Đại Kỷ Nguyên

Bộ LĐ-TB-XH: Doanh nghiệp nợ bảo hiểm, người lao động vẫn phải chốt sổ BHXH nếu muốn chuyển đi

Người lao động (NLĐ) nếu chưa chốt được sổ BHXH và chưa được trả sổ do công ty trước đó còn nợ tiền BHXH thì đề nghị NLĐ liên hệ với công ty cũ để được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Theo báo NLD, Bộ LĐ-TB-XH vừa giải đáp thắc mắc cho NLĐ về việc chốt sổ BHXH khi chuyển sang nơi khác làm việc.

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 18 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11-11-2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc thì người sử dụng lao động (NSDLĐ) có trách nhiệm đóng đủ BHXH, BHTN, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định đối với NLĐ đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, BHTN cho NLĐ. Đồng thời theo quy định tại Khoản 2 Điều 18 Luật BHXH thì NLĐ tham gia BHXH được cấp và quản lý sổ BHXH.

Người lao động được đề nghị quay về công ty cũ để chốt sổ BHXH (Ảnh: NLĐ)

Căn cứ quy định nêu trên, NLĐ nếu chưa chốt được sổ BHXH và chưa được trả sổ do công ty trước đó còn nợ tiền BHXH thì đề nghị NLĐ liên hệ với công ty cũ để được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH: Có luật nhưng kiện không dễ

Chuyện các doanh nghiệp, mặc dù vẫn truy thu các khoản đóng từ phía nhân viên nhưng không hoàn thành trách nhiệm BHXH với nhà nước khá phổ biến hiện nay. Khi NLĐ có nhu cầu chốt sổ BHXH để chuyển công tác, hoặc hưởng chế độ về hưu phải dở khóc dở cười.

Khi các doanh nghiệp nợ BHXH, theo Luật bảo hiểm xã hội và Bộ luật Tố tụng Dân sự, từ ngày 1/7/2017, tổ chức Công đoàn có thể đứng ra khởi kiện tuy nhiên vẫn khó cải thiện được tình hình. Một mặt doanh nghiệp có nhiều lý do nợ bảo hiểm: kinh doanh khó khăn, đang trong tình trạng giải thể, phá sản hay bán cổ phần cho doanh nghiệp khác…

Chưa có vụ kiện nào xảy ra với doanh nghiệp nợ BHXH (Ảnh minh họa: NLĐ)

Mặt khác, rất khó để Liên đoàn Lao động cấp huyện, tỉnh nhận được giấy ủy quyền từ Công đoàn cơ sở để khởi kiện doanh nghiệp. Vì Chủ tịch Công đoàn cơ sở cũng là người làm công ăn lương trong doanh nghiệp, quyề lợi nằm trong đó, nên nếu làm đơn gửi Công đoàn cấp trên thì sẽ đụng chạm.

Khó khăn nhất là những người đến tuổi nghỉ hưu thì không làm được chế độ do doanh nghiệp nợ kéo dài. Ví dụ như trường hợp của ông Nguyễn Văn Lâm, trú tại phường Trần Phú, thành phố Quảng Ngãi đã làm việc tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Bao bì Việt Phú từ năm 1995, đến tháng 5/2017 ông nghỉ hưu vì mất sức. Khi tới Bảo hiểm xã hội để chốt sổ, ông Lâm mới biết công ty chỉ đóng bảo hiểm cho mình đến tháng 11/2013. “Hàng tháng công ty vẫn trừ lương của tôi và những lao động khác nhưng chỉ đóng các loại bảo hiểm đến tháng 11/2013. Giờ làm sao tôi chốt sổ hưu. Đến công ty thì họ cũng chỉ bảo là đang khó khăn. Nghỉ hưu mấy tháng rồi mà tôi vẫn chưa được hưởng chế độ theo quy định”, ông Lâm chia sẻ.

Tuy nhiên, từ ngày 1/1/2018, hành vi gian lận, nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) đã được hình sự hóa và bắt buộc coi như là tội phạm. Nếu vụ án hình sự xảy ra, cơ quan điều tra sẽ vào cuộc, Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) truy tố, Tòa án nhân dân (TAND) các cấp phải thụ lý, xét xử…

Minh Thành t/h

Exit mobile version