Đại Kỷ Nguyên

Cách bảo vệ đường ruột và tránh xa ung thư đại tràng của bác sỹ Đông y

Theo Bác sỹ Hồ Nãi Văn, táo bón kéo dài là một trong những nguyên nhân gây viêm đại tràng mãn tính thậm chí có thể dẫn tới ung thư đại tràng.

Ung thư đại tràng là ung thư gây tử vong cao thứ 4 trên thế giới sau ung thư phổi, dạ dày và gan. Tuy nhiên, căn bệnh này thực sự có liên quan tới một sinh hoạt nhỏ hằng ngày mà chúng ta luôn xem nhẹ. Bác sỹ Hồ Nãi Văn đến từ bệnh viện Đông y Đồng Đức đường Đài Loan sẽ hướng dẫn chúng ta cách bảo vệ đường ruột và phòng ngừa ung thư đại tràng.

Theo bác sỹ Hồ, những năm gần đây tỷ lệ bệnh nhân mắc ung thư đại tràng đang có xu hướng trẻ hóa về độ tuổi. Một nguyên nhân quan trọng xuất phát từ chính từ nhịp sống hiện đại.

Bận rộn của cuộc sống làm chúng ta ít có những bữa cơm tại nhà, thường xuyên ăn ngoài hàng chính là một nguyên nhân gây bệnh. Hầu như các món ăn bên ngoài đều có chứa rất nhiều dầu mỡ, lại pha tạp thêm các loại chất phụ gia và các chất bảo quản không tốt cho đường tiêu hóa. Ăn nhiều và không điều độ, thiếu chất xơ cộng thêm thời gian làm việc bận rộn ngồi nhiều, đôi khi làm lỡ thời gian đại tiện bình thường, lâu dần làm táo bón ngày một thường xuyên. Trạng thái sinh hoạt không tốt này diễn ra lâu ngày rất có thể sẽ dẫn tới ung thư đại tràng.

Táo bón thời gian dài có thể dẫn tới ung thư đại tràng

Theo bác sỹ Đông y Hồ Nãi Văn, táo bón lâu ngày dẫn tới mãn tính là một trong những nguyên nhân gây ung thư đại tràng (Ảnh: ntdtv.com.tw)

Toàn bộ chiều dài ruột của người trưởng thành khoảng 7-8m. Quá trình tiêu hóa thức ăn trong đường ruột thường kéo dài 1-3 ngày. Ruột già có chức năng chính là hấp thu nước. Chất cặn còn lại sau khi hấp thu tại ruột non sẽ dần được cô đặc và hình thành khuôn tại trực tràng, là phần phình to cuối cùng của đường tiêu hóa. Vì một lý do nào đó như tổn thương thần kinh cơ sẽ làm chậm quá trình di chuyển phân trong lòng ruột già. Điều này dẫn đến phân bị mất nước và trở nên rắn hơn bình thường và gây ra tình trạng táo bón. Tình trạng này tiếp diễn lâu dài sẽ trở thành mãn tính chính là một trong các yếu tố có nguy cơ gây ung thư đại trực tràng.

Đông y làm thế nào để giải quyết vấn đề táo bón?

Theo các y thư cổ, khi đại tiện không thông, càng cố gắng bài tiết sẽ càng khó, nguyên nhân bởi trực tràng cũng giống như một ống dẫn, càng rụt chặt giống hình chữ V, đường kính bên trong sẽ càng hẹp, càng khó đại tiện. Bởi vậy theo Bản thảo cương mục, khi các bài thuốc trị táo bón không khởi tác dụng, dùng ‘Thăng ma’ có thể hỗ trợ giúp hóa giải vấn đề.

Hai phương pháp bồi bổ và nhuận tràng trị táo bón

1. Bài thuốc bổ đại tràng

Thành phần: Huyền sâm: 40g; Mạch môn: 32g; Sinh địa: 32g. Trong bài thuốc này, Huyền sâm tăng dịch lương huyết; Mạch môn tư âm dưỡng vị; Sinh địa lương huyết thanh nhiệt để sinh tân dịch.

Tác dụng: Đây là bài thuốc giúp sinh tân nhuận táo, tăng dịch nhuận tràng, chữa chứng bệnh do bệnh nhiệt thương tổn tân, miệng khát lưỡi gai, âm hư đại tiện bí. Ở đây Huyền sâm tăng dịch, Mạch môn dưỡng vị, Sinh địa lương huyết thanh nhiệt mà sinh tân dịch, do đó có tác dụng nhuận tràng thông tiện do tràng táo dịch khô gây nên, người xưa gọi là “lấy thuốc bổ dùng làm thuốc tả”. Ngoài ra, bài này còn dùng chữa chứng vị âm bất tức, rêu lưỡi gai sáng, miệng khô môi táo, còn có thể gia các vị dưỡng âm sinh tân như Sa sâm, Thạch hộc, Ngọc trúc.

Tăng dịch thang là bài thuốc trị liệu đại tiện bí kết do nhiệt bệnh mà hao tổn tân dịch (Ảnh: epochtimes.com)

Đương quy là vị thuốc giúp nhuận hoạt, giúp đại tiện dễ dàng. Bác sỹ Hồ chia sẻ, ông từng trị cho một bệnh nhân bị táo bón, ông khuyên mỗi ngày hãy ăn 1 tiền Đương quy. Sau đó đại tiện của bệnh nhân không những thông suốt, mà còn có thể mang thai. Bệnh nhân kết hôn 7, 8 năm vẫn chưa có bầu, sau khi sử dụng Đương quy thường xuyên thì mang thai tự nhiên và sinh con.

Theo Đông y, đương quy có vị ngọt cay, tính ôn, vào 3 kinh: Tâm, Can, Tỳ có tác dụng bổ huyết, hoạt huyết, nhuận táo, hoạt trường, điều huyết, thông kinh. Nó là thuốc đầu vị trong trị liệu bệnh của phụ nữ, đồng thời dùng nhiều trong các đơn thuốc bổ và thuốc chữa các bệnh khác. Chủ yếu dùng chữa bệnh kinh nguyệt không đều, đau bụng khi thấy kinh, người thiếu máu, tay chân đau nhức và lạnh.

Người già và trẻ nhỏ bị táo bón đa phần bởi do hư nhược sinh ra bí tiện. Có thể dùng các vị thuốc nhuận tràng như Ma nhân, Tô tử… để hỗ trợ.

2. Bài thuốc thông tiện

Trong Thương hàn luận có ghi chép ba bài thuốc thông tiện hàng đầu đó là: Đại thừa khí thang, Tiểu thừa khí thang, Điều Vị thừa khí thang.

Ba bài thuốc đều có hai chữ ‘Thừa khí’, có nghĩa khí không thông là nguyên nhân làm bí tiện. Hơn nữa cả ba bài thuốc đều dùng tới vị Đại hoàng, tuy nhiên phương pháp sử dụng khác nhau nên khởi tác dụng khác nhau.

Muốn biết tình trạng sức khỏe của dạ dày, đại tràng có thể nhìn vào phần thủ ngư, nơi có huyệt Ngư tế (Ảnh: epochtimes.com)

Tiểu thừa khí thang dùng trị liệu táo bón ở hậu môn nên sử dụng Đại hoàng sống, bởi nó có thể đi tới chỗ thấp nhất của cơ thể; Điều vị thừa khí thang là điều hòa Vị khí, hỗ trợ đại tiểu tiện nên sử dụng Đại hoàng đã ngâm rượu, bởi nó có thể đi tới chỗ cao nhất của cơ thể; Còn Đại hoàng thừa khí thang lại sử dụng Đại hoàng đã rửa bằng rượu, mục đích để điều chỉnh Tràng Vị một cách tổng thể, giúp dạ dày, đại tràng hoàn toàn được khai thông. Bởi vậy trong ba bài thuốc này, có thể lần lượt đi từ chỗ thấp nhất, tới chỗ cao nhất và toàn bộ dạ dày đại tràng mà hỗ trợ trị liệu táo bón.

Từ màu sắc của ‘thủ ngư” có thể biết được tình trạng sức khỏe của đại tràng

Phần dưới ngón cái trong lòng bàn tay khu vực có thịt dày nhất phồng lên là thuộc thủ ngư. Tại đây có một huyệt tên gọi là Ngư tế.

Đông y cổ có câu, “Ngư thanh vị hàn nghĩa là nếu thủ ngư là màu xanh, có nghĩa đại tràng và dạ dày hàn lạnh. Tiếp nữa cần kiểm tra xem huyết quản ở điểm này có lồi ra không, nếu có là biểu hiện đại tiện không thông, bên trong tích tụ nhiều khí.

Phòng ngừa ung thư đại tràng như thế nào?

Điều quan trọng nhất ngừa ung thư đại tràng là cần hình thành thói quen sinh hoạt ăn uống cân bằng dinh dưỡng bảo đảm đại tiện được thông suốt không bị táo bón. Hằng ngày đều cần vận động, bởi hoạt động có thể thúc đẩy nhu động đường ruột. Ngoài ra, có thể sử dụng một số loại cháo hỗ trợ bảo vệ đường ruột, dạ dày.

1. Cháo Ý dĩ

Theo Đông y, Ý dĩ còn có tên hạt bo bo cườm gạo, ý dĩ nhân, ý mễ, lục cốc tử, mễ nhân… có 4 công dụng chính là lợi thấp, kiện tỳ, bài mủ và thư cân hoạt lạc. Dùng sống (sinh) thì lợi thấp, bài mủ; dùng sao chín thì kiện tỳ…Người bị táo bón hoặc mắc ung thư đại trực tràng một bộ phận là thuộc thể chất thấp nhiệt, ăn cháo ý dĩ có thể hỗ trợ hóa giải và giúp đại tràng hồi phục khỏe mạnh.

Theo Đông y, Ý dĩ có công dụng lợi thấp, kiện Tì có thể hỗ trợ loại bỏ táo bón hiệu quả(Ảnh: epochtimes.com)

Cách nấu cháo rất đơn giản, chính là cho ý dĩ vào nấu thành cháo, sau khi chín có thể tùy khẩu vị thêm chút muối hoặc đường. Tuy nhiên, loại hạt này rất lợi tiểu bởi vậy khi nấu nên bổ sung các vị thuốc của Tăng dịch thang như Sinh địa, Mạch môn, Huyền sâm để vừa giữ nước lại có thể nhuận tràng thông tiện.

Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Kiên Định

Exit mobile version