Đại Kỷ Nguyên

4 hiểu lầm chết người về thuốc giải độc gan

Hiện nay dưới thời buổi tràn ngập thông tin, quảng cáo về các loại thực phẩm không an toàn có thể gây nóng gan, độc gan, người dùng có xu hướng tìm các loại thảo dược, thực phẩm chức năng “bổ gan” và “thanh lọc gan” để sử dụng.

Tuy nhiên lợi thì ít mà tác hại thì nhiều. Bài viết sau của bác sĩ Wynn Huynh Tran, hiện công tác tại Bệnh viện Keck Medicine of USC (thuộc đại học Nam California) sẽ gỡ bỏ những hiểu biết sai lầm của bạn về thuốc giải độc gan:

Gan là một trong những cơ quan quan trọng nhất và làm việc chăm chỉ nhất từ lúc quý vị sinh ra đến lúc mất đi. Gan có nhiều nhiệm vụ quan trọng, trong đó có giải độc các chất tích tụ trong cơ thể. Các chất độc ở đây thường là vi khuẩn, rượu, chất thải từ tế bào, thuốc lá, thuốc các loại (trị bệnh mãn tính), các loại mỡ thừa, vitamin liều cao v.v. Nhìn chung, “chất độc” cho gan thường là đồ ăn và thức uống ngon trong các bữa tiệc. Thông thường, các chất độc vào gan qua đường ruột, hấp thụ vào máu, và được dẫn đến gan liên tục. Gan giải độc bằng cách lọc những chất này, làm chất độc có thể hoà vào nước và thải ra ngoài bằng đường tiểu tiện hay đại tiện.

Sai lầm 1: Giải độc gan tốt cho mọi người.

Ở người khoẻ mạnh, gan chúng ta có thể lọc hết các chất độc ra ngoài và không có chất độc gì tích tụ lại bên trong gan. Vì vậy, không cần phải uống “thuốc” gỉai độc nếu quý vị khỏe mạnh. Cách tốt nhất để phòng ngừa gan bị bị độc (để khỏi phải giải độc) là không ăn uống các chất độc như trên. Gan chúng ta được tạo ra để làm rất tốt việc thanh lọc. TS Stella L. Volpe, từ bệnh viện Đại Học Drexel University tại Philadelphia, nhấn mạnh không có bằng chứng khoa học nào cho thấy việc thanh lọc (cleanses) là có lợi cho sức khoẻ. (1)

Đối với các bệnh nhân uống rượu bia thường xuyên hoặc bị các bệnh mãn tính về gan (viêm siêu vi B, C hoặc bệnh miễn nhiểm), chức năng thanh lọc bị suy giảm do các tế bào gan bị tổn thương. Các chất độc do đó có thể tích tụ theo thời gian làm tổn thương gan càng nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, phần lớn gan sẽ tự phục hồi nều các chất độc vào gan giảm đi như trường hợp bỏ rượu bia hoặc chữa khỏi viêm gan siêu vi.

Trong trường hợp gan bị tốn thương và chức năng lọc bị yếu đi, có một số thảo dược được cho là giúp thanh lọc gan mặc dù có rất ít các nghiên cứu lâm sàng chứng minh cho điều này. BS Andrew Weil, chuyên viên dinh dưỡng và là giám đốc trung tâm y khoa tổng hợp bệnh viện ĐH Azizona, cho biết có 2 loại dược thảo có thể có tác dụng tốt trong trường hợp gan bị tổn thương (2). Đó là chiết xuất hạt từ cây kế sữa (3) Milk Thistle (Silybum marianum) và Ngũ Vị Tử (4) Schizandra (Schizandra chinensis). Chất Silybum, chiết xuất dưới dạng Silibinin, thường thấy trong nhiều loại dược thảo quảng cáo là giải độc gan. Vì vậy, nếu quý vị muốn thật sự mua dược thảo có tác dụng (ít) với gan thì nên tìm tên này. Hạt Ngũ Vị Tữ được dùng nhiều trong thuốc Bắc và có tác dụng nhất định trong bệnh về gan. Một số nghiên cứu trên động vật cho thấy tác dụng của hạt này trong việc bảo vệ gan tích mỡ (5).

