Đại Kỷ Nguyên

Bánh chưng ngày Tết: Món ăn bổ huyết ích khí, cải thiện tiêu hóa trong mọi gia đình

Người xưa có câu: “Dùng ẩm thực phòng bệnh là thượng sách, dùng thuốc là trung sách”. Thực vậy, bánh chưng đã trở thành món ăn ẩm thực đậm đà hương vị Việt Nam truyền thống, với sự phối hợp hài hòa của 7 nhóm thực phẩm, giữ vai trò là những vị thuốc Đông y, có tác dụng bồi bổ và phòng bệnh không kém ẩm thực Nhật Bản.

Nhắc đến bánh chưng, ai cũng nhớ đến câu chuyện cổ tích bánh chưng bánh giầy vào những ngày tết Nguyên Đán. Bánh chưng không chỉ là biểu tượng văn hóa ẩm thực của người dân Việt Nam mà còn mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe. Theo Đông y, hành, thịt, đậu xanh, gạo nếp, hạt tiêu, muối, lá dong trong bánh chưng đều là những vị thuốc quý giúp tăng cường sức khỏe và phòng trị bệnh hiệu quả.

1. Tác dụng của gạo nếp

Gạo nếp giúp kiện tỳ, ích khí. (Ảnh: landpearl.com.vn)

Bánh chưng với nguyên liệu chính là gạo nếp còn gọi là (ngạnh mễ), theo Đông y gạo nếp có vị ngọt, tính ấm, tỳ phế, ích khí, kiện tỳ dưỡng vị, chỉ hãn (trị ra mồ hôi); trị chứng lao tiết tả, tỳ vị hư nhược, đau thượng vị, nhiều mồ hôi, váng đầu chóng mặt, có thể dùng chữa nôn mửa, tăng tiết sữa, chống tiêu chảy.

2. Tác dụng của thịt lợn

Thịt lợn còn gọi là trư nhục, theo Đông y thịt lợn vị mặn, ngọt, tính bình, không độc, tính mát, có tác dụng hoạt huyết, nhuận phổi, giải độc, khu phong. Chữa chứng mất tiếng nói, trẻ em và thanh niên tóc khô, da mụn nám, gầy ốm yếu, chậm lớn.

3. Tác dụng của đậu xanh

Đậu xanh giúp thanh nhiệt giải độc, sinh tân. (Ảnh: ichnhi.vn)

Nhiều người sợ rằng ăn bánh chưng rất nóng, thế nhưng bánh chưng có thêm nhân đậu xanh giúp ôn hòa thanh nhiệt, theo Đông y đậu xanh vị ngọt, tính mát, không độc, tác dụng bổ tỳ, thanh nhiệt, sinh tân, trừ phiền, tiêu phù, hạ khí, ích ngũ tạng, sáng mắt, mịn da, giải tất cả các chất độc.

4. Tác dụng của hành

Hành còn gọi “thông bạch”, có vị cay, tính ấm, không độc. Tác dụng giải biểu, thông dương, hòa trung, tiêu thực, sát trùng, lợi tiểu tiện, thông huyết ứ. Trị đầy bụng chậm tiêu, viêm nhiễm đường ruột, cảm cúm nhức mỏi, tiểu tiện bất lợi, phong thấp nhức mỏi, ngăn ngừa huyết ứ, kết vón tiểu cầu.

5. Tác dụng của hạt tiêu

Hạt tiêu giúp cái thiện tiêu hóa do ăn không tiêu, đầy bụng. (Ảnh: du-lich.net)

Hạt tiêu còn gọi “hồ tiêu”, có vị cay ấm. Tác dụng ôn trung hạ khí tiêu đờm, kích thích tiêu hóa. Trị chứng bụng lạnh đau, thổ tả, ói mửa, bụng đầy chậm tiêu, trừ độc của thịt cá, nấm.

6. Tác dụng của muối

Muối tác dụng tả hỏa, thanh tâm, lương huyết, nhuận táo, dẫn thuốc khác vào kinh thận. Muối natri cân bằng nước và điện giải điều hòa âm dương trong cơ thể. Khi thiếu muối, cơ bắp dễ bị chuột rút, hoa mắt, chóng mặt.

7. Tác dụng của lá dong

Lá dong tác dụng giải độc, thanh nhiệt. Lá dong giúp bảo quản bánh được lâu, có màu xanh, mùi thơm, khai vị kích thích tiêu hoá.

Lưu ý: Bánh chưng chứa nhiều tinh bột, chất đạm, chất béo nên người bị tiểu đường hoặc người đang cần giảm cân không nên ăn nhiều.

Lê Vân

Exit mobile version