Đại Kỷ Nguyên

Bệnh chồng bệnh, các chuyên gia cảnh báo thận trọng thời điểm tựu trường

Sốt xuất huyết (SXH) chưa có dấu hiệu dừng trong khi đó bệnh viêm màng não, tay chân miệng… đang xuất hiện. Các chuyên gia cảnh báo, nhiều dịch bệnh đe doạ vào thời điểm mùa tựu trường.

Bệnh chồng bệnh

Dịch sốt xuất huyết đang là mối đe doạ lớn đối với các em nhỏ

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, thời tiết giao mùa hiện nay càng khiến bệnh tay chân miệng ở trẻ có nguy cơ gia tăng, có thể bùng phát dịch nếu không kịp thời phòng chống. Bộ Y tế đã có công văn khẩn gửi đến UBND các tỉnh, thành đề nghị triển khai chống dịch.

Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 54.000 trẻ mắc tay chân miệng tại 63 tỉnh thành và có xu hướng gia tăng. So với cùng kỳ năm ngoái, số trường hợp nhập viện tăng 3,4%, số mắc cũng tăng ở miền Nam, miền Trung, Tây Nguyên và tăng nhiều nhất ở miền Nam.

PGS.TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), 8 tháng đầu năm còn liên tục ghi nhận các ổ dịch cúm gia cầm A (H5N1), phát hiện 28 trường hợp mắc bệnh do vi rút Zika.

Bệnh SXH vẫn chưa có dấu hiệu chững lại, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 100.417 trường hợp mắc SXH, với 26 người tử vong. So với năm 2016, số mắc tăng gần 50%. Dự báo, bệnh SXH còn gia tăng khi đỉnh dịch được dự báo vào tháng 9 và tháng 11.

Lo nhất bệnh tay chân miệng

Trong những dịch bệnh đang lưu hành, Bộ Y tế lo lắng nhất bệnh tay chân miệng vào thời điểm tựu trường. Đây là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Bệnh rất dễ lây cho người khác nếu hành vi vệ sinh không đảm bảo. Bệnh có quanh năm và tăng mạnh vào tháng 3-5 và tháng 9-10.

Mùa dịch tay chân miệng năm nay đã xuất hiện những quan niệm sai lầm khi điều trị, chăm sóc trẻ mắc bệnh, như tự ý bôi thuốc không đúng, không vệ sinh tắm rửa cho trẻ thường xuyên vì sợ nhiễm nước, nhiễm gió… Trong khi, với trẻ mắc bệnh này thì cần vệ sinh, tắm rửa cho trẻ bình thường để tránh nhiễm trùng. Nếu các nốt loét trong miệng khiến trẻ đau thì có thể dùng thuốc để bôi miệng cho trẻ.

Những trường hợp sốt trên 39 độ C liên tục, không hạ được sốt, hoặc trong mùa dịch tay chân miệng này, trẻ sốt trên 2 ngày mà không hết, cần đi khám ngay. Khi trẻ có dấu hiệu như giật mình, run tay chân, ói mửa… thường là dấu hiệu muộn sau khi sốt, bắt buộc phải nằm viện.

Bệnh tay chân miệng hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Quan trọng nhất vẫn là phòng ngừa bệnh. Cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng cho cả người lớn và trẻ nhỏ, đặc biệt là trước khi thay tã, sau khi đi vệ sinh, trước và sau khi chăm sóc trẻ, trước khi ăn và chế biến thức ăn, sau khi tiếp xúc với người bệnh… Khử trùng thường xuyên các đồ vật mà trẻ hay chạm vào như đồ chơi, các bề mặt bàn, ghế, tay nắm cửa…

PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, Bộ Y tế cũng đề nghị thời điểm này bắt đầu vào mùa của dịch tay chân miệng, do đó các địa phương không được vì phòng chống bệnh SXH mà bỏ qua bệnh tay chân miệng, hai dịch bệnh này cần được quan tâm.

Các trường học ngay từ đầu năm học mới cần thực hiện vệ sinh lớp học, làm sạch bề mặt và đồ chơi hằng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường, cung cấp đủ nước sạch, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở giáo dục để tổ chức khám, điều trị, xử lý kịp thời ổ dịch.

Bệnh viêm đường hô hấp

Đây là bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ trong mùa tựu trường, bởi thời điểm này cũng đúng là thời gian chuyển mùa hè – thu, thời tiết thay đổi là yếu tố khiến trẻ dễ mắc các bệnh lý về đường hô hấp, cúm, viêm mũi họng, viêm phổi.

Bệnh đường hô hấp lây từ người bệnh sang người lành qua tiếp xúc gần, giọt nước bọt bắn ra khi nói chuyện. Vì thế, trong lớp dù chỉ có 1 trẻ cúm, 1 trẻ sốt vi rút mà không cho nghỉ học, cách ly ở nhà thì rất có nguy cơ lây sang các bạn cùng lớp. Đó là nguyên nhân của nhiều ca sốt tập thể trong cùng một lớp học do lây lan bệnh về đường hô hấp.

Do lây qua đường hô hấp, việc che miệng khi ho, rửa tay thường xuyên tiêu diệt vi rút, vi khuẩn để không lây qua đồ vật chung, lây lan cho các bạn học là rất cần thiết.

Bệnh sốt siêu vi

(Ảnh minh hoạ)

Các biểu hiện chung thường thấy ở bệnh nhân nhiễm siêu vi là sốt cao 39-40°C kèm theo phát ban, mệt mỏi, đau cơ, đau họng, chán ăn… Ở trẻ nhỏ (dưới 5 tuổi), khi sốt cao không được hạ sốt kịp thời, trẻ dễ bị co giật. Đáng lưu ý là khi trẻ bị co giật nếu không được xử lý kịp thời có thể dẫn đến suy hô hấp, thiếu ôxy não, làm suy giảm trí tuệ hay nặng hơn là để lại di chứng nặng nề về não.

Viêm màng não mủ

Bệnh viêm màng não mủ rất nguy hiểm vì triệu chứng giống viêm họng, viêm phổi, tiêu chảy… khiến nhiều mẹ dễ nhầm lẫn dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Trẻ có thể sốt cao, chảy nước mũi, ho, tiêu chảy, nôn… Bệnh chỉ điều trị hiệu quả ở giai đoạn sớm.

Bệnh nhiễm trùng mắt

Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn (Ảnh minh hoạ)

Mùa tựu trường là lúc dịch đau mắt đỏ hay tái phát và rất dễ lây. Dạy trẻ không lấy tay dụi mắt, không dùng chung vật dụng cá nhân (khăn, áo, gối…) nhỏ nước muối sinh lý hàng ngày

Sốt phát ban

Nếu bệnh do virus sởi gây ra gọi là ban đỏ, bệnh gây ra bởi virus rubella còn gọi là ban đào. Sốt phát ban là bệnh rất dễ lây nhiễm, nhất là trong môi trường có tính tập thể như nhà trẻ, trường học, trường mẫu giáo vì bệnh lây chính yếu qua đường hô hấp khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nhảy mũi làm văng những giọt nước li ti, người lành hít phải sẽ bị nhiễm bệnh.

Hoàng Kỳ (T/h)

Xem thêm:

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.

Exit mobile version