Đại Kỷ Nguyên

Bạn cần lưu ý điều gì khi cho bé uống thuốc?

Cho con uống thuốc gì, như thế nào là điều mà bất cứ cha mẹ nào cũng quan tâm lo lắng. Ai cũng biết rằng, chỉ cho trẻ uống thuốc theo đơn của bác sĩ, nhưng có một số loại thuốc không phải kê đơn thì sao?

Với trẻ dưới 4 tuổi, một lời khuyên mà bạn phải luôn nhớ đó là hạn chế cho trẻ uống thuốc nhất là các loại thuốc trị ho, cảm lạnh cũng như thuốc điều trị nôn và buồn nôn. Hầu hết các thuốc trị cảm lạnh đều hạn chế dùng cho trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi. Khuyến cáo này cũng đúng với các thuốc không cần kê đơn để điều trị đau bụng. Bạn có thể xử lý các tình huống này chỉ với một chút kiến thức cơ bản về các loại thuốc và với sự chăm sóc cẩn thận.

1. Bạn cần những gì?

Bạn cần phải biết bệnh nào thuốc đấy và nên sử dụng như thế nào.

Kháng sinh: không có tác dụng với cảm lạnh hay bất cứ bệnh nào do virus, chúng chỉ dành cho những trường hợp nhiễm vi khuẩn. Nếu bác sỹ nói không dùng thuốc kháng sinh thì bạn cũng không nên đòi hỏi sử dụng.

Thuôc giảm đau, hạ sốt: acetaminophen (paracetamol) và ibuprophen sẽ giúp con bạn hạ sốt nhưng phải đúng liều dành cho trẻ em. Nếu bạn dùng sai liều sẽ có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy bạn nên tuân thủ theo đơn của bác sĩ và đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng.

FDA (cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ) khuyến cáo không được phép dùng thuốc cảm có chứa thành phần kháng histamin và thuốc thông mũi cho trẻ dưới 4 tuổi trừ khi bác sĩ cho phép.

Bạn cũng nên biết rằng bệnh cảm lạnh trước sau gì cũng khỏi, vấn đề chỉ là thời gian thôi. Bệnh sẽ đỡ sau một vài ngày hoặc một vài tuần mà không cần phải điều trị bằng thuốc.

2. Tuân theo sự hướng dẫn

Ngay cả khi quá sốt ruột vì việc con ốm thì bạn cũng nên đọc kỹ hướng dẫn và các cảnh báo trên nhãn, kể cả những thuốc không kê đơn.

Theo đúng liều lượng và thông tin về liều trên nhãn đã viết. Thực hiện đúng theo chỉ dẫn không cho trẻ uống liều cao hơn hoặc thấp hơn hoặc uống thường xuyên hơn so với khuyến cáo trên nhãn.

Để đo được liều chính xác cho trẻ uống có thể khó hơn bạn nghĩ. Nếu bạn mới làm quen với việc đo liều thuốc bằng thìa hoặc nhỏ giọt hoặc loại thuốc mà con bạn uống không có dụng cụ để đo liều thì bạn có thể hỏi dược sĩ cách đo liều lượng chính xác. Nhưng đừng bao giờ sử dụng những chiếc thìa từ căn bếp nhà bạn nhé vì chúng không đủ độ chính xác đâu, một thìa cà phê và một thìa muỗng canh là khác nhau hoàn toàn.

Không nên trộn thuốc với sữa, nước trái cây hoặc nước vì nếu bé chỉ uống nửa bình thì bạn không thể biết bé thực sự uống được bao nhiêu thuốc vào trong người. Các thành phần trong thuốc và nước trái cây có thể phản ứng cùng  nhau sinh ra các chất độc hại, làm mất tác dụng của thuốc.

Khi uống thuốc mà trẻ bị nôn trớ thì đừng vội vàng ép trẻ uống tiếp vì có thể dẫn đến quá liều thuốc.

3. Hãy đảm bảo

Nếu bạn vẫn chưa hiểu rõ cách dùng thuốc, các tác dụng phụ thì bạn nên hỏi lại bác sĩ hoặc y tá hoặc dược sĩ – người sẽ cho bạn những thông tin chính xác hơn là thông tin trên mạng.

Trong quá trình sử dụng thuốc hãy chú ý xem bé có bất cứ biểu hiện bất thường gì không, nếu có thì nên tham khảo bác sĩ ngay.

Quan trọng là bạn phải hiểu rõ con mình khi nào sốt cần phải dùng thuốc hay chỉ là sự mệt mỏi thông thường của con trẻ. Chỉ dùng thuốc hạ sốt khi trẻ sốt trên 38,5 độ C.

Mạnh Tường

Xem thêm:

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.

Exit mobile version