Đại Kỷ Nguyên

Cách đối phó với trời nồm để không mắc bệnh

Thời tiết nồm ẩm, mưa phùn là điều kiện thuận lợi cho các loại virus, vi khuẩn và nấm mốc sinh sôi. Làm sao để khắc phục tình trạng này và phòng tránh các loại bệnh? 

Những căn bệnh dễ mắc phải khi thời tiết nồm ẩm

– Bệnh sởi: Sởi là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính thường gặp ở trẻ nhỏ, bệnh này lây qua đường hô hấp khi tiếp xúc với người mắc bệnh.

– Bệnh đường hô hấp: Các vi khuẩn gây bệnh, nấm, vi sinh vật phát tán mạnh trong không khí có độ ẩm cao khiến các bệnh về đường hô hấp cũng tăng nhanh trong thời tiết này. Các căn bệnh hô hấp thường gặp phải do thời tiết nồm ẩm gây ra là dị ứng, viêm phổi, hen phế quản, hen suyễn, viêm mũi dị ứng, viêm khí quản, phế quản cấp.

– Cúm gia cầm: Cúm gia cầm thường bùng phát dịch vào thời tiết nồm của mùa xuân và thường gây bệnh cho những người có thể trạng yếu, sức đề kháng kém. Bệnh có thể gây chết người nếu không được điều trị kịp thời.

– Thủy đậu: Thủy đậu gây ra bởi virus Varicella Zoster với sự xuất hiện của các nốt nhỏ, tròn mọc khắp cơ thể. Người mắc thủy đậu sẽ có cảm giác ngứa ngáy bởi các mụn nước.

– Viêm nhiễm vùng kín: Thời tiết không khô ráo khiến quần áo cũng vì thế mà luôn trong tình trạng ẩm, là điều kiện tốt để nấm mốc sinh sôi, nảy nở. Điều này khiến cho nhiều người mắc phải các căn bệnh ở vùng kín như ngứa ngáy, viêm nhiễm.

– Bệnh về da: Độ ẩm không khí cao trong là điều kiện thích hợp cho các loại vi khuẩn lây lan và phát triển, gây ra các căn bệnh khó chịu như viêm da và dị ứng da.

– Bệnh tiêu chảy cấp: Nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy cấp chủ yếu là do nhóm virus đường ruột như virut Rota, các loại vi khuẩn, vi nấm hay kí sinh trùng. Bệnh có tính lây nhiễm cao và thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi. Nếu không có các biện pháp chữa trị kịp thời, trẻ dễ bị mất nước và dẫn tới tử vong.

– Sốt virus: Trẻ em là đối tượng dễ mắc sốt virus nhất. Căn bệnh này rất dễ lây lan, có thể tạo thành dịch, vì vậy, nếu gia đình có trẻ nhỏ bị sốt virus, nên cho trẻ nghỉ học, cách ly và có các biện pