Đại Kỷ Nguyên

Bé trai ở Kiên Giang ứ đọng 3 kg phân trong ruột sau 5 năm táo bón

Các bác sĩ bệnh viện Nhi đồng Tp.HCM, đã phẫu thuật cắt bỏ phần trực tràng bị phình to, cùng gần 3 kg phân ứ đọng cho bé trai Đ.T. (5 tuổi, Kiên Giang) bị táo bón suốt 5 năm.

Sài Gòn Giải Phóng cho biết, bé T. mắc chứng táo bón ngay từ khi mới sinh ra. Táo bón không thể đi vệ sinh, nên bụng bé ngày một phình to. Người nhà thường xuyên phải dùng thuốc bơm vào hậu môn cho bé, nhưng chỉ làm giảm nhẹ các triệu chứng chứ không thể trị dứt điểm.

Trước đó, gia đình có đưa bé tới các bệnh viện khám. Nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, đi lại bất tiện, thời gian điều trị kéo dài, nên gia đình đã không theo điều trị đến cùng.

Gần đây, lượng phân lớn tích trữ trong đoạn ruột giãn ra khiến bụng bé ngày càng phình to bất thường. Các cơn đau ngày càng dữ dội, nên gia đình phải đưa bé đến bệnh viện Nhi đồng Thành phố cấp cứu.

Đại tràng của bé giãn to, ứ đầy phân. (Ảnh: VnEpress)

Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bé bị hội chứng phình đại tràng bẩm sinh (Hirschsprung), khiến một đoạn đại tràng không có dây thần kinh để có thể kiểm soát sự co bóp đại tràng.

Sau 3 h phẫu thuật, các bác sĩ đã cắt bỏ phần trực tràng bị phình to và dài gần 20 cm, cùng gần 3 kg phân ứ đọng bên trong.

Bé trai tươi cười xuất viện sau 5 năm sống chung với táo bón. (Ảnh: Vietnamnet)

2 tuần sau mổ, bé đã ăn uống và tự đi tiêu, bụng xẹp. Hiện, bé đã được xuất viện, trút bỏ được gánh nặng sau 5 năm dài chịu đựng.

Bác sĩ Nguyễn Thị Cẩm Xuyên, khoa Ngoại Tổng hợp, bệnh viện Nhi đồng Thành phố chia sẻ với VTC, phình đại tràng bẩm sinh là do vô hạch (không có hạch thần kinh trong thành ruột) chiếm vị trí hàng đầu trong hội chứng tắc ruột ở trẻ sơ sinh.

Trẻ chào đời sẽ không đi tiêu phân su trong ngày đầu tiên như những trẻ bình thường. Những ngày sau đó, trẻ tiếp tục táo bón và người nhà phải dùng thuốc bơm vào hậu môn cho bé.

Một số bé có thể đi vệ sinh được, nhiều trường hợp, phải đưa đến viện đặt ống thông vào hậu môn, bơm nước muối sinh lý thụt tháo để giúp trẻ đi ngoài.

Không phải trẻ nào mắc bệnh này cũng có thể phát hiện trong giai đoạn sơ sinh. Tình trạng bệnh nặng hay nhẹ, phát hiện sớm hay trễ tùy thuộc nhiều vào đoạn ruột vô hạch dài hay ngắn. Trẻ được mổ sớm có hiệu quả rất nhiều lần so với khi trẻ đã lớn.

Mổ càng sớm, ruột của trẻ sơ sinh ít viêm dính, đặc biệt chức năng đi tiêu sau mổ được hoàn thiện tốt hơn.

Trường hợp, trẻ phẫu thuật muộn, tình trạng ứ đọng phân nhiều gây ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, tăng nguy cơ viêm ruột trước và sau khi mổ. Thậm chí, trẻ có thể bị nhiễm trùng huyết, nhiễm độc, dẫn đến tử vong.

Lan Phương

Exit mobile version