Sai lầm 2: Nhiều bệnh phát sinh đo độc tố trong gan tích tụ

Thực tế không đúng. Các công ty thực phẩm chức năng và nhà thuốc hay viện cớ này để khuyến mãi sản phẩm và khuyến khích mọi người uống “thuốc” giải độc gan để ngăn ngừa bệnh. BS Weil cũng chỉ ra rất nhiều bệnh không phải do độc tố trong gan tích tụ (2). Trong một số trường hợp ngược lại, các bệnh này có thể dẫn đến thêm độc tố trong gan nên nếu chỉ uống thuốc giảm độc gan mà quên tìm ra lý do các căn bênh này thì rất nguy hiểm.

Sai lầm 3: “Thuốc” giải độc gan không có tác dụng phụ.

Hằng năm, số lượng bệnh nhân bị ngộ độc gan do dùng thuốc bổ khá nhiều, chiếm đến 10-16% trong tổng số các ca tổn thương gan cho mạng lưới tổn thương gan do thuốc (Drug Induced Liver Injuried Network) (8).

Cứ 10 bệnh nhân bị tổn thương gan tại Mỹ do thuốc thì có 1 bệnh nhân là do tự uống thuốc bổ giải độc gan.

Tại Mỹ, có hẵn một trang web của chính phủ https://livertox.nih.gov/ liệt kê trên 700 loại thuốc hoặc dược thảo để bệnh nhân có thể xem hoặc báo các biến chứng từ thuốc cho gan.

Trái với dự đoán là uống thuốc bổ gan làm tốt cho gan, nghiên cứu từ Trường Y Khoa Hawaii cho thấy dùng nhiểu các loại “thuốc bổ” có thể gây tổn hại đến gan (7). Các loại dược thảo thường gây tổn thương cho gan nhất là Thảo Mộc Mãn Xinh (black cohosh), Chi Hồ Tiêu, (kava extract), Trà xanh đậm đặc (green tea extract). Lưu ý trà xanh đậm đặc (concentrated green tea) chứ không phải trà xanh thường.

Sai lầm 4: “Thuốc” giải độc gan là thuốc đã được chấp thuận.

Hiện nay, “thuốc” giải độc gan bán trên thị trường Mỹ và Việt Nam thường là thuốc bổ, thực phẩm chức năng, và vitamin. Do đó không cần sự kiểm soát của các cơ quan chức năng (như FDA tại Mỹ) (6). Vì vậy, quý vị nên tìm hiểu kỹ thuốc bổ mình sẽ mua vì có những tác dụng phụ nhất định trong khi tác dụng chính thì chưa được chứng minh. Tốt nhất quý vị nên thảo luận với BS của mình, nhất là trong trường hợp quý vị có bệnh về gan.

Tóm lại, nếu quý vị khoẻ mạnh và không có bệnh về gan, quý vị không cần phải giải độc gì cả. Quý vị nên phòng ngừa chất độc bằng cách uống nhiều nước, ăn nhiều rau quả trái cây tươi là cách tốt nhất để phòng độc, không uống rượu bia, không thuốc lá, và ăn uống cân bằng đều độ trong các ngày lễ sắp tới.

Nếu quý vị có bệnh về gan, quý vị nên tìm cách chữa trị bệnh hơn là dùng thuốc giải độc gan vì thực phẩm chức năng (không phải thuốc) để giải độc gan chỉ là tạm thời.

Nguy hiểm hơn, do tâm lý đã có thuốc “giải độc”, bảo vệ gan nên nhiều người chủ quan, càng thỏa sức uống bia rượu nhiều hơn dẫn đến tổn thương gan thêm nghiêm trọng.

BS Wynn Huynh Tran

Nguồn:

(1)http://www.livescience.com/34845-detox-cleansing-facts-fallacies.html

(2)http://www.drweil.com/health-wellness/body-mind-spirit/liver-kidney/is-liver-cleansing-dangerous/

(3)https://vi.wikipedia.org/wiki/K%E1%BA%BF_s%E1%BB%AFa

(4)https://vi.wikipedia.org/wiki/Chi_Ng%C5%A9_v%E1%BB%8B_t%E1%BB%AD

(5)https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/27852305

(6)https://livertox.nih.gov/Herbals_and_Dietary_Supplements.htm

(7)https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/27402097

(8)https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/25043597

Thanh Long tổng hợp

Xem thêm:

Exit mobile version