Kết quả công trình nghiên cứu tại Đại học Copenhagen, Đan Mạch được đăng trên tạp chí khoa học Nature Genetic chứng minh những thay đổi đáng kể trên bộ gen của những bệnh nhân viêm mũi dị ứng.
Viêm mũi dị ứng là biểu hiện lâm sàng phổ biến nhất của bệnh dị ứng, ảnh hưởng đến hơn 400 triệu người trên toàn thế giới, với tỷ lệ lưu hành ngày càng gia tăng ở nhiều nước.
Bệnh này có xảy ra phản ứng viêm của niêm mạc mũi trước những chất lạ (còn gọi là kháng nguyên) xâm nhập vào cơ thể, đặc biệt là xâm nhập qua đường hô hấp. Cơ thể khi đó sẽ tạo ra các kháng thể để chống lại các kháng nguyên. Tổ hợp kháng thể – kháng nguyên sẽ kích thích tế bào mast giải phóng ra histamin và các chất trung gian hóa học khác. Những chất này gây ra phản ứng dị ứng như phù nề các mô, hắt hơi, khò khè, ho và các phản ứng khác. Bệnh có tính chất di truyền trên 65% bệnh nhân.
Đã có nhiều nghiên cứu về nguyên nhân di truyền của bệnh lý này và đã xác định được 42 đoạn gen có khả năng cao là nguyên nhân. Dựa trên kết quả này, các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Copenhagen đã thiết lập một nghiên cứu có số lượng người tham gia gần 900.000 người, được xem là có cỡ mẫu lớn nhất về di truyền miễn dịch dị ứng từ trước đến nay.
Họ đã tiến hành phân tích tổng hợp gen trên 59.762 bệnh nhân viêm mũi dị ứng và đối chứng là 152.358 người bình thường dựa trên kết quả 42 gen nguy cơ đã được báo cáo trước đây. Sau đó, tiếp tục so sánh dữ liệu gen của 60.000 người bệnh với 620.000 người khỏe mạnh, phân tích nghiên cứu liên kết gen về dị ứng với các chất gây dị ứng từ đó đề xuất các cơ chế di truyền liên quan đến viêm mũi dị ứng.
Kết luận của nghiên cứu đã xác định các đoạn gen nguy cơ và giải thích được một phần nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng. Đây là bước cơ sở để tiếp tục nghiên cứu về cách mà các đoạn gen đó phản ứng với môi trường và kháng nguyên ra sao, từ đó mở ra hướng điều trị nhắm trúng đích trên bệnh lý này.
Theo Nature Genetics
Phương Lan