Đại Kỷ Nguyên

Các bước sơ cứu đúng cách khi trẻ bị chảy máu cam do ngồi điều hòa

Các chuyên gia cảnh báo, nếu trẻ bị chảy máu cam không được sơ cứu đúng cách và kịp thời có thể gây nguy hiểm sức khỏe. Dưới đây là cách sơ cứu đúng cách khi trẻ bị chảy máu cam, cha mẹ cần lưu ý.

Trao đổi với Gia Đình & Xã Hội, lương y Đa khoa Vũ Quốc Trung cho hay, việc người lớn và cả trẻ nhỏ trong những ngày nắng nóng ngồi trong phòng điều hòa quá lâu sẽ dễ có hiện tượng chảy máu cam.

Nguyên nhân do điều hòa làm nhiệt độ trong phòng kín hạ xuống kéo theo độ ẩm không khí giảm ảnh hưởng trực tiếp đến niêm mạc mũi, các mao mạch bị co lại, rất dễ vỡ và có thể gây xuất huyết.

Do đó, các bậc cha mẹ không nên để trẻ ở quá lâu trong phòng điều hòa, tránh ra vào nóng lạnh đột ngột. Nếu dùng điều hòa cần có máy tạo ẩm hoặc đặt chậu nước trong phòng bổ sung độ ẩm, hạn chế gây tổn thương đến niêm mạc mũi gây chảy máu.

Trường hợp chảy máu kéo dài khiến trẻ bị mất máu nhiều, tăng nguy cơ u xơ vòm mũi họng. Ngoài ra, trẻ thường xuyên bị chảy máu cam thường phát triển chậm hơn do lượng máu chảy ra nhiều làm mất cân bằng với lượng dinh dưỡng cung cấp cho cơ thể.

Sơ cứu đúng cách khi trẻ bị chảy máu cam

Bác sĩ Trần Thu Thủy, bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, để an toàn cho trẻ, các bậc cha mẹ cần bình tĩnh cầm máu cho trẻ theo các bước sau:

– Đặt trẻ ngồi thẳng, đầu và cổ hơi ngả về trước. Tư thế này giúp máu không chảy xuống họng, tránh gây nôn và tiêu chảy. Không đặt trẻ nằm hay ngả đầu ra sau hoặc kẹp đầu giữa hai đầu gối.

– Dùng ngón trỏ và ngón cái bóp 2 bên cánh mũi (phần chóp mũi mềm) của trẻ. Tránh bóp phần xương sống mũi vì không giúp cầm máu. Không ấn một bên cánh mũi, kể cả nếu chỉ chảy máu ở một phía.

– Cho trẻ uống chút nước mát để đỡ căng thẳng và tẩy bớt mùi máu trong miệng.

– Sau 10 phút, thả tay xem máu ngừng chảy chưa. Nếu máu vẫn tiếp tục chảy thì thực hiện lại các bước trên một lần nữa.

Biện pháp ngăn ngừa chảy máu cam ở trẻ

– Dùng nước muối sinh lý nhỏ hoặc xịt mũi giúp làm ẩm niêm mạc. Việc này rất quan trọng với trẻ thường xuyên bị cảm, ngạt mũi hay dị ứng mũi.

– Cho trẻ uống đủ nước để cân bằng độ ẩm của cơ thể với môi trường bên ngoài.

– Tránh chấn thương vùng vách ngăn mũi. Chú ý và nhắc nhở trẻ không nên ngoáy mũi, dụi mũi để tránh bị chảy máu cam cũng như lây lan các vi khuẩn gây viêm vùng mũi.

– Dùng máy phun sương làm ẩm không khí, chú ý vệ sinh máy thường xuyên.

– Bổ sung dưỡng chất, đặc biệt vitamin C, các loại rau củ quả, các loại cá như cá trích, cá thu, cá bơn…. vào bữa ăn hàng ngày.

– Khi trẻ bị viêm mũi, hay các bệnh liên quan đến tai-mũi-họng, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám và điều trị kịp thời.

Lan Phương

Exit mobile version