Vượt qua sức tưởng tượng của bất kỳ ai, kinh khiếp hơn bất kỳ bộ phim kinh dị chết chóc nào nhân loại đã từng nghĩ ra… Đó chính là thảm cảnh diễn ra phía sau thị trường ghép tạng tại Trung Quốc giai đoạn sau 2001 và cho đến nay.
Những ngày đầu xuân năm mới, dư luận trong nước xúc động trước nghĩa cử của gia đình bé gái Hải An. Cháu mới 7 tuổi, đang điều trị u não và tiên lượng không thể qua khỏi, gia đình có nguyện vọng xin hiến tạng để cứu người khác… Chiều ngày 22/2, sau khi Hải An qua đời, 2 giác mạc của em đã được các bác sỹ tại Ngân hàng Mắt tháo ra, lưu giữ và sau đó ghép cho 2 bệnh nhân vào ngày 26/2: một cụ bà 73 tuổi và một bệnh nhân nam 42 tuổi.
Cảm động trước câu chuyện của Hải An, một số người đã quyết định đăng ký hiến tạng của mình sau khi chết…
Cho đến nay, hiến ghép tạng vẫn là chủ đề còn gây nhiều tranh cãi, đặc biệt là tại những nước phương Đông nơi người dân có niềm tin vào sự tồn tại của một thế giới tâm tinh “sống sao chết vậy” và kiêng kỵ xâm phạm đến thi thể sau khi qua đời. Vì vậy, mặc dù nhu cầu về ghép tạng liên tục tăng nhưng số người cho/hiến tạng luôn rất hạn chế.
Thực ra, ngay tại những nước có quan niệm cởi mở hơn và có hệ thống điều phối cho nhận tạng chuyên nghiệp thì số lượng tạng cũng chưa bao giờ đáp ứng được nhu cầu. Nhiều bệnh nhân xoay sang tìm kiếm nguồn cung tại các nước khác, và Trung Quốc là một điểm đến quan trọng nhất.
Trung Quốc: Trung tâm ghép tạng mọc như nấm sau mưa, hàng đặt theo yêu cầu
Hẳn nhiều người đã nghe thấy thuật ngữ “du lịch ghép tạng”, đây dường như dành riêng cho thị trường ghép tạng tại Trung Quốc. Giao dịch đặc biệt sôi động từ sau năm 2001 đến giữa năm 2006 (khi có những cáo buộc đầu tiên về mổ cướp nội tạng hàng loạt). Các trung tâm ghép tạng ồ ạt được xây mới phục vụ cho khách thập phương đổ về tìm kiếm tạng, cho dù là gan, tim, thận, giác mạc hay bất cứ bộ phận nào khác (thậm chí ngay cả thi thể người đã qua xử lý để xuất khẩu làm mô hình). Vì để tăng doanh số vốn đã vô cùng lớn, các bệnh viện không ngần ngại khoe thành tích và quảng cáo khắp nơi, thậm chí còn có dịch vụ khuyến mãi tạng và “bảo hành” ngay sau ghép.
Ví dụ, theo điều tra của luật sư David Matas cùng với David Kiglour, vào trước năm 1999 Trung Quốc chỉ có 22 trung tâm cấy ghép gan trên toàn Trung Quốc, thì đến giữa tháng 4 năm 2006 con số đó là 500. Số trung tâm cấy ghép thận cũng tăng từ 106 vào năm 2001 đến 368 trung tâm vào năm 2005.
Nhìn vào sự náo nhiệt của các giao dịch ghép tạng, ai cũng thấy đây hẳn là ngành kinh doanh siêu lợi nhuận cho Trung Quốc. Món hời hàng tỷ đô dẫn đến sự ra đời của hàng loạt những cơ sở dành riêng, nơi chỉ chuyên môn vào cấy ghép tạng. Trung tâm Cấy ghép gan Bệnh viện số 3 thuộc Đại học Bắc Kinh được thành lập vào tháng 10 năm 2002, Trung tâm Cấy ghép cơ quan tạng Bắc Kinh được thành lập vào tháng 11 năm 2002, Bệnh viện số 309 Quân đội Giải phóng Nhân dân 82 vào tháng 4 năm 2002, Viện Nghiên cứu Cơ quan tạng Quân đội Giải phóng Nhân dân (Trung tâm cấy ghép cơ quan tạng thuộc Bệnh viện Trường Chinh Thượng Hải) được mở vào tháng 5 năm 2004, và Trung tâm Y tế Cấy ghép Cơ quan tạng Thượng Hải được thành lập vào năm 2001.
Trung tâm Cấy ghép Cơ quan tạng Đông phương ở Thiên Tân cũng bắt đầu xây dựng vào năm 2002. Trung tâm này được xây 14 tầng trên mặt đất và có hai tầng hầm với 300 giường bệnh. Đây là một cơ sở công cộng, được chính quyền thành phố Thiên Tân xây dựng. Đây là trung tâm cấy ghép lớn nhất Châu Á.
Duy nhất tại Trung Quốc: Ghép tạng có khuyến mãi, bảo hành, ‘hàng tươi sống’ luôn có sẵn
Các bệnh viện của Trung Quốc đã và đang kiếm được những khoản tiền kếch xù từ phẫu thuật cấy ghép. Họ tích cực quảng bá việc kinh doanh, chào mời rằng thời gian chờ đợi siêu ngắn, và khoe khoang về số tiền mà họ thu được.
Bất cứ ai quan tâm đến ghép tạng đều hiểu rõ vấn đề nan giải nhất trong lĩnh vực này là: Trên toàn cầu đều có nhu cầu về tạng vì đâu đâu cũng thiếu hụt nguồn cung. Ấy vậy nhưng tại Trung Quốc, các bác sỹ có thể khuyến mại
Bệnh viện nhân dân tỉnh Hồ Nam đăng quảng cáo trên tờ Hunan Xiaoxiang Morning Herald ngày 28/4/2006 về một gói khuyến mãi đặc biệt của bệnh viện: Tặng 20 ca cấy ghép gan hoặc thận miễn phí. Chứng tỏ nguồn cung cấp nội tạng người ở đây phải là vô cùng lớn và ‘hàng tươi sống’ luôn sẵn sàng như kiểu người ta nhốt gà trong các nhà hàng ở Việt Nam.
Trong một cuộc điều tra điện thoại vào giữa tháng 3-2006, Giám đốc Song ở Bệnh viện Trung ương thành phố Thiên Tân đã tự nguyện nói rằng bệnh viện của ông có tới hơn 10 quả tim đang đập. Người gọi đã hỏi rằng có phải điều đó có nghĩa là “các cơ thể còn sống” và Song đã trả lời : “Đúng, đúng vậy đó”.
Nhiều bệnh viện ở Trung Quốc rầm rộ quảng cáo rằng chỉ cần thời gian chờ đợi rất ngắn để được ghép tạng. Việc ghép tạng của những người hiến tạng đã tử vong lâu là không khả thi bởi vì sau khi chết tạng sẽ biến chất và hỏng. Trong khi đó thời gian để bệnh nhân ghép tạng được phẫu thuật cấy ghép ở Trung Quốc ngắn hơn rất nhiều so với bất kỳ nơi nào khác.
Trang web của Trung tâm hỗ trợ Cấy ghép Quốc tế của Trung Quốc đăng rằng: “Chỉ mất 1 tuần để tìm được một tạng (thận) phù hợp, thời gian tối đa là 1 tháng…” Nó còn thông báo tiếp rằng: “Nếu có vấn đề gì xảy ra với cơ quan tạng được hiến, bệnh nhân sẽ được quyền lựa chọn một tạng khác và được phẫu thuật lại trong vòng 1 tuần.” Trang web của Trung tâm cấy ghép Đông phương vào đầu tháng 4-2004 tuyên bố rằng: “Thời gian chờ đợi trung bình (để tìm được một lá gan thích hợp) là 2 tuần.” Trang web của bệnh viện Trường Chinh ở Thượng Hải nói nói rằng: “… đối với tất cả các bệnh nhân, thời gian chờ đợi trung bình để được ghép gan là 1 tuần…”
Hãy thử xem thời gian chờ đợi của để tìm thấy tạng phù hợp ở các nước khác để có ý tưởng so sánh. Ví dụ, thời gian chờ đợi trung bình cho một quả thận ở Canada vào năm 2003 là 32,5 tháng, trong khi ở British Columbia thậm chí còn lâu hơn, 52,5 tháng.
Một quả thận có thể sống sót sau khi lấy ra khỏi người hiến tạng là từ 24 đến 48 giờ, và một lá gan sống sót là 12 giờ. Để các Trung tâm cấy ghép Trung Quốc đảm bảo rằng bệnh nhân chỉ phải chờ đợi trong thời gian ngắn như vậy chỉ có cách duy nhất là phải có sự tồn tại của một “KHO” cực lớn người sống luôn sẵn sàng lên bàn mổ để “hiến” gan và thận.
Tại Trung Quốc, người ta cũng không ngần ngại khoe khoang chiến tích về số ca ghép, số tiền thu được. Lấy ví dụ như Trung tâm cấy ghép cơ quan tạng của Bệnh viện đa khoa Công an vũ trang Bắc Kinh. Bệnh viện này đã tuyên bố thẳng thắn: “Trung tâm cấy ghép cơ quan tạng của chúng tôi là bộ phận kiếm tiền chủ yếu. Tổng thu nhập năm 2003 là 16.070.000 nhân dân tệ (khoảng gần 60 tỷ đồng). Từ tháng 1 đến tháng 4, thu nhập là 13.570.000 nhân dân tệ. Năm nay (2004) có khả năng đạt đến 30.000.000 nhân dân tệ.” (THĐM)
Lặng lẽ và bí mật là nguyên tắc
Nếu như bé Hải An và những người hiến tạng tại Việt Nam được nhiều người biết đến và cảm ân thì điều này tuyệt nhiên không thấy tại Trung Quốc. Tất nhiên, bạn sẽ nói đó là những tử tù, cũng chẳng cần/muốn nêu danh. Tiếc rằng các chuyên gia đã kết luận: số lượng tử tù, cho dù 100% đạt yêu cầu sức khỏe, nhóm máu phù hợp để khai thác tạng cũng chỉ chiếm một lượng quá nhỏ trong tổng số các ca ghép thực tế đã diễn ra.
Theo điều tra của các chuyên gia, mặc dù các bệnh viện công khai quảng bá về kho tạng sống dồi dào, nhưng các ca phẫu thuật cấy ghép tạng được những người nhận tạng và người thân của họ mô tả lại là luôn được thực hiện hầu như hoàn toàn bí mật, cứ như thể đó là tội ác cần phải che giấu.
Nhiều người đến Trung Quốc để ghép tạng và họ không hề được cung cấp thông tin về phía cho tạng, về người thân của người hiến tạng, cũng không bao giờ thấy bản cam kết đồng ý của người hiến tạng hay gia đình của họ. Bất kỳ ai, dù là bạn bè, người thân hay thậm chí là nhân viên y tế đi cùng cũng đều không được phép vào phòng mổ với bệnh nhân.
Sau ca ghép, cơ bản là danh tính của bác sĩ phẫu thuật và những người hỗ trợ ca mổ là không được tiết lộ, ngay cả khi được hỏi. Nguyên tắc “Nhanh gọn, không hỏi, không nói” được thực thi triệt để. Người nhận tạng và gia đình họ thông thường được báo về thời điểm phẫu thuật chỉ một thời gian ngắn trước khi nó diễn ra. Các cuộc phẫu thuật có lúc diễn ra vào nửa đêm.
Còn việc thanh toán? Cơ bản chúng diễn ra bằng tiền mặt và không có biên lai chính thống.
Chỉ vài năm ngắn ngủi, hàng loạt các Trung tâm ghép tạng được xây mới khắp nơi ở Trung Quốc vào đúng lúc ngân sách cho y tế bị cắt giảm. Theo điều tra, nhưng cơ sở hoành tráng đó được đầu tư chính bằng nguồn thu từ ghép tạng, mỡ nó rán nó. Vậy rốt cuộc những nội tạng kia là từ đâu đến? Phải chăng Trung Quốc đã nhân bản sản xuất được quy mô công nghiệp các loại tạng giống như nó đã làm với các loại thiết bị công nghệ? Hay đích thực chính quyền Trung Quốc đã vận hành một hệ thống chuyên để xẻ thịt những người dân không may mắn, lấy tạng của họ để kinh doanh kiếm lời?
( còn tiếp…)
Minh Thành