Các mẹ bầu sẽ sớm sinh con, và bạn có tự hỏi làm thế nào để cho bé ăn tốt nhất? Cho dù bạn chọn cho con bú trực tiếp hoặc bú bình thì đây là vấn đề rất quan trọng.
Vậy, có bao nhiêu lần bú hoặc bao nhiêu bình sữa mỗi ngày cho bé sau khi sinh? Những sai lầm cần tránh là gì? Bác sĩ nhi khoa Alain Bocquet sẽ giúp bạn trả lời những câu hỏi này.
Từ sơ sinh đến 1 năm, có 4 giai đoạn cho trẻ ăn. Trong khoảng thời gian từ 0 đến 4 – 6 tháng, trẻ nên được bú sữa mẹ hoàn toàn. Bởi vì, sữa mẹ hoặc sữa công thức cho trẻ sơ sinh là chế độ ăn uống duy nhất của trẻ trước khi đa dạng hóa chế độ ăn uống.
1. Cho con bú khi sinh
Mỗi bà mẹ được tự do lựa chọn có hay không. Tuy nhiên, các mẹ hãy luôn nhớ rằng sữa mẹ là chế độ ăn lý tưởng cho trẻ sơ sinh. Sữa mẹ cho phép phát triển tối ưu và hạn chế những rủi ro của một số bệnh lý.
Hệ vi sinh vật đường ruột của trẻ sơ sinh bú sữa mẹ khác với trẻ sơ sinh bú sữa công thức. Sữa mẹ rất giàu lactobacilli và bifidobacteria. Hai họ vi khuẩn này đóng một vai trò trong các chức năng tiêu hóa, trao đổi chất, miễn dịch và thần kinh. Nhờ hệ vi sinh đường ruột đặc biệt này, trẻ được bú sữa mẹ có ít nhiễm trùng đường ruột hoặc viêm ruột hơn so với trẻ bú sữa công thức.
Bú bao nhiêu lần trong một ngày ở tháng đầu tiên?
Mỗi trẻ sơ sinh khác nhau, số lần bú hàng ngày thay đổi khác nhau. Ngoài ra, sự thèm ăn của trẻ có thể thay đổi tùy theo ngày. Sữa mẹ được tiêu hóa nhanh chóng nên trẻ bú sữa mẹ có thể đói nhanh hơn trẻ bú sữa công thức.
Trong ba tuần đầu tiên của cuộc đời, bác sĩ nhi khoa khuyên nên cho trẻ bú ngay sau khi em bé thức giấc. Để thực hiện việc này, chuyên gia khuyến cáo nên để cái nôi trong phòng của ba mẹ những tháng đầu tiên. Bác sĩ Nhi khoa cho biết: “Khi đang trong thời kỳ cho con bú, giác quan thứ sáu của bà mẹ sẽ mách cho họ khi nào em bé thay đổi khác thường theo từng nhịp thở. Nên cho bé bú ngay sau khi bé thức dậy. Nếu đợi cho bé khóc rồi mới cho bú thì bé sẽ ngủ lại mà không bú. Thực tế, trẻ sơ sinh ở giai đoạn đầu tiên, giấc ngủ hay bị rối loạn”. Sau 3 tuần, bạn có thể cho bé bú mẹ theo nhu cầu. Hãy đợi cho đến khi trẻ có nhu cầu muốn bú và không cho bé bú ngay sau khi thức dậy như trước nữa.
2. Em bé bú bình
Nếu bạn đã chọn cho bé bú bằng sữa công thức cho trẻ sơ sinh, bạn sẽ phải chọn “sữa bột cho trẻ sơ sinh” theo quy định. Nếu như trẻ bú mẹ hưởng nhiều lợi ích về sức khoẻ thì cho trẻ bú bình có lợi thế là cả ba mẹ đều có thể cho bé bú.
Bé bú bao nhiêu bình trong ngày?
Hãy lắng nghe em bé của bạn. Trung bình, lúc sinh và trong những tuần đầu tiên, em bé bú từ 6 đến 8 chai 90 ml. Về mặt lý thuyết, sữa công thức cho phép tính toán số lượng sữa hàng ngày cho trẻ. Ví dụ, đối với trẻ sơ sinh cân nặng 3kg (=3000g) lúc sinh, ta tính: (3000/10) + 200 đến 250 = 500 đến 550ml sữa mỗi ngày. Nếu em bé vẫn đói sau bữa ăn, đừng ngần ngại cho bé bú tiếp bình thứ hai. Ngược lại, nếu em bé không bú xong, đừng ép bé phải bú hết.
Chú ý: Nên pha sữa ấm: Nhiệt độ tương đương với sữa mẹ ở 37°C. Bình sữa ấm tốt cho sự tiêu hóa của trẻ hơn là lạnh. “Sữa trẻ sơ sinh” được tiêu hóa chậm hơn so với sữa mẹ. Do đó, khoảng cách giữa các lần bú là khoảng 2:30 – 3 giờ. Khi đã pha sữa, phải cho bé bú trong vòng một giờ và trên hết là không nên trữ sữa đã pha trong tủ lạnh, không giữ sữa còn lại cho bữa ăn tiếp theo. Các loại sữa chứa càng nhiều probiotics thì vi khuẩn càng sinh sôi nhanh chóng.
3. Cho bé uống nước
Bố mẹ thường hay quên cho bé uống nước vào khoảng cách giữa các lần bú. Hãy luôn nhớ rằng khi em bé khóc, không hẳn là bé đói mà có thể là bé bị khát. Nước sẽ không cắt giảm sự thèm ăn của bé bởi vì nó không cung cấp calo.
4. Bổ sung vitamin K và D
Từ khi sinh ra, em bé của bạn sẽ được bổ sung vitamin D và K. Vitamin D cho phép hấp thụ canxi trên xương và răng. Nếu con của bạn bú sữa công thức, thì vitamin này là đã có trong sữa công thức nhưng không đủ số lượng. Nên bổ sung cho bé một liều vitamin D thích hợp hoặc tắm nắng cũng là một phương pháp nên được xem xét. Vitamin D là cần thiết cho việc tăng trưởng của bé nhưng dư thừa lại có thể gây hại. Như vậy, việc tham khảo ý kiến bác sĩ là một lựa chọn hợp lý.
Con bạn cũng sẽ được tiêm một liều vitamin K, và một lần tiêm nữa từ 3 đến 4 ngày sau đó. Trẻ sẽ được tiêm tất cả 3 lần trong vài tuần đầu tiên sau sinh. Một số trẻ có thể gặp khó khăn trong việc thiết lập hệ thống đông máu do thiếu vitamin K. Nguy cơ chảy máu trong giai đoạn sơ sinh là có thể xảy ra và thậm chí có thể gây tử vong.
5. Lợi ích của việc cho bé bú sữa mẹ
- Sữa non rất giàu chất dinh dưỡng và làm tăng hệ thống miễn dịch của trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, bé sẽ không nhận được những lợi ích này nếu bạn cho bé bú bình. Một ưu điểm khác của việc cho bé bú mẹ là về các khía cạnh cảm xúc: tạo sợi dây gắn kết mẹ và bé.
- Về phần mẹ, khi cho con bú cũng giúp tử cung trở lại kích thước và hình dạng bình thường như trước khi mang thai. Cho con bú cũng có thể giúp tử cung co bóp và trục xuất các sản phẩm còn sót lại như nhau thai và huyết dịch dư thừa, giúp sớm chấm dứt hiện tượng chảy máu âm đạo sau sinh.
- Làm giảm khả năng phát triển ung thư buồng trứng và ung thư vú giai đoạn tiền mãn kinh.
- Làm giảm khả năng phát triển bệnh loãng xương và bệnh tiểu đường type 2.
Các mẹ đã thấy sữa mẹ mang đến quá nhiều lợi ích phải không? Để phát huy tối đa lợi ích từ sữa mẹ, mẹ nhớ thực hiện chế độ ăn uống khoa học, đầy đủ dưỡng chất cùng với tập luyện đều đặn để em bé của mình được hưởng nguồn sữa thật tốt nhé!
Theo Doctissimo.fr
Hồng Phúc biên dịch