Bé Phạm Minh T. (4 tuổi, Quảng Ninh) bị táo bón lâu ngày, đã dùng men tiêu hóa nhưng không đỡ. Sau khi được hàng xóm mách, gia đình đã hái lá lộc mại đun lấy nước cho bé uống để chữa bệnh.
Sức khỏe và Đời sống đưa tin, ngày 11/11 vừa qua, khoa Hồi sức cấp cứu, bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh đã tiếp nhận bệnh nhi T. trong tình trạng đau bụng âm ỉ, đi ngoài liên tục, không ăn uống, nước tiểu có màu đỏ tươi…
Sau khi xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị thiếu máu nặng/tan máu cấp, phải truyền máu gấp để giành sự sống.
Bệnh nhi được chỉ định truyền máu, thở oxy mask, bù dịch điện giải, truyền 250 ml máu toàn phần O (180 ml)x1 Túi truyền TM, tiêm kháng sinh chống bội nhiễm…
Sau 4 ngày điều trị tích cực, tiêm kháng sinh, truyền 3 đơn vị khối hồng cầu, lợi tiểu, sức khỏe của bé T. đã dần ổn định.
Trước đó, khoa Cấp cứu Chống độc bệnh viện Nhi Trung ương, đã cấp cứu kịp thời cho bé một tuổi ở Phú Thọ bị tan máu cấp do uống lá lộc mại trị táo bón.
Bé nhập viện tình trạng da xanh, mệt mỏi, chán ăn, sốt nhẹ, nước tiểu màu đỏ… Kết quả xét nghiệm cho thấy, huyết sắc tố của bé Thảo hạ thấp ở mức 64 g/l, bilirubin máu toàn phần tăng cao 93,7 umol/l, bilirubin gián tiếp 84 umol/l… theo VTV.
Bác sĩ Ân Hoàng Yến, Khoa Hồi sức cấp cứu cảnh báo, lá lộc mại rất độc, có thể gây tử vong nếu như ăn và uống với số lượng lớn.
Đa số bệnh nhân khi vào viện đều rơi vào tình trạng nguy kịch do bị tan máu cấp, thiếu máu nghiêm trọng.
Sau khi ăn/uống lá lộc mại nếu xuất hiện các triệu chứng như nhịp tim nhanh, mệt mỏi, da xanh, ăn không tiêu, đầy bụng, đi ngoài lỏng hoặc táo bón, nước tiểu màu đỏ, tiểu vặt… cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện khám và điều trị.
(Tổng hợp)