Ngộ độc thực phẩm là hội chứng cấp tính xảy ra đột ngột do ăn phải thức ăn có chất độc. Nếu không được cấp cứu kịp thời, người bị ngộ độc thực phẩm có thể gặp biến chứng, nặng nhất là nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng, tử vong.
Thời tiết nóng và ẩm của mùa hè làm tăng sự phát triển của các côn trùng truyền bệnh như ruồi, nhặng, chuột… Ngoài ra, nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm có thể đến từ việc nhà hàng, quán ăn sử dụng nguyên liệu thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, nguồn gốc.
Dấu hiệu ngộ độc thực phẩm thường gặp: Đau đầu, chóng mặt, đau bụng quặn từng cơn, nôn ói… Trường hợp nặng, người bệnh có thể đi ngoài, xuất hiện máu ở trong phân, sốt cao. Thông thường ngộ độc cấp tính sẽ xuất hiện sau vài phút, vài giờ hoặc 1-2 ngày sau khi ăn. Ngộ độc nếu không điều trị kịp thời, đúng cách có thể dẫn tới tử vong.
Các bước sơ cứu cho người bị ngộ độc thực phẩm
Cho người bệnh nghỉ ngơi và uống nhiều orezol
Đặt người bệnh nằm ngửa, đầu thấp. Nếu người bệnh có biểu hiện khó thở nên léo lưỡi ra ngoài để tránh lưỡi bị thụt vào gây ngạt.
Bác sĩ Nguyễn Đảm Chính, Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ với VnExpress, người bị ngộ độc thực phẩm thường có nguy cơ mất nước do nôn và đi ngoài liên tục. Do đó, cần dùng các loại dung dịch giúp bù lại nước và điện giải như orezol.
Ngoài ra, cũng có thể pha nước muối loãng cho người bệnh uống. Pha 1/2 thìa cà phê muối với 4 thìa cà phê đường và 1 lít nước.
Gây nôn
Bác sĩ Trần Anh Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội chia sẻ với ĐS&PL, để hạn chế độc tố ngấm vào cơ thể, nên kích thích để người bị ngộ độc nôn những thức ăn trong dạ dày ra ngoài. Có thể dùng tay đã rửa sạch đặt vào lưỡi người bệnh để kích thích gây nôn.
Khi thực hiện gây nôn, cần để người bệnh nằm nghiêng, kê hơi cao phần đầu để chất thải nôn ra không bị trào ngược vào phổi, không gây sặc cho người bệnh. Với người bị ngộ độc thực phẩm đã hôn mê thì không nên kích thích gây nôn vì dễ gây sặc, ngạt thở.
Đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế
Dù đã sơ cứu nhưng bệnh nhân vẫn có thể gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào. Do đó nên đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để kiểm tra.
Cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm trong ngày hè
– Chọn mua thực phẩm an toàn, tươi, nhãn mác, lưu ý hạn sử dụng…
– Ăn chín uống sôi.
– Không dùng thức ăn ôi thiu.
– Bảo quản cẩn thận thực phẩm đã nấu chín.
– Đun kỹ lại thực phẩm trước khi ăn.
– Không để lẫn thực phẩm sống và chín.
– Luôn giữ tay sạch sẽ khi chế biến thực phẩm.
– Khăn lau bát đĩa và các dụng cụ nấu nướng phải được thay và luộc thường xuyên trước khi tái sử dụng.
Phương Nam