – Sứ, giúp việc trị bệnh cũng như trị nước có tôn ti, trật tự, có sự gánh vác, bổ trợ lẫn nhau, mang lại hiệu quả như mong đợi.

Xuyên bối mẫu là vị thuốc được nhắc đến đầu tiên trong tên của bài thuốc, có dược tính mạnh, đóng vai trò chính yếu nhất, gọi là vị Quân, tương tự như Vua của triều đình.

Vị này đắng, tính bình, dưỡng âm, thanh phế, làm tan được đờm tụ, trừ được nhiệt độc, hóa đàm, chỉ khái, trị được các chứng phế ung, phế suy, ho lâu ngày, đờm đặc tanh hôi…

Bổ trợ cho Vua (Quân) là các vị Thần, có dược tính tương đối mạnh. Như Tỳ bà diệp, Sa sâm vị hơi đắng, tính bình, giúp thanh phế, hóa đàm, chỉ khái. Cát cánh, bán hạ vị cay, tính ấm, giúp hóa đàm, trục đàm công hiệu.

Các vị Tá, mỗi vị một vai trò riêng, hỗ trợ đắc lực cho công cuộc trị bệnh của Quân và Thần cũng như của toàn bài thuốc như: Phục linh còn là vị thuốc lợi thủy, thẩm thấp, nhờ bổ thận âm mà chữa được chứng phế âm hư, tránh được nguy cơ trào nhiệt gây ho khan, phù hợp quan điểm thận thông thì phế thông.

Một số vị thuốc có hoạt tính kháng khuẩn, bảo vệ đường hô hấp khỏi viêm nhiễm như trần bì, gừng tươi, bạc hà. Trong đó, trần bì có thêm tác dụng hóa đàm, gừng tươi tính ấm giúp điều hòa tính vị, và bạc hà có vị cay mát, dễ chịu.

Cam thảo là vị Sứ do có tác dụng dẫn thuốc, làm cho các vị thuốc khác dễ hấp thu vào cơ thể, lại điều vị, giúp người bệnh dễ uống. Đây còn là vị thuốc long đờm, giảm ho hiệu quả.

Phương thuốc đã được ông sử dụng để chữa trị cho nhiều người cùng mắc chứng ho như bà lão. Theo ông, bệnh ho lâu ngày không khỏi là bệnh thuộc chứng hư. Cần xem trọng trị bệnh cả gốc lẫn ngọn. Bài thuốc kết hợp các vị thuốc có tính tả (công năng trừ ho, hóa đờm) với các vị thuốc có tính bổ (công năng bổ phế, bổ tỳ vị), nên cải thiện bệnh từ gốc, mang lại cho người bệnh sinh lực dồi dào, khơi dậy tiềm năng chữa bệnh tự nhiên.

Sau khi nghe thầy thuốc phân tích, vị quan càng trở nên khâm phục tinh hoa của y học truyền thống. Với một thang thuốc điều trị cho một bệnh nhân mà vận dụng sức mạnh của cả một triều đình để điều trị, ông lại học được đạo lý làm quan trong đó.

Theo tâm nguyện của bà lão, vị quan đã cùng với thần y mở ra tiệm thuốc “Nghĩa Sinh đường” (với ý nghĩa tưởng nhớ ơn nghĩa sinh thành của cha mẹ), và sử dụng phương thuốc này để chữa bệnh miễn phí cho người nghèo.

Xuyên bối tỳ bà cao cùng với câu chuyện cảm động về tấm lòng hiếu thảo được lưu truyền khắp dân gian, trở thành bảo bối trong nhiều gia đình, và được kế thừa từ đời này sang đời khác.

Hoàng Kỳ (T/h)

Xem thêm:

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.

Exit mobile version