Đại Kỷ Nguyên

Bỏ túi quy tắc ‘4 ấm 1 lạnh’, cha mẹ không lo con ốm mùa đông

Giữ ấm cho con những ngày đông giá rét, hạn chế tối đa những bệnh do nhiễm lạnh gây ra là điều nhiều cha mẹ quan tâm. Bổ sung nguyên tắc này, các bậc phụ huynh sẽ không còn lo con bị ốm vặt vào mùa đông.

 

Quy tắc giữ ấm cho trẻ trong mùa đông (video: Vietnamnet).

Qui tắc 1: “Bốn ấm một lạnh” là gì?

“4 ấm” tức là cha mẹ cần giữ ấm 4 bộ phận trên cơ thể trẻ, bao gồm:

Bàn tay ấm: Tay và chân thuộc thành phần ngoại vi của cơ thể, do đó nhiệt độ thường thấp hơn các bộ phận khác. Khi mặc quần áo xong cho con, mẹ có thể kiểm tra, nếu bàn tay ấm nhưng không gây đổ bồ hôi là mặc đồ vừa chuẩn.

Vào mùa đông lạnh, bàn tay của trẻ cần phải được giữ ấm (ảnh minh họa).

Lưng ấm: Việc giữ ấm lưng cũng đảm bảo trẻ không bị ra mồ hôi. Cha mẹ cố gắng giữ ấm và thoáng vùng lưng trẻ để mồ hôi không tiết ra và thấm ngược vào cơ thể dễ dẫn đến nhiễm lạnh. Khi thấy trẻ ra mồ hôi lưng cần thấm, lau ngay.

Bụng ấm: Nếu không giữ ấm phần bụng, rất dễ ảnh hưởng tới các cơ quan nội tạng của trẻ, đặc biệt là dạ dày, gây khó tiêu, đầy trướng bụng.

Giữ chân ấm (ảnh minh hoạ).

– Chân ấm: Theo Đông y, “khí lạnh đi vào từ chân” vì đây là nơi tập trung và liên kết các kinh mạch âm dương trong toàn cơ thể, nhiều huyệt vị trọng yếu nên là bộ phận dễ bị khí lạnh xâm nhập nhất. Còn theo y học hiện đại, do chân có nhiều mạch máu, lại nằm cách xa tim, lớp mỡ mỏng nên khả năng tự giữ ấm rất kém.

Vì vậy, cha mẹ cần lưu ý giữ ấm đôi bàn chân của trẻ trong những ngày rét, đi tất cho bé dù ở trong nhà, đi thêm giày khi ra ngoài. Nếu bàn chân bị lạnh, trẻ rất dễ bị cảm lạnh, cúm sốt…

Nên để đầu của bé thoáng, không cần bịt quá kín bằng mũ, nhất là khi trẻ bị sốt hoặc đang ngủ (ảnh minh họa).

“1 lạnh” tức là cha mẹ không nên che phần đầu trẻ quá kín. Chỉ khi ra ngoài trời, cha mẹ hãy đội cho con một chiếc mũ ấm, còn khi ở trong nhà phần đầu nên được giữ thoáng, không nên đội mũ len cả ngày. Đặc biệt với trẻ đang bị sốt, nhiệt lượng của cơ thể hầu hết được toát ra từ phần đầu nên cần được duy trì sự thông thoáng.

Mặc quần áo cho trẻ đúng cách

Theo Báo Sức Khoẻ Cộng Đồng, nhiều ông bố bà mẹ có thói quen đóng cho con những bộ quần áo thật dày nhưng chưa chắc đã giữ ấm cho trẻ tốt như nhiều lớp áo mỏng. Các chuyên gia khuyên rằng nên mặc cho trẻ nhiều lớp ảo mỏng dày khác nhau thay vì chỉ mặc một chiếc áo thật dày. Một mặt, không khí giữa các lớp áp giúp giữ nhiệt tốt hơn. Mặt khác, trong quá trình vui chơi hoặc khi thời tiết ấm vào buổi trưa, trẻ có thể dễ dàng cởi bớt áo.

Mặc nhiều áo mỏng sẽ ấm hơn chiếc áo dày (ảnh minh hoạ: Kid Plaza).

Chất liệu quần áo cũng vô cùng quan trọng. Cha mẹ hãy cho trẻ mặc những chất liệu thoáng mát, thấm mồ hôi. Lớp trong vùng ưu tiên mặc các loại áo phông, cotton ôm khít cơ thể, tiếp theo là áo len, áo khoác. Khi đi ra ngoài thì đem theo mũ, găng tay. Khi đi ngủ phải đắp chăn đủ ấm.

Nên cân nhắc tình hình thời tiết để mặc cho đủ ấm. Đảm bảo không mặc quá 4 lớp áo, nếu không trẻ sẽ cảm thấy khó cử động và bí bách, thậm chí ra mồ hôi. Không ủ hay quấn trẻ quá mức vì có thể cản trở quá trình hô hấp của trẻ. Tránh sử dụng những chiếc khăn dài quanh cổ hoặc mặt của em bé.

Đối với trẻ sơ sinh không cần tắm mỗi ngày. Tắm nhiều hơn 2-3 lần/tuần có thể đẩy mạnh quá trình mất ẩm của da trẻ, đặc biệt trong thời tiết mùa đông.

Mùa đông thường rất hanh khô, hãy đảm bảo sức khỏe cho trẻ bằng cách bổ sung nhiều nước, các loại rau xanh, trái cây tươi.

Exit mobile version