Chất lượng không khí tại các thành phố lớn đang ở ngưỡng đáng báo động, đối tượng bị ảnh hưởng đến sức khoẻ nhiều nhất là trẻ em và người già.

Theo VTC News, từ 8/12 đến 15/12, người dân Hà Nội liên tục chịu nhiều đợt ô nhiễm không khí lên mức đỉnh điểm. Chỉ số đo chất lượng không khí AQI luôn duy trì ở ngưỡng tím (rất xấu), có lúc vượt mức tím lên ngưỡng ô nhiễm cao nhất – ngưỡng nâu (nguy hại). Mức này cảnh báo tình trạng ô nhiễm không khí ảnh hưởng tới sức khỏe của tất cả người dân, khuyến cáo mọi người hạn chế ra ngoài, giảm hoạt động mạnh.

Đặc biệt là nhóm người già, trẻ em và người có tiền sử mắc các bệnh về hô hấp mãn tính liên tục phải nhập viện do mắc các vấn đề về sức khỏe.

Các chuyên gia cho biết, không khí Hà Nội hiện nay, ngoài bụi vô cơ, hữu cơ, khí thải, còn tồn tại một dạng bụi đặc biệt khác là bụi mịn. Có 2 loại bụi mịn là PM10 và PM2.5, nhưng nguy hiểm nhất là PM2.5. Đây là những hạt li ti trong không khí, có kích thước 2,5 micron trở xuống, nhở hơn khoảng 30 lần so với sợi tóc người.

Loại bụi này có khả năng len lỏi sâu vào trong phổi, gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người và là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh hô hấp như: viêm phổi, viêm phế quản, hay hen suyễn…

Số ca bệnh lý hô hấp tăng đột biến khi ô nhiễm không khí tăng cao (ảnh: Tuổi Trẻ).

Viêm phế quản

Báo Zing thông tin, đây là tình trạng viêm hoặc sưng của ống phế quản, đường dẫn khí giữa miệng, mũi và phổi. Tiếp xúc bụi mịn và khói từ môi trường ô nhiễm là một trong những nguyên nhân gây viêm phế quản. Theo nhiều nghiên cứu, nitơ dioxide ngoài trời là yếu tố nguy cơ chính gây viêm phế quản mạn tính ở nữ giới.

Hen suyễn

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hen suyễn là căn bệnh mạn tính do viêm và hẹp đường thở, có thể gây ra cảm giác tức ngực, khó thở, thở khò khè và ho. Các nhà nghiên cứu phát hiện ô nhiễm không khí có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng hen suyễn và cũng là nguyên nhân khiến số người mắc bệnh này ngày càng tăng. Khí ozone, chất gây ô nhiễm ngoài trời phổ biến, có thể là tác nhân gây hen suyễn và kích thích phổi hoặc đường thở. 

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)

Nguyên nhân chính gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là tiếp xúc lâu với các chất gây ô nhiễm không khí. Ô nhiễm không khí cũng là tác nhân làm trầm trọng bệnh COPD. Khi tiếp xúc các hạt ô nhiễm, bệnh nhân mắc COPD dễ bị phát bệnh, cấp cứu, thậm chí có nhiều trường hợp tử vong trong hoàn cảnh khắc nghiệt. Ở các nước kém phát triển, COPD chủ yếu xảy ra do sử dụng than để nấu ăn, sưởi ấm…

U xơ nang

Đây là bệnh di truyền kéo dài suốt đời có thể gây nhiễm trùng phổi dai dẳng và làm giảm khả năng thở theo thời gian. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Washington (Mỹ) phát hiện mối quan hệ đáng kể giữa lượng hạt mịn trong không khí với số lượng ca nhiễm trùng phổi liên quan u xơ nang. Mức độ ô nhiễm không khí cao có thể gây ra và làm trầm trọng thêm sự phát triển của căn bệnh này.

Các vấn đề về tim mạch

Các hạt nhỏ được tìm thấy trong không khí ô nhiễm có thể kích thích phổi và các mạch máu quanh tim. Theo thời gian, chúng có thể làm hỏng các mô của tim, cứng động mạch, tăng nguy cơ đau tim, huyết áp cao và đột quỵ. Nguy cơ càng tăng cao và rõ rệt ở người già, người mắc bệnh tiểu đường, béo phì, cao huyết áp.

Không khí Hà Nội đang ở mức rất ô nhiễm (ảnh: Sức Khoẻ Cộng Đồng).

Mù loà

VnExpress thông tin, kết quả nghiên cứu của Đại học London công bố ngày 25/11, người dân sinh sống tại các khu vực ô nhiễm không khí có nguy cơ cao bị cườm nước (Glaucoma), còn gọi là chứng tăng nhãn áp dẫn đến mù vĩnh viễn. Glaucoma xảy ra do sự tổn hại các tế bào võng mạc ở đáy mắt.

Viêm não

Ô nhiễm không khí có thể gây viêm trong não và hệ thần kinh. Nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học Los Angeles (Mỹ) chứng minh mối tương quan mạnh mẽ giữa ô nhiễm không khí và hành vi phạm pháp của thanh thiếu niên. Điều này cho thấy các hành vi chống đối xã hội được kích hoạt do viêm trong não.

Ung thư

Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) cho biết ô nhiễm không khí ngoài trời có thể là nguyên nhân gây ung thư. Các hạt nhỏ nhất trong không khí là PM10 và PM2.5 có liên quan ung thư phổi do ô nhiễm. Nguyên nhân có thể là các hạt này gây thiệt hại gốc tự do, làm hỏng ADN trong tế bào, dẫn đến ung thư. Tiếp xúc lâu dài với amiăng trong không khí có thể gây ung thư biểu mô phát triển trong niêm mạc phổi, dạ dày hoặc tim.

Tự kỷ

Gần đây, các nhà khoa học công bố nhiều nghiên cứu khẳng định mức độ ô nhiễm không khí cao ảnh hưởng đến thai kỳ, gây ra chứng tự kỷ cho trẻ sau này. Cụ thể, phụ nữ mang thai 3 tháng cuối tiếp xúc lượng hạt mịn lớn tăng gấp đôi nguy cơ sinh con tự kỷ so với phụ nữ tiếp xúc với môi trường sạch, ít ô nhiễm.

Vô sinh

Theo Reuters, nghiên cứu của Hàn Quốc cho thấy phụ nữ tiếp xúc mức độ ô nhiễm không khí cao có thể khó thụ thai tự nhiên. Một nghiên cứu khác của Đài Loan theo dõi 6.500 nam giới phát hiện ô nhiễm có thể làm kém chất lượng tinh trùng, dẫn đến vô sinh.

Trẻ em là đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất (ảnh: Sức Khoẻ Đời Sống).

Giải pháp tránh bụi

Với trẻ em

Trên tờ Sức Khoẻ Đời Sống, BS.CKII. Nguyễn Hoàng Phong, Trưởng khoa Hô hấp 1, BV Nhi đồng 2 khuyến cáo, phụ huynh cần chủ động bảo vệ trẻ tránh xa các yếu tố nguy cơ gây bệnh hay làm bệnh nặng hơn bằng cách:

– Vệ sinh môi trường sống sạch sẽ. Thường xuyên giặt giũ chăn, màn, chiếu gối, hút sạch bụi bẩn trong nhà.

– Đóng kín cửa ở những thời điểm chỉ số ô nhiễm không khí tăng cao.

– Vệ sinh máy lạnh theo khuyến cáo của nhà sản xuất để tránh vi khuẩn tích tụ trong nhà.

– Tuyệt đối không hút thuốc lá khi gia đình có trẻ em vì khói thuốc rất nguy hiểm đến sức khỏe trẻ em. Hệ hô hấp của trẻ vốn rất nhạy cảm so với của người lớn.

– Không đưa trẻ ra đường khi không cần thiết. Nếu phải ra đường, cần cho bé đeo khẩu trang lọc bụi đạt tiêu chuẩn.

– Tập cho bé thói quen uống nhiều nước

– Tăng cường vệ sinh mũi họng bằng sản phẩm phù hợp với từng độ tuổi để làm sạch đường thở.

Khi trẻ có các triệu chứng như ho, hắt hơi, chảy nước mũi… phụ huynh cần đưa trẻ đến chuyên gia y tế để được khám và tư vấn kịp thời.

Với người lớn

Nên hạn chế đi ra ngoài, đặc biệt là những khu vực gần đường giao thông. Không hoạt động thể dục tại các khu vực ngoài trời, đặc biệt gần đường. Tập thể dục ở các khu vực ô nhiễm sẽ bị nguy cơ phơi nhiễm cao hơn vì sẽ hít một lượng lớn không khí khi vận động mạnh.

Khẩu trang thông thường như khẩu trang vải không thể lọc được bụi có kích thước nhỏ. Trong khi đó, khẩu trang y tế chỉ hạn chế 30 – 40% lượng bụi. Để ngăn được những loại bụi có kích thước siêu nhỏ như PM 2,5, chúng ta cần sử dụng loại khẩu trang chuyên dụng.

Bên cạnh đó việc nên đeo kính áp sát mặt và trán để tránh bụi làm ảnh hưởng đến mắt, mặc áo khoác, đội mũ khi ra đường.

Đảm bảo toàn bộ cơ thể hoạt động tốt như một hệ thống phòng ngự bằng cách tạo sức đề kháng tốt cho cơ thể, tăng cường bổ sung các loại thực phẩm như rau xanh, hoa quả, sữa chua để cung cấp đầy đủ các loại vitamin, yếu tố vi lượng. Luôn giữ nhà cửa thoáng mát, lưu thông không khí. Dùng máy lọc không khí có thể giảm đáng kể lượng bụi và các chất gây dị ứng.

Video xem thêm: Ô nhiễm không khí Hà Nội ngày 15/12

videoinfo__video3.dkn.tv||9e1e4d0b6__