Gan được mệnh danh là nhà máy cung cấp năng lượng và thải độc của cơ thể. Tuy nhiên, nó cũng có thể bị ‘tàn phá’ bởi các độc tố vi trùng, vi khuẩn và một số bệnh khác. Do vậy, cơ quan này cần được quan tâm chăm sóc và bảo vệ. Giới y học hiện nay đã nghiên cứu và cho ra nhiều loại thuốc có nguồn gốc tự nhiên có tác dụng tốt với chức năng của gan, một trong số đó phải kể đến cà gai leo.
Hiện nay, các bệnh gan thường gặp như viêm gan virus, viêm gan do rượu, viêm gan do thuốc… là những nguy cơ tiềm ẩn dẫn tới xơ gan, ung thư gan với tỉ lệ tử vong cao. Bệnh gan không chỉ gây rối loạn nặng nề cho cơ thể, ảnh hưởng tới tính mạng con người mà còn tác động tới kinh tế gia đình, trở thành gánh nặng chung cho xã hội.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, năm 2017, Việt Nam có khoảng 7,8 triệu người mắc viêm gan B mạn tính, hơn 13.000 người bị xơ gan mất bù, gần 6.000 người bị ung thư tế bào gan và hơn 6.400 người tử vong do bệnh gan gây ra.
Việt Nam là quốc gia nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, được thiên nhiên ưu đãi cho rừng vàng biển bạc. Do đó, có nhiều loài dược liệu quý, đặc biệt tốt trong việc chăm sóc sức khoẻ lá gan. Một trong số đó có cây cà gai leo với hàng loạt nghiên cứu cho ra sản phẩm, đã chứng minh tác dụng hiệu quả của vị thuốc này trên bệnh nhân có vấn đề về gan.
Cà gai leo có tên khoa học là Solanum procumbens, thuộc họ Cà (Solanaceae). Dân gian có một số tên gọi khác như cà gai dây, cà vạnh, cà quýnh, cà lù, cà bò, cà Hải Nam, gai cườm… Tại Việt Nam, loài này phân bố ở các tỉnh miền Bắc cho đến Huế, được xem là một trong những cây thuốc nam có tác dụng giải độc gan tốt nhất hiện nay.
Thành phần hoạt chất gồm có: ancaloit, glycoancaloit là các chất có khả năng bảo vệ tế bào gan rất tốt, kìm hãm và làm âm tính vi rút viêm gan, ngăn chặn quá trình xơ gan, dùng chữa các bệnh liên quan đến gan.
Thuốc có vị hơi ngọt, tính mát, dễ uống, nước sắc màu nâu sẫm, vị thơm ngon. Dưới đây là một số tác dụng chủ yếu của cà gai leo:
- Hỗ trợ điều trị viêm gan virus, đặc biệt là viêm gan B
- Ngăn ngừa sự tiến triển của xơ gan
- Giải độc, hạ men gan
- Chống oxy hóa, ức chế một số dòng ung thư
- Chữa say rượu, đau nhức răng, phong thấp (từ rễ cây)
Cách dùng cà gai leo
Người dân thường lấy rễ, thân cây sắc nước uống chữa nóng gan, gan yếu, mẩn ngứa, thanh nhiệt giải độc cơ thể.
- Sử dụng nước sắc chữa vàng da, chướng bụng, người mệt mỏi, ăn uống không tiêu.
- Trước khi uống rượu có thể dùng rễ cây cà gai leo nhai kỹ sẽ giảm say rượu
- Khi bị say rượu sử dụng nước của thân và rễ cây sắc uống sẽ dễ chịu, nhanh tỉnh rượu và giảm mệt mỏi, hạn chế sự hoạt động thái quá của các tế bào gan.
Uống nước sắc hàng ngày từ 30 – 50 g thân hoặc rễ cây với 2 lít nước, sẽ hỗ trợ điều trị viêm gan virus, men gan cao, xơ gan. Bạn có thể kết hợp với cây mật nhân sẽ tăng tác dụng vì cây mật nhân giúp tái tạo tế bào gan, lợi mật, hỗ trợ người bệnh phục hồi sức khỏe tốt hơn.
Lưu ý:
- Không dùng cà gai leo cho phụ nữ đang mang thai.
- Đối với phụ nữ đang cho con bú: Qua thực tế kiểm nghiệm cho thấy cà gai leo không có tác dụng phụ đối với phụ nữ đang cho con bú, do đó bệnh nhân có thể yên tâm khi sử dụng vị thuốc này.
Cà gai leo thực sự là một dược liệu quý không những với người mắc bệnh gan, mà còn là một vị thuốc giải rượu rất hiệu quả.
Thái Sơn