Kể từ khi có kỹ thuật công nghệ, chiếc cối xay xát gạo thủ công đã biến mất và thay vào đó là những nhà máy hiện đại, thóc đổ vào và gạo trắng bóng chạy ra. Hạt gạo lứt mà con người vẫn ăn từ hàng nghìn năm dần dần nhường chỗ cho gạo trắng. Tuy nhiên, sau vài chục năm quan sát diễn biến sức khỏe công chúng, đến nay các chuyên gia dinh dưỡng lại ra sức kéo con người quay trở về với thời ông bà xưa, dùng ngũ cốc thô, ăn gạo lứt cho an toàn.
Gạo lứt giàu chất dinh dưỡng hơn gạo trắng
Gạo lứt là gạo chỉ trải qua quá trình xay tróc vỏ trấu mà không tác động nhiều đến phôi và lớp cám của gạo. Lớp vỏ trấu có thể được bóc bằng máy, xay giã thủ công, do đó hạt gạo lứt có màu sậm hơn, có màu nâu, màu hung đỏ hoặc tía. Công đoạn xát trắng tiếp theo sẽ bỏ đi phôi và lớp cám, cho ra hạt gạo trắng mà chúng ta vẫn thường ăn. Như vậy, điểm phân biệt giữa gạo lứt và gạo trắng là ở mức độ xay xát chứ không phải ở màu sắc của hạt gạo.
Tuy rằng hạt gạo lứt xấu xí một chút nhưng còn giữ lại được lớp vỏ cám và phôi với rất nhiều chất dinh dưỡng. Đó là các vitamin nhóm B (B1, B2, B3,…) và dãy dài các nguyên tố khoáng magie, kali, mangan, selen và kẽm, cùng với chất xơ.
Gạo xát càng trắng thì các chất này càng mất nhiều, tạo ra thiếu hụt dinh dưỡng càng lớn cho người ăn.
Để bù lại tổn thất này, một số công ty xay xát sử dụng các chất dinh dưỡng dạng bột thay thế vào đó. Tuy nhiên, khi vo gạo, các lớp bột này bị rửa trôi đi mất. Do đó cách tốt nhất là hãy dùng gạo lứt thay thế một phần hoặc toàn bộ trong bữa ăn hàng ngày.
Gạo lứt là gạo dưỡng sinh
Năm 1897, bác sĩ người Hà Lan, ông Christiaan Eijkman, đã chứng minh rằng thiếu vitamin B1 do thường xuyên ăn gạo xát quá kỹ là nguyên nhân gây ra bệnh beri beri. Chứng bệnh beri beri (tôi không thể, tôi không thể) được ghi chép lại ngay từ những năm 1630 tại Java, sau đó vào 1833 xảy ra với những thủy thủ tàu viễn dương Nhật Bản.
Biểu hiện của bệnh beri beri là cơ bắp mệt mỏi, các chi có cảm giác tê tê, bì bì phản xạ gân xương giảm hoặc mất kèm theo phù nề mặt trước xương chầy. Nếu không cứu chữa kịp thì có thể gây nên tử vong.
Ngày nay chứng beri beri không còn phổ biến như trước kia nữa, nhưng việc ăn gạo xát trắng vẫn được xem là tác nhân góp phần gây nên nhiều bệnh như tiểu đường, tim mạch, béo phì…
Gạo lứt có chỉ số đường huyết là 55, thấp hơn của gạo trắng là 70, do đó ăn gạo lứt có thể giảm bớt nguy cơ bị tiểu đường. Với những người đã bị tiểu đường, gạo lứt giúp hạn chế việc tăng đường huyết đột ngột do quá trình tiêu hóa và giải phóng glucose diễn ra chậm hơn.
Các chất khoáng, chất xơ và chất béo trong gạo lứt đảm bảo bạn có một quá trình chuyển hóa tốt nhất, hỗ trợ phòng chống các bệnh đường tiêu hóa, bệnh tim mạch và béo phì. Khoa học hiện đại cũng cho rằng việc ăn ngũ cốc nguyên hạt giúp ổn định hệ vi sinh vật đường ruột. Trong khi đó, tiến sĩ Natasha Campbell đã minh chứng rằng sức khỏe của một người phụ thuộc vào các vi sinh trong ruột anh ta. Điều này đã được mô tả trong cuốn sách Gut and Psychology Syndrome thuộc loại bán chạy nhất (best seller) của bà.
Các trường phái thực dưỡng châu Á cũng rất tin dùng gạo lứt, thể hiện qua các món truyền thống như: gạo lứt muối mè, gạo lứt rang trộn với mè và rong biển sấy khô, trà gạo lứt để thanh lọc cơ thể…
Theo Đông y, gạo lứt rất bổ và có tính thanh nhiệt, an thần trấn kinh, trừ phiền. Gạo lức có khả năng ngăn sự xuất tiết của dạ dày và đại tràng nên có tác dụng tốt trong điều trị các bệnh đường ruột. Món cháo gạo lứt được dùng để phòng ngừa và trừ bệnh thổ tả, kiết lỵ, cầm mồ hôi.
Bấy nhiêu lợi ích cũng đủ để bạn thử một vài món với gạo lứt rồi. Một vài năm gần đây các phương tiện truyền thông cũng nhắc nhiều đến gạo lứt, tiếc rằng hiện nay cũng chỉ phổ biến trong cộng đồng những người thực dưỡng, dưỡng sinh trị bệnh.
Giá trị dinh dưỡng của hạt gạo lứt vượt trội nhưng cũng có một số bất lợi như thời gian nấu lâu hơn, cơm không dẻo và dính như nấu gạo trắng. Tuy vậy ai đã trải nghiệm qua cũng đều tìm thấy những hương vị đặc biệt của cơm gạo lứt. Bạn hãy thử xem!
Mạnh Hùng