Đại Kỷ Nguyên

Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP. HCM lọc máu cứu 2 bệnh nhi mắc tay chân miệng độ 4

Các bác sĩ bệnh viện Nhi đồng 1 TP. HCM, đã cấp cứu kịp thời cho 2 bệnh nhi bị trụy mạch, sốc nặng nề, nguy cơ tử vong rất cao… do mắc tay chân miệng độ 4.

Bé trai Đ.T.C (2 tuổi, Cà Mau) nhập viện địa phương vì sốt ban hồng tay chân. Sau đó, bé C. được chuyển lên bệnh viện Sản Nhi Cà Mau.

Mặc dù đã được điều trị tích cực, diễn tiến bệnh của bé ngày càng nặng. Sau khi hội chẩn, bé C. được đặt nội khí quản và nhanh chóng chuyển khẩn cấp lên Bệnh viện Nhi Đồng 1.

PGS.TS Phạm Văn Quang, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhi Đồng 1 trao đổi với Zing, bệnh nhi C. nhập viện trong tình trạng trụy mạch, huyết áp không ổn định, nguy kịch. Ngay lập tức, bé được thở máy, truyền thuốc vận mạch.

Sau 6 giờ cấp cứu tích cực, mạch và huyết áp của bé C. đã dần ổn định trở lại. Trải qua gần 2 ngày lọc máu, bé đã qua cơn nguy kịch. Hiện tại, sức khỏe của bệnh nhi đã ổn định, cai máy thở.

Trước đó, bệnh viện cũng tiếp nhận bé trai N.T.T. (2 tuổi, Cần Thơ) bị tổn thương huyết động học do mắc tay chân miệng.

Các bác sĩ đã nhanh chóng cho bé T. được thở máy, truyền thuốc vận mạch và lọc máu. Hiện tại, tình trạng của bé T. dần ổn định.

Từ đầu năm đến nay, khu vực phía Nam đã có 6 ca chân tây miệng tử vong do mắc tay chân miệng. Theo Trung tâm y tế dự phòng TP. HCM thời gian gần đây, bệnh tay chân miệng trên địa bàn có xu hướng giảm.

Tuần qua số ca mắc tay chân miệng ghi nhận chỉ có 169 trường hợp, giảm đến 129 trường hợp so với tuần trước. Như vậy trong 5 tuần gần đây, số ca mắc tay chân miệng trên địa bàn thành phố liên tục giảm chỉ còn 169 ca/tuần, theo Một Thế Giới.

Tuy số ca mắc bệnh giảm, nhưng xuất hiện nhiều trường hợp bị biến chứng, mắc tay chân miệng độ 3, độ 4 phải thở máy, lọc máu liên tục.

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm, có thể gây biến chứng nặng nề về thần kinh, hô hấp, tuần hoàn, thậm chí có thể tử vong. Ở trẻ nhỏ (nhóm trẻ dưới 5 tuổi) bệnh chân tay miệng thường khó xác định.

Dấu hiệu phát hiện tay chân miệng ở trẻ như loét miệng, phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, gối, mông, ăn uống kém… Ngoài ra, trẻ thường ngủ không yên, chới với, hay giật mình…

Bác sĩ Quang khuyến cáo, trẻ bị tay chân miệng nên nghỉ học ít nhất 10 ngày, tránh lây lan sang các trẻ khác. Để phòng bệnh, phụ huynh nên thường xuyên rửa tay, bảo đảm vệ sinh trong ăn uống cho trẻ. Sàn nhà, đồ chơi và các vật dụng sinh hoạt khác tại nhà và lớp học phải được vệ sinh bằng dung dịch sát trùng.

(Tổng hợp)

Exit mobile version