Đại Kỷ Nguyên

Cô bé 7 tuổi ở Đồng Nai bị điếc bẩm sinh lần đầu được nghe âm thanh cuộc sống

Sau hơn 7 năm sống trong tĩnh lặng, bé N. (7 tuổi, Đồng Nai) lần đầu tiên nghe thấy những âm thanh đầu đời sau phẫu thuật cấy điện ốc tai. 

Theo VnExpress, N. 2 tuổi vẫn mà chưa biết nói, gia đình đưa con đi khám thì phát hiện bé bị điếc bẩm sinh. Từ đó, bé được đeo máy trợ thính.

Tuy nhiên, khả năng phát triển ngôn ngữ của bé rất kém. Sự giao tiếp giữa bé và thế giới bên ngoài gặp nhiều trở ngại. Bé không nghe được các phụ âm, nhiều từ phải đoán qua cử động môi và chỉ giao tiếp được với người thân. Đã 7 tuổi nhưng sự phát triển ngôn ngữ của N. chỉ tương đương với một bé 2 tuổi.

Gia đình khó khăn nên phải mất 7 năm, bố mẹ N. mới gom góp đủ tiền để đi tìm lại âm thanh cho con.

Kết quả chụp X-Quang Stenvers của bé N. sau phẫu thuật để xác định điện cực đã được đặt đúng vị trí.(Ảnh: VnExpress)

Bác sĩ Nguyễn Kim Tưởng (Trưởng Khoa Tai Mũi Họng) trao đổi với VTC, đây là phương pháp đưa các chuỗi điện cực vào trong ốc tai với độ an toàn vô trùng tuyệt đối, bệnh nhân nghe được âm thanh từ mọi dải tần số khác nhau.

Các bác sĩ tại khoa Tai Mũi Họng, bệnh viện Đa khoa Xuyên Á (Tp.HCM) đã cấy điện cực ốc tai cho bé. (Ảnh: Zing)

Sau ca phẫu thuật kéo dài 2 giờ, sức khỏe bệnh nhi ổn định. Bác sĩ đánh giá, cách phát âm chưa rõ ràng nhưng bé đã đọc được cả cuốn sách lớp một.

Một tháng tới, bé có thể tập luyện với giáo viên ngôn ngữ. Bé gái sẽ nghe, nói như bao đứa trẻ bình thường khác.

Bác sĩ thực hiện cấy điện cực ốc tai. (Ảnh: VTC)

“Bảy năm nay tôi khao khát nghe con gọi ba chữ ‘con yêu mẹ’ tròn vành rõ chữ. Và ngày con hòa nhập với cuộc sống sắp đến, tôi hạnh phúc lắm”, mẹ bé tâm sự.

Theo thống kê, cứ 1.000 trẻ thì có 3-5 bé bị điếc bẩm sinh. Những trẻ bị điếc nặng không thể học nói, phát triển ngôn ngữ và gặp nhiều hệ lụy về tâm lý khác như tự kỷ, thường bồn chồn, lo lắng hoặc cáu kỉnh, lãnh đạm, tính khí thất thường…

H.H

Exit mobile version