Hiện nay Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ ung thư gan thuộc nhóm nước cao nhất thế giới. Mỗi năm ước tính có trên 100,000 ca phát hiện mới. Trên thực tế đại đa số các trường hợp ung thư gan là có thể dự phòng được. Tuy nhiên tại nước ta hiện nay nhiều trường hợp ung thư gan khi phát hiện đều đã ở giai đoạn muộn nên điều trị kém hiệu quả.
Nguyên nhân dẫn đến ung thư gan chủ yếu là viêm gan mạn tính do virus viêm gan B (HBV) và viêm gan C (HCV). Đây là bệnh cảnh nền của 70 – 80% tổng số ca ung thư gan. Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác như nghiện rượu, độc tố aflatoxin của nấm Aspergillus flavus trong ngũ cốc.
Để phòng bệnh ung thư gan chúng ta cần biết được các nguyên nhân chính gây bệnh:
1. Viêm gan B
Bệnh viêm gan B mặc dù diễn biến thầm lặng, có thể xen kẽ các đợt bùng phát, nhưng để lại hậu quả nặng nề tiềm ẩn nhiều biến chứng như xơ gan, ung thư gan và gây tử vong.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tại Việt Nam tỉ lệ nhiễm vi-rút viêm gan B chiếm 10% – 20% tổng dân số. Tức là cứ 10 người thì có 1 – 2 người bị viêm gan B, đây là tỷ lệ rất cao.
Tiêm Vắc-xin là biện pháp phòng bệnh viêm gan B hiệu quả, lên đến 95%. Trẻ sơ sinh phải được tiêm chủng viêm gan B càng sớm càng tốt, thời gian tiêm tốt nhất là trong vòng 24 giờ sau khi sinh. Đối với người lớn cần xét nghiệm để quyết định có cần tiêm hay không.
Virus viêm gan B lây truyền qua đường máu. Vì vậy một số biện pháp phòng lây truyền viêm gan B bao gồm sử dụng kim tiêm vô trùng, quan hệ tình dục an toàn, thận trọng với máu v.v. Mẹ mang thai cần được xét nghiệm viêm gan B để điều trị dự phòng cho con nếu cần thiết.
Hiện nay viêm gan B chưa thể điều trị khỏi hẳn bằng Tây Y, nếu tuân thủ đúng điều trị thì nguy cơ mắc ung thư gan có thể giảm 75%, đồng thời đảm bảo được chức năng gan và phòng được các biến chứng khác.
2. Viêm gan C
Khoảng 30% người viêm gan C mạn tính có nguy cơ tiến triển thành xơ gan hoặc ung thư gan. Các chuyên gia coi đây là một sát thủ thầm lặng. Hiện nay tại Việt Nam có khoảng 4 – 5 triệu người nhiễm viêm gan siêu vi C.
Virus viêm gan C lây truyền qua đường máu, do vậy cách phòng tránh tương tự như virus viêm gan B.
Tuy chưa có vắc-xin phòng bệnh viêm gan C, nhưng bệnh có thể khỏi hẳn nếu điều trị sớm và tuân thủ liệu trình. Nếu phát hiện muộn sẽ gây khó khăn cho điều trị. Chính vì vậy nếu có điều kiện nên chủ động tầm soát viêm gan C để điều trị dứt điểm và hạn chế lây lan.
3. Rượu bia
Rượu bia có thể gây đến 7 loại ung thư, trong đó có ung thư gan. Khi rượu vào cơ thể sẽ được gan chuyển hóa, tại đây rượu gây độc cho các tế bào gan.
Ở người uống rượu lâu ngày, gan bị sẽ viêm, các tế bào gan thay bằng tế bào mỡ, rồi dần dần gan bị xơ hóa, xuất hiện ung thư hóa.
Để tránh những hệ quả sức khỏe do rượu, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến cáo nữ giới không nên uống quá 1 đơn vị cồn một ngày, nam giới chỉ nên uống dưới 2 đơn vị cồn một ngày
Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ cũng đưa ra khuyến cáo mọi người nên giảm bớt lượng tiêu thụ rượu, dần dần hướng tới mục tiêu bỏ rượu hoàn toàn. Đặc biệt ở những người đã có bệnh gan thì nên bỏ hoàn toàn.
4. Gan nhiễm mỡ
Gan nhiễm mỡ cũng là một nhân tố có thể dẫn đến ung thư gan. Hiện nay ở Việt Nam có đến 20-30 triệu người bị gan nhiễm mỡ. Các chuyên gia cho rằng gan nhiễm mỡ là bệnh của lối sống hiện đại: ít vận động, ăn nhiều đồ ngọt, nhiều dầu mỡ.
Khi bệnh gan nhiễm mỡ nặng lên sẽ phát triển thành xơ gan, thậm chí là ung thư gan. Một số người trực tiếp chuyển từ gan nhiễm mỡ thành ung thư gan.
Trên thực tế bệnh gan nhiễm mỡ hoàn toàn có thể dự phòng và điều trị chỉ bằng lối sống lành mạnh. Trong đó đi bộ là biện pháp đơn giản và hiệu quả.
Mỗi ngày đi bộ 30 phút tại nơi không khí trong lành sẽ giúp tăng cường tuần hoàn máu, tăng cường chức năng tim phổi, tiêu hao năng lượng dư thừa và mỡ.
Chế độ ăn nhiều rau quả, hạn chế đồ ngọt, đồ ăn nhanh, đồ ăn nhiều dầu mỡ cũng giúp chống béo phì, phòng chống bệnh gan nhiễm mỡ.
5. Thực phẩm mốc
Aflatoxin là độc tố vi nấm sản sinh tự nhiên bởi một số loài Aspergillus. Các chủng nấm này phát triển mạnh ở các loại thực phẩm nông sản gạo, ngô, lạc, đậu, hạt hướng dương… trong các điều kiện thuận lợi nóng và ẩm, nhất là điều kiện thời tiết ở Việt Nam.
Afatoxin gây hại cho nhiều cơ quan nhưng mục tiêu “ưa thích” nhất là gan. Khi xâm nhập vào gan có thể gây gan nhiễm mỡ, xơ gan và ung thư gan. Năm 2015 WHO đã đưa aflatoxin vào danh sách 116 chất gây ung thư.
Đặc biệt aflatoxin bền vững ở nhiệt độ cao. Các nghiên cứu thử nghiệm cho thấy, khi đem lạc mốc rang lên ở nhiệt độ cao, các bào tử nấm mốc bị tiêu diệt nhưng độc tố của chúng vẫn không bị phá hủy hoàn toàn. Vì vậy nếu thực phẩm nghi ngờ bị mốc hoặc chớm mốc nên kiên quyết bỏ hoàn toàn, không nên cố phơi nắng dùng lại hoặc chế biến ăn.
Đặc biệt các sản phẩm làm từ thực phẩm bị mốc cũng dễ nhiễm aflatoxin. Năm 2014, Trung Quốc phát hiện một số lô dầu lạc chứa aflatoxin vượt gấp đôi ngưỡng cho phép.
Thịt, sữa động vật nuôi bằng ngũ cốc nhiễm aflatoxin sẽ chứa nhiều aflatoxin. Vì vậy thực phẩm bị nấm mốc đem cho động vật lấy thịt ăn cũng nguy hiểm cho con người.
Năm 2011 tại Trung Quốc từng xảy ra vụ bê bối sữa có liên quan đến độc tố aflatoxin. Nguyên nhân là do thức ăn của bò nhiễm aflatoxin, khiến chất độc ngấm vào sữa.
Một số biện pháp phòng ngừa nhiễm độc tố aflatoxin
- Bỏ hoàn toàn thực phẩm đã bị nấm mốc hoặc nghi ngờ nấm mốc. Không phơi nắng dùng lại hay chế biến để ăn.
- Hạn chế tích trữ nhiều thực phẩm. Bảo quản thực phẩm ở nơi khô ráo, thoáng mát.
- Mua các sản phẩm như dầu lạc, ngũ cốc, sữa của các thương hiệu uy tín.
Bên cạnh một số nguyên nhân chính kể trên, các nghiên cứu đã phát hiện béo phì, hút thuốc, tiểu đường, ứ sắt cũng có liên quan với ung thư gan. Khi phòng tránh được các nguyên nhân nói trên thì khả năng bạn mắc ung thư gan chỉ còn rất nhỏ.
Đại Hải