Song song với kế hoạch ghép phổi, Bộ Y tế tính phương án chuyển bệnh nhân 91 về quê hương nước Anh. Hiện anh đã khỏi COVID-19, dung tích phổi hoạt động tăng lên 30%.
Sáng nay (21/5), TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, bệnh nhân 91, 43 tuổi, phi công Vietnam Airlines đã có 6 lần xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong 10 ngày qua, theo báo Vietnamnet.
Kết quả nuôi cấy virus không phát triển, đồng nghĩa, bệnh nhân đã được điều trị khỏi COVID-19.
Về phương án ghép phổi, ông Khuê cho hay đến nay có 59 người từ 21 đến 76 tuổi xin được hiến một phần phổi để ghép cho phi công Anh. Tuy nhiên, bệnh nhân này cần ghép toàn bộ lá phổi nên phải lấy từ người chết não có chỉ số phù hợp.
Hơn nữa, một chuyên gia của Hội đồng Chuyên môn cho biết bệnh nhân đang gặp ba chống chỉ định ghép phổi, trong đó có nhiễm trùng phổi, suy đa tạng. Do đó nếu ghép ngay, có thể thành công về mặt kỹ thuật, nhưng tỷ lệ hồi phục rất thấp.
Ông Khuê cho biết trên báo VnExpress, một phương án khác đang được tính đến là chuyển về Anh do bệnh nhân đã khỏi COVID-19. Tuy nhiên, việc vận chuyển bệnh nhân chỉ diễn ra khi bệnh nhân đủ điều kiện sức khoẻ.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. HCM, ngày 21/5 cho biết bệnh nhân tiên lượng vẫn còn nặng. Phổi phải còn ít khí và dịch. Phổi trái hết xẹp. Dung tích phổi hoạt động tăng lên 30% thay vì chỉ 10% như cách đây gần một tuần.
“Bệnh nhân 91” là phi công người Anh, làm việc cho hãng hàng không Vietnam Airlines thông qua một công ty điều phối nhân lực hàng không. Phi công này mới bay chuyến đầu tiên cho Vietnam Airlines thì mắc COVID-19. Ông Khuê cho biết vì thế hãng không có cơ chế chi trả phí điều trị cho bệnh nhân.
Đây là ca COVID-19 nặng nhất Việt Nam, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. HCM. Bệnh nhân nặng 100 kg, mắc hội chứng “bão cytokine” – hệ miễn dịch phản ứng thái quá, rối loạn đông máu, phổi có lúc đông đặc 90%.