Đại Kỷ Nguyên

Bộ trưởng Y tế Thụy Sĩ: ‘Xin đừng hôn má giữa mùa dịch corona’

Hôn lên má là cách chào xã giao phổ biến tại Thụy Sĩ và Pháp nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro trong mùa dịch corona (ảnh: Stock).

Bộ trưởng Y tế Thụy Sĩ Alain Berset đã kêu gọi người dân nước này từ bỏ thói quen chào nhau bằng cách hôn lên má trước bối cảnh nước Ý láng giềng đang bùng phát dịch bệnh COVID-19 trầm trọng.

Tuổi Trẻ đưa tin, ở Thụy Sĩ cũng như tại nước láng giềng Pháp, người ta có thói quen chào nhau bằng cách hôn lên má. Tuy nhiên, màn chào hỏi phong cách Thụy Sĩ tốn nhiều thời gian hơn khi phải hôn tới 3 lần, khác với 2 lần ở các nước khác.

Trả lời phỏng vấn báo SonntagsZeitung ngày 1/3, khi được hỏi về lời khuyên đối với thói quen chào nhau này, Bộ trưởng Y tế Thụy Sĩ Alain Berset cho biết việc giữ khoảng cách với ai đó là cách tốt nhất để hạn chế virus lây lan.

“Vì vậy, việc từ bỏ thói quen hôn nhau mỗi khi gặp mặt là biện pháp cần cân nhắc một cách nghiêm túc”, ông Berset kêu gọi.

Trước đó, tại nước láng giềng Pháp, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cũng khuyên không nên bắt tay trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) đang bùng phát mạnh như hiện nay.

Thường xuyên rửa hoặc khử trùng tay là trọng tâm của các khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và các cơ quan chức năng khác về cách ngăn ngừa sự lây lan của COVID-19.

Thụy Sĩ và Pháp có đường biên giới chung với Ý, quốc gia châu Âu có nhiều ca nhiễm COVID-19 nhất hiện nay. Thụy Sĩ hiện đã ghi nhận 19 ca nhiễm trong khi Ý đã có 1.128 ca nhiễm và 29 ca tử vong tính đến ngày 1/3.

Virus corona mới COVID-19 lây nhiễm siêu nhanh nhưng tỷ lệ tử vong ít hơn SARS và Ebola (ảnh chụp màn hình báo Dân Sinh).

Nguyên nhân khiến dịch bệnh do chủng mới virus corona COVID-19 lây lan rộng

Chủng mới virus corona COVID-19 lây truyền qua 4 con đường chính:

– Lây qua tiếp xúc với dịch cơ thể của người bệnh (giọt nước bọt từ việc ho, hắt hơi, sổ mũi).

– Lây trực tiếp: Do tiếp xúc với người bệnh, bao gồm cả việc bắt tay người bệnh mà không thực hiện các biện pháp phòng tránh.

– Lây truyền gián tiếp: Khi chúng ta vô tình chạm vào các bề mặt bị nhiễm virus, sau đó đưa lên mắt, mũi, miệng.

– Lây nhiễm qua đường phân: Những người chăm sóc bệnh nhân có thể bị phơi nhiễm virus khi xử lý các chất thải của người bệnh.

Thời gian ủ bệnh của SARS chỉ từ 2 – 7 ngày, trong khi thời gian ủ bệnh của COVID-19 thông thường vào khoảng 10 ngày, nhưng có người bệnh lên tới 14 ngày, và trong một số trường hợp hiếm hoi có thể vượt quá 24 ngày hoặc lâu hơn, điều này khiến biện pháp cách ly cũng phải có thêm những cân nhắc tính toán. Lúc này, trong cơ thể đã có virus nhưng chưa có dấu hiệu gì rõ ràng. Khi khởi phát, COVID-19 sẽ gây sốt, tổn thương đường hô hấp. Trường hợp nặng, gây viêm phổi khiến bệnh nhân tử vong, nhất là các trường hợp có bệnh nền.

Theo ước tính “rất thận trọng” của TS.Asok Kurup – Chủ tịch Hiệp hội tiến sĩ có chuyên môn bệnh truyền nhiễm, Học viện Y khoa (Singapore), mỗi người mắc bệnh COVID-19 có thể lây cho ít nhất 3 hoặc 4 người khác. Thực tế cho thấy, cơ chế lây nhiễm của virus này gần giống với H1N1 hay cúm hơn là SARS.

Tuy nhiên, nó có thể lây nhiễm ngay khi các triệu chứng vẫn còn nhẹ, thậm chí những người không có triệu chứng (không có dấu hiệu bị bệnh). Có nghĩa là những người này có thể truyền virus trước khi phát bệnh mà không phát hiện được. Bởi vậy, số ca nhiễm COVID-19 cứ liên tục tăng, một “sự lây lan chưa từng thấy”.

Exit mobile version