Có câu: “Nhất hạ vô bệnh tam phân hư”. Mùa hạ khí trời nóng bức khiến cơ thể tiêu hao năng lượng quá độ, cho dù không bị bệnh tật thì sức khỏe cũng suy giảm. Vì thế khi mùa thu đến tập trung dưỡng sinh thân thể là điều rất cần làm. Nhưng dưỡng sinh không đồng nghĩa với ăn uống nhiều chất bổ dưỡng, phải hiểu đạo dưỡng sinh mùa thu mới có thể dưỡng thân thể một cách tốt nhất.
Trong «Hoàng đế nội kinh» có ghi: “Xuân hạ dưỡng dương, thu đông dưỡng âm”. Mùa thu khí trời từ nóng chuyển qua mát/lạnh, dương suy âm thịnh; đồng thời mùa thu khí trời cũng khô hanh, vì thế dưỡng âm phòng ngừa khô hanh là mấu chốt của dưỡng sinh mùa thu. Ngoài ra mùa thu cũng đối ứng với phổi, trong ngũ hành là tương ứng với kim, vì thế mùa thu cũng là đúng mùa của phế kim, khí thuộc phế kim sẽ vượng. Phế kim quá mạnh có thể làm tổn thương cho can mộc (gan ứng với mộc trong ngũ hành), cũng làm hao tổn tỳ thổ (tỳ ứng với thổ trong ngũ hành), vì vậy mùa thu cần chú ý dưỡng âm ẩm chống khô hanh, chăm sóc can và tỳ.
Dưỡng sinh đa diện
Các phương diện dưỡng sinh gồm: ăn uống, sinh hoạt, rèn luyện thân thể, điều dưỡng tinh thần… đều theo nguyên tắc cơ bản dưỡng âm ẩm chống khô hanh.
Phương diện ăn uống: Vị chua nhiều
Trời đất có Ngũ hành, đồ ăn có ngũ vị. Chua, cay, đắng, mặn, ngọt, 5 loại vị này có tác dụng không giống nhau, chúng có quan hệ chặt chẽ với ngũ tạng. «Hoàng đế nội kinh» ghi: “Chua vào can, cay vào phế, đắng vào tim, mặn vào thận, ngọt vào tỳ”. Vì thế đồ ăn chua giúp dưỡng can, ngọt dưỡng tỳ; trong Trung y còn có thuyết “chua ngọt hóa âm”, vì thế đồ ăn chua ngọt giúp điều dưỡng can và tỳ, nên dùng nhiều hơn vào mùa thu. Ngoài ra, mùa thu cần kiêng bớt vị cay có trong hành, gừng, tỏi, ớt, rượu… vì chúng làm khí phổi phát quá độ gây tổn hại cho phổi và thương tổn can tỳ.
Phương diện sinh hoạt: Ngủ sớm dậy sớm
Về mặt này trong «Hoàng đế nội kinh» ghi: “Mùa thu cần ngủ sớm dậy sớm, bắt đầu từ gà gáy, giúp tinh thần bình ổn, để tránh khí tiêu điều vào mùa thu”. Mùa thu dễ mệt mỏi, ngủ trưa điều dưỡng tốt cho tim, làm khỏe tim, giảm xác suất bị bệnh tim mạch.
Ngoài ra, cũng có truyền thống dưỡng sinh khởi xướng “thu đông”, đó là mùa thu nên để cơ thể chịu lạnh một chút làm giảm tiết mồ hôi, vì mồ hôi ra làm âm khí hao tổn, thuận theo nguyên tắc dưỡng sinh vào mùa thu là “trữ âm tinh, giữ âm khí”. Tuy nhiên cũng không được để cơ thể lạnh quá, đặc biệt với người già, trẻ nhỏ và người sức khỏe không tốt, nên mặc thêm áo ấm, tránh để khí lạnh làm thương tổn cho phế.
Mùa thu dễ gây bệnh cảm cúm, phải phòng tránh thế nào? Kiến nghị dậy sớm mở cửa sổ ra để hít thở không khí trong lành, sau đó rửa mặt bằng nước nóng thay vì nước lạnh khiến khí lạnh nhiễm vào mũi; đến tối dùng nước ấm rửa chân để kích thích tuần hoàn máu, nâng cao sức đề kháng cho cơ thể. Nếu trong nhà lỡ có người bị cảm cúm có thể đun nước giấm rồi đóng kín các cửa lại để xông qua gian nhà một lượt giúp trừ trùng bệnh cảm cúm.
Phương diện phòng the: Tiết chế dưỡng âm
Mùa thu phải thuận theo nguyên tắc tích trữ của giới tự nhiên, vì thế tiết chế chuyện phòng the là tích trữ âm tinh.
Phương diện vận động: Thu bớt lại
Mùa thu không khí mát mẻ, nên ra ngoài vận động nhiều: leo núi, chạy bộ, bơi… để tăng sức khỏe tim phổi. Nhưng cũng không nên vận động quá độ, vì mùa thu lấy tích trữ làm chủ, không cần thiết vận động cho đổ nhiều mồ hôi để hạn chế tiêu tán âm khí.
Phương diện tinh thần: Điều hòa cảm xúc
Mùa thu dễ gợi cảm xúc buồn thương. Đặc biệt với người già là thứ cảm xúc lúc trời chiều, người trẻ cũng vì cảnh buồn sinh tình buồn, tâm trạng dễ uất ức… Vì thế điều tiết cảm xúc, giữ tâm thái lạc quan là rất quan trọng.
Ngoài ra, “phế tại chí vi bi”, bi thương là đặc trưng tình cảm của phế, đồng thời bi ai làm tổn thương phế khí. Nàng Lâm Đại Ngọc trong «Hồng lâu mộng» quanh năm u uất, làm thương tổn phế, khiến ngay cả danh y nổi tiếng nhất, cho ăn đồ tốt nhất cũng không trị được bệnh phế của nàng.
Theo secretchina
Tinh Vệ biên dịch
Xem thêm: