Đại Kỷ Nguyên

Bí mật bộ phận rốn trên cơ thể bạn hiểu được bao nhiêu?

Được xem như bộ phận vô thưởng vô phạt trên cơ thể mỗi người, nhưng chiếc rốn lại ẩn chứa khá nhiều bí mật thú vị mà ít ai biết đến.

Rốn vốn là vết sẹo còn lại của dây rốn, một bộ phận kết nối giữa thai nhi và nhau thai mẹ. Tuy nhiên, ẩn sau dây nối thiêng liêng này là những bí mật thú vị không phải ai cũng biết. Vậy đó là gì? sau đây chúng ta hãy cùng tìm hiểu

Rốn vốn là vết sẹo còn lại của dây rốn, một bộ phận kết nối giữa thai nhi và nhau thai của mẹ (Ảnh: pinterest.com)

Nhận thức từ góc độ giải phẫu học

Nhìn nhận từ góc độ giải phẫu học, rốn là một vết sẹo lõm hình khuyên được hình thành trước bụng sau khi dây rốn của trẻ sơ sinh được rụng đi. Đây là vùng không có lớp mỡ dưới da, chỉ là lớp biểu bì mỏng và có mô liên kết dày đặc, phần trung tâm có hình dạng như vết sẹo lồi. Mô liên kết của rốn là một phần mô liên kết trong bụng, trực tiếp nối liền với phần da phía ngoài và phúc mạc. Phía dưới rốn có động mạch, tĩnh mạch và mạng lưới mao mạch dồi dào. Bởi có hình lõm, bị che khuất nên dễ bị dính bẩn và khó vệ sinh. Vì phần da vùng rốn và phúc mạc có liên quan chặt chẽ đến nhau, nên nếu tác động một cách thô bạo dễ dẫn tới đau bụng, cũng dễ bị nhiễm trùng nếu có các vật sắc nhọn châm vào. Và nếu để bị lạnh sẽ ảnh hưởng tới tuần hoàn máu gây ra cách loại bệnh như đau bụng, tiêu chảy…

Theo Đông y rốn là huyệt vị duy nhất có thể dùng tay chạm vào, dùng mắt nhìn được gọi là huyệt Thần Khuyết

Quan điểm của Đông y về rốn

Nhìn nhận của Tây y về rốn chỉ là những nhận thức ở tầng bề mặt, còn Đông y thì ở tầng cao hơn, chủ yếu là tìm hiểu tác dụng của nó với năng lượng toàn thân. Theo Đông y rốn là huyệt vị duy nhất có thể dùng tay chạm vào và dùng mắt nhìn được. Huyệt này có tên gọi Thần Khuyết hay Khí Hợp, Khí Xá, Tề Trung.

Đông y nhìn nhận cơ thể người là một chỉnh thể. Ngũ tạng lục phủ ở bên trong và tứ chi bách hài, bì mao tấu lý ở bên ngoài, được nối liền với nhau bởi hệ thống các đường kinh lạc – tạo thành một chỉnh thể hữu cơ thống nhất.

Huyệt ở rốn có tên gọi Thần Khuyết bởi đây được coi là nơi chứa thần khí của người ta. Đây là “đầu mối giao thông” quan trọng trong hệ thống các đường kinh lạc, liên hệ mật thiết với ngũ tạng lục phủ, 12 kinh mạch và kỳ kinh bát mạch nên còn được gọi là huyệt Khí Hợp.

Huyệt có tên gọi Thần Khuyết là bởi đây được coi là nơi chứa thần khí của con người. (Ảnh: kknews.cc)

Lý Thời Trân nói: ‘Thai trong bụng mẹ, cơ thể thai nối liền với cơ thể mẹ qua dây rốn và nhau thai. Khi thai nhi rời bụng mẹ, dây rốn bị cắt, chỉ một chút chân nguyên, thuộc về đan điền mệnh môn. Cuống rốn khô tự rụng, như dưa chín cuống rụng. Cho nên, rốn là cuống của sinh mệnh con người. Nó ở trong tâm và thận, phía trước đến huyệt Thần Khuyết, phía sau đến huyệt Mệnh Môn, do đó gọi là rốn’.

Theo phương pháp chườm rốn để sống thọ của Bành Tổ, ‘Rốn là khí động giữ thận, khí thông bách mạch, phân bố khắp lục phủ ngũ tạng, bên trong chạy đến khắp kinh lạc của tạng phủ, khiến trăm mạch điều hòa thông suốt, lỗ chân lông thông thoáng, trên thông đến Nê Hoàn, dưới thông đến Huyệt Dũng Tuyền’.

Tóm lại, rốn là cội nguồn của lục phủ ngũ tạng, gốc rễ của nguyên thần quy về, đầu mối của kinh lạc, nơi hội tụ của kinh khí. Do đó có thể dùng rốn để điều hòa âm dương, ôn tỳ bổ thận, bồi bổ nguyên khí, đạt đến hiệu quả phòng bệnh và chữa bệnh.

Rốn là ‘kho” cất giữ năng lượng và tin tức lớn nhất của toàn thân

Vô số huyệt vị to nhỏ trên cơ thể cũng giống như vô số các điểm tập trung của năng lượng, năng lượng tích tụ trong mỗi huyệt vị đều có sự khác biệt. Những huyệt vị quan trọng của cơ thể như Thần Khuyết, Bách Hội, Đại Chùy, Mệnh Môn, Quan Nguyên đều là những điểm tập hợp nguồn năng lượng rất lớn.

Điểm đặc thù chuyên biệt của Thần Khuyết so với các huyệt vị khác ở chỗ nó chính là điểm chuyển giao tiên thiên của sinh mệnh khi trong bụng mẹ biến đổi thành sinh mệnh hậu thiên sau khi được sinh ra. Nó đồng thời chứa tin tức từ tiên thiên và hậu thiên nên nhận được năng lượng và tin tức của sinh mệnh nhiều nhất, cường đại nhất.

Tiên thiên của mỗi người, bắt đầu từ tinh khí vô hình đến hình thành phôi thai hoàn toàn dựa vào hệ thống Thần Khuyết (tức dây rốn và nhau thai). Nó là hệ thống điều chuyển trong thời kỳ hình thành phôi thai cũng là hệ thống kết nối của bào thai với kinh lạc của mẹ bởi vậy nó có tác dụng quan trọng trong điều khiển chức năng vận chuyển khí huyết toàn thân. Các bác sĩ Đông y coi phần rốn là trung tâm nên thường áp dụng thuyết âm dương, ngũ hành, lý luận bát quái truyền thống của Trung Hoa để thực hiện trị liệu các loại bệnh và đều đạt được hiệu quả thần kỳ.

 
Theo Đông y rốn là bộ phận không được châm mà chỉ được cứu (Ảnh: zhuanlan.zhihu.com)

Phu tề liệu pháp (đắp rốn) độc đáo của Đông y

Theo Đông y rốn là bộ phận không được châm mà chỉ được cứu và chườm nóng. Y thư viết “Tề thông bách mạch”: Rốn liên thông với tất cả các kinh mạch trong nhân thể; không những là “Tiên thiên chi bản nguyên” (nguồn gốc của tiên thiên), mà còn là “Hậu thiên chi căn đế” (cuống rễ của hậu thiên). Do đó, chỉ cần dùng thuốc tác động lên rốn, là có thể kích phát kinh khí, sơ thông kinh lạc, cân bằng âm dương và điều tiết công năng của lục phủ ngũ tạng, nhờ vậy mà có thể phòng ngừa và chữa trị bệnh tật.

Kết quả nghiên cứu lâm sàng hiện đại của Tây y đã chứng thực tính khoa học của phương pháp đắp rốn. Các thông báo khoa học những năm gần đây cho thấy, đắp thuốc lên rốn có khả năng tăng cường miễn dịch, chống lão suy, chống dị ứng, điều tiết chức năng của thần kinh thực vật, cải thiện vi tuần hoàn, …

Phương thuốc cổ truyền cấp cứu khi bị trúng hàn của danh y Hoa Đà là dùng hành giã nát sao nóng chườm lên rốn. (Ảnh: hotronet.com)

Phương thuốc cổ truyền cấp cứu khi bị trúng hàn của danh y Hoa Đà là một ví dụ: Dùng hành giã nát sao nóng, lấy vải bọc và chườm lên rốn, nguội thì đổi cái khác. Có thể trị chứng mất tiếng, tứ chi lạnh mỏi, môi tái, đầu choáng váng ngất xỉu. Theo ghi chép trong Châm cứu chính tông, huyệt Thần Khuyết trị bụng và quanh rốn đau, bệnh hệ sinh dục ngoài, bệnh về kinh nguyệt, viêm ruột cấp và mãn, kích ngất vì ruột dính, trúng phong thể thoát, tay chân lạnh toát, bất tỉnh, bệnh thuộc hư hàn, chân dương hư (cứu có tác dụng hồi dương).

Tác dụng chữa bệnh khi cứu huyệt Thần Khuyết

Người xưa rất chú trọng liệu pháp cứu rốn, với các loại bệnh khác nhau dùng các loại dược liệu khác nhau đắp lên rốn để đạt được hiệu quả trị liệu .

Cứu cách gừng: (đặt mồi ngải lên miếng gừng và đặt lên rốn rồi cứu): Có tác dụng ôn trung tán hàn, giải nhiệt, hạ sốt, khư hàn, thông kinh lạc. Có thể điều trị các triệu chứng đau bụng, đi ngoài do hư hàn, tê bì chân tay do hàn thấp…

Cứu cách tỏi: (đặt các miếng tỏi lên rốn, đặt mồi ngải lên trên đó và cứu ): tác dụng tiêu viêm trừ mủ, tiêu sưng, khử độc, giảm đau sát trùng. Có thể trị các chứng bệnh kết hạch, ung nhọt lở loét, nổi u cục ở vùng bụng…

Cứu cách muối: (dùng muối sạch cho vào rốn san phẳng, đặt mồi ngải lên trên đó và cứu): Dùng ở huyệt thần khuyết có tác dụng hồi dương cứu thoát, ôn trung tán hàn. Đa phần dùng trị liệu các loại bệnh cấp tính như đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, tứ chi tê lạnh, hư thoát, trúng gió.

Cứu cách phụ tử: (Thấm ướt phụ tử chín, cắt lát dày khoảng 0.3 -0.5 cm, châm lỗ ở giữa đặt lên huyệt vị sau đó đặt mồi ngải lên và đốt): Có tác dụng ôn thận, tráng dương, trị dương khí hư nhược, thiếu máu, dị tinh, xuất tinh sớm, phụ nữ tử cung hàn lạnh vô sinh, kinh nguyệt không đều, sảy thai…

Theo zhengjian.org
Kiên Định biên dịch

Exit mobile version