Đại Kỷ Nguyên

Bí quyết khắc phục bệnh ngứa ngoài da vào mùa đông

Mùa đông trời lạnh, nhiệt độ giảm thấp và không khí hanh khô khiến sức đề kháng của da dần bị suy yếu, dễ bị kích ứng bởi yếu tố môi trường bên ngoài. Nếu chăm sóc không đúng cách sẽ xuất hiện cảm giác mẩn ngứa khó chịu.

Ngứa ngoài da là một trong những bệnh thường gặp vào mùa đông. Biểu hiện ngứa có thể từ râm ran đến dữ dội, nhất là vào ban đêm khi ngủ, đặc biệt trời càng lạnh càng nặng. Nhiều người không chịu được nên gãi làm trầy xước da, chảy máu, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm trùng. Làm sao để chăm sóc và phòng bệnh?

Nguyên nhân gây bệnh theo Tây y

Theo Tây y, ở điều kiện nhiệt độ bình thường da sẽ tiết ra các chất hữu cơ cùng với mồ hôi để giữ ẩm, làm mềm, tạo độ đàn hồi bền bỉ và chống lại sự xâm nhập của các loại vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng, bụi bẩn… Do trời lạnh, ít mưa, độ ẩm thấp khiến không khí trở nên khô, từ đó làm tăng kích ứng da, dẫn đến ngứa và nứt nẻ. 

Mắc các bệnh như tiểu đường, rối loạn chức năng gan và thận, sỏi mật và các bệnh về đường mật khác, rối loạn thần kinh, tăng lipid máu, béo phì… đều có thể làm da mẩn ngứa, khô ráp.

Theo y học cổ truyền, da bị ngứa, khô vào mùa đông đa phần bởi Phế táo, cơ thể thải độc không tốt. (Ảnh: drailencheng.com.tw)

Nguyên nhân gây bệnh theo Đông y

1. Khí độc như hàn (lạnh) và thấp (ẩm ướt) từ ngoài xâm nhập là một nguyên nhân. Vào mùa mưa hoặc mùa lạnh, bệnh thường phát nặng hơn gây sưng đau các ngón tay, chân, gót chân.

2. Da bị ngứa, nứt nẻ, khô vào mùa đông đa phần bởi Phế táo và cơ thể thải độc không tốt, không dưỡng Phế tốt vào mùa thu. Theo Đông y, Phế chủ da và lông, bởi vậy khi xử lý các vấn đề về da, đầu tiên cần chú trọng dưỡng Phế. Dưỡng tạng phủ này cần ăn ít các loại thực phẩm có tính cay nóng, ăn nhiều ngân nhĩ, hạnh nhân, mộc nhĩ, nấm hương, bí đao, lê, bách hợp…

3. Ra mồ hôi, đại tiện thông suốt là con đường thải độc chủ yếu của cơ thể. Nếu không sẽ làm độc tố tích tụ dẫn tới ngứa da. Vào mùa đông, khi cơ thể ít vận động và uống nước, ăn nhiều thực phẩm cay nóng, nhiều thịt đều có thể tăng thêm trở ngại cho việc loại bỏ độc tố.

Cách chăm sóc da theo y học cổ truyền

Người già bị ngứa da – cần bổ sung canxi

Y học cổ truyền nhìn nhận, những phụ nữ bị ngứa ngoài da từ sau khi sinh con hầu như đều do huyết hư cần dưỡng huyết (Ảnh: kknews.cc)

Theo các chuyên gia, thiếu canxi gây ngứa da là nguyên nhân điển hình với những người cao tuổi. Bởi vậy, nên bổ sung canxi một cách khoa học bằng cách uống nước đậu nành, sữa tươi, sưởi nắng rất cần thiết.

Ngoài ra, cơ thể thiếu mangan cũng có thể gây ra triệu chứng này. Trong thực đơn hằng ngày, có thể bổ sung thêm các loại quả hạch, uống trà xanh. Một cách để phòng và trị ngứa da hiệu quả nhất với người già là ngủ đủ giấc để hỗ trợ điều hòa ngũ tạng, từ đó giảm được tính mẫn cảm của da.

Vừa bị gió lạnh là ngứa ngáy khó chịu – nguyên nhân do dị ứng

Ngứa da xuất hiện mỗi khi đi lạnh và gặp gió có thể do dị ứng thời tiết. Những người này thuộc về cơ địa dị ứng, cần tránh hàn lạnh mùa đông. Nên giảm thiểu thời gian sống trong môi trường có độ ẩm thấp vì da dễ bị khô, kích thích, làm tái phát bệnh dị ứng da theo mùa. Luôn giữ ấm cơ thể, nhưng tránh mặc quần áo bằng chất liệu len, vì dễ gây kích ứng da. Ngoài ra, còn có thể dùng bài thuốc dân gian trị liệu sau:

Nguyên liệu: Kinh giới, Ngưu bàng, Phòng phong, Thuyền thoái, Bạch cương tằm, Bạch truật mỗi loại 10g, Hoàng kỳ 15g, Bạc hà 3g. Các vị thuốc rửa sạch sắc uống thay nước ngày 1 thang. Uống liên tục từ 5 đến 7 ngày có thể thấy hiệu quả.

Chú ý: Người bị cao huyết áp không nên sử dụng bài thuốc này.

Bị ngứa da sau khi sinh con – cần dưỡng huyết

Sau khi sinh con xuất hiện ngứa ngoài da đa phần là do huyết hư. Lúc này, cơ thể chưa điều hòa tốt khí huyết mà đã làm việc sẽ xuất hiện triệu chứng này. Thời gian càng lâu sẽ sinh ra phong hành bất chỉ gây ngứa da. Bởi vậy, lúc này nên tư âm dưỡng huyết, huyết hành phong tự diệt là một trong những cách giải quyết vấn đề mẩn ngứa da từ căn bản. Nhóm người này có thể ăn nhiều Đương quy hầm thịt, hoặc sử dụng bài thuốc trị liệu sau:

Nguyên liệu: Đương quy 12g, Bạch thược, Sinh địa, Bạch tiên bì, Địa phu tử mỗi loại 10g, Ý dĩ nhân 15g, Cam thảo 6g. Sắc uống thay nước, ngày uống 1 thang thuốc, liên tục từ 5 đến 7 ngày.

Ngừa gót chân và bàn chân khi tắm – Cần loại bỏ thấp tà

Theo chuyên gia da liễu, những người thường bị ngứa gót chân và bàn chân đặc biệt khi tắm, có thể do thấp tà gây nên. Hai bài thuốc có thể áp dụng như sau:

Bài thuốc rửa ngoài: Bạch tiên bì, Địa phu tử, Khổ tham, Xà sàng tử mỗi loại 15g, Khô phàn 10g, pha nước nóng rồi dùng bông gòn chấm lên chỗ ngứa.

Bài thuốc uống trong: Kinh giới, Phòng phong, Đan bì, Bạch tiên bì mỗi loại 10g, Khổ tham 6g, Sinh địa 15g, Ý dĩ nhân sống 20g, Cam thảo 6g. Sắc uống thay nước, ngày uống 1 thang thuốc, liên tục từ 5 đến 7 ngày.

Ảnh minh họa (Ảnh: rensheng2.com)

Lưu ý khi chăm sóc da vào mùa đông

Theo Secretchina
Kiên Định biên dịch

Exit mobile version