Đại Kỷ Nguyên

Bất lực vì con gái mắc bệnh hiểm nghèo, cha đào huyệt để bé tập quen với lạnh lẽo…

Nén nỗi đau trước sự thật con gái 2 tuổi sắp phải lìa xa cõi đời, ông bố trẻ tự tay đào mộ và cùng nằm xuống để bé tập làm quen với cảm giác lạnh lẽo cô đơn dưới 3 tấc đất…

Theo QQ, ngày 23/6, ông bố trẻ Trương Lợi Dũng (24 tuổi, sống tại thôn Cửu Tử Nham thuộc huyện Long Xương, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc) tự tay đào huyệt cho con gái 2 tuổi Trương Tâm Lôi đang mang trong mình căn bệnh Thalassemia – tan máu bẩm sinh.

Anh tâm sự bé Tâm Lôi được chẩn đoán mắc bệnh tan máu bẩm sinh từ khi mới 2 tháng tuổi. Từ đó, 2 năm ấu thơ của em là hành trình đầy nước mắt chống lại bệnh tật.

Để có tiền đưa con đi truyền máu mỗi tháng, anh Lợi Dũng hàng ngày đi làm từ 12h trưa đến 8h tối tại nhà máy thủy tinh trong thị trấn. Mức thu nhập hàng tháng 2.500 nhân dân tệ (khoảng 8,3 triệu đồng) chẳng thấm vào đâu so với chi phí chữa trị. Vợ chồng anh phải chi tiêu tằn tiện mới đủ đưa con đi khám định kỳ.

Số tiền gia đình lo chạy chữa cho bé Tâm Lôi đến nay đã lên đến hơn 140.000 nhân dân tệ (khoảng 463 triệu đồng). Tuy nhiên, sức khỏe em ngày càng xuống dốc.

Vì bệnh tật, Tâm Lôi không có bạn bè. Em chỉ biết bầu bạn cùng cha

Sức đề kháng kém khiến cô bé 2 tuổi thường xuyên bị cảm, lâu dẫn tới viêm phổi, phải nằm điều trị ở bệnh viện 1-2 tuần. Tâm Lôi cũng không có lấy một người bạn đồng trang lứa, chỉ biết chơi đùa ngoài đồng cùng anh Lợi Dũng mỗi khi cha rảnh rỗi.

Khi cha mẹ bận đi làm, Tâm Lôi lại bầu bạn với chú chó và đàn vịt trong nhà, hay chạy sang khu đất trống của nhà hàng xóm tự chơi một mình.

Chị Đặng Mai – mẹ Tâm Lôi – cho biết tế bào của vợ chồng chị không phù hợp với cơ thể con gái. Bởi vậy, họ quyết định sinh thêm con để thêm hy vọng cứu sống cô bé. Ngày 7/7 tới, người mẹ trẻ sẽ lâm bồn.

Tuy nhiên, chi phí lưu giữ tế bào gốc nhằm phục vụ việc cứu chữa Tâm Lôi là 12.000 nhân dân tệ (khoảng 40 triệu đồng). Số tiền này nằm ngoài khả năng hiện tại của gia đình cô bé.

Biết sự sống của con gái dần trở nên mong manh, anh Trương Lợi Dũng nuốt nước mắt vào trong để đào huyệt, cùng con nằm trong đó để bé tập quen với cuộc sống đơn độc ở thế giới bên kia.

Hình ảnh hai cha con nằm dưới huyệt mộ mới đào khiến nhiều người không cầm được nước mắt. Ánh mắt ngây thơ của Tâm Lôi như nói rằng em chỉ nghĩ đây là trò chơi mới của cha, chứ không biết đây là nơi an nghỉ của mình.

Trong cuộc đời ngắn ngủi, dù bệnh tật giày vò, Tâm Lôi vẫn sống lạc quan nhờ tình yêu thương vô bờ bến của cha mẹ.

Tuy có không ít người phản cảm vì hành động “quái lạ” của người cha nhưng đa phần cư dân mạng đều cảm thông và thầm chúc em không còn chịu đau đớn khi bước sang thế giới bên kia.

Một độc giả Việt Nam (nick Đỗ Phan Anh) còn viết tặng anh một bài thơ nội dung như sau:

“Một người cha tự đào huyệt cho con

Nhưng cô gái bé nhỏ tưởng rằng trò chơi mới

Thế giới này nghiệt ngã dày vò con bé nhỏ

Nên thắt lòng cha tự tạo một trò chơi

Để ngày mai dù nước mắt cha có rơi

Ở nơi ấy con hãy cứ bình yên nhé

Hãy nhớ về nơi này, nơi cánh đồng xanh biếc

Có Cha, có Mẹ, có những người bạn nhỏ của con

Dù cuộc đời cũng có những lúc vàng son

Vẫn tin vào một phép màu thực sự

Vẫn tin rằng con sẽ lại như bao trẻ nhỏ

Và thế rồi Cha con mình sẽ lại ở bên nhau

Con nằm bên Cha, nơi huyệt mộ

Nhẹ nhàng, thanh thản

Ngây thơ và hồn nhiên

Nhưng tận sâu trong lòng, Cha đã chết từ lâu…”

(Đà Lạt, một người cha viết tặng một Người cha vĩ đại)

Bệnh tan máu bẩm sinh di truyền – Thalassemia

Nguyên nhân của Thalassemia là cấu tạo bất bình thường của hemoglobin trong hồng cầu do di truyền gen trên nhiễm sắc thể thường. Hai thể dạng bất thường chính được gọi là alpha-Thalassemia và beta -Thalassemia, tùy theo phần nào của chất hemoglobin bị thiếu.

Bất thường này dẫn đến tình trạng đời sống hồng cầu bị giảm và dẫn đến thiếu máu cho nên bắt buộc phải truyền máu. Khi truyền máu nhiều lần sẽ dẫn đến tình trạng ứ sắt do vậy các bệnh nhân này phải truyền máu và thải sắt suốt đời.

Hemoglobin là một cấu trúc đạm có khả năng giữ dưỡng khí oxygen trong hồng cầu

Dưới dạng bệnh nặng nhất của alpha-thalassemia, thấy nhiều nhất trong các sắc dân ở Đông Nam Á, Trung Quốc và Philippines thường làm hư thai hay trẻ con chết khi sinh. Phần lớn những người có bệnh alpha-thalassemia bị thiếu máu kinh niên – một số bị nặng trầm trọng, không sống được lâu.

Khi mới sanh ra, trẻ bị dạng bệnh nặng của thalassemia trông có vẻ khoẻ mạnh bình thường. Nhưng trong vòng vài tháng hay một hai năm, trẻ sẽ khó chịu, mệt mỏi, biếng ăn. Trẻ sẽ chậm lớn và da hay ửng màu vàng.

1 trong 4 trường hợp di truyền của bệnh tan huyết bẩm sinh

Nếu không chữa trị, lá lách, gan và tim sẽ sưng to. Xương bị xốp và dễ gãy, cấu trúc của xương mặt bị thay đổi. Vì hồng cầu vỡ sớm hơn bình thường nên tủy xương phải làm việc quá sức (để sản xuất hồng cầu), khiến xương biến dạng.

Ở những trẻ bị Thalassemia nặng, trán gồ lên, mũi tẹt, xương hàm trên nhô ra do tăng sản tủy xương (trẻ em bị thalassemia nặng hay trông giống nhau vì cấu trúc xương mặt đều bị biến dạng tương tự). Trẻ sẽ chết sớm, nhất là vì suy tim hay nhiễm trùng.

Hoàng Kỳ tổng hợp

Xem thêm:

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.

Exit mobile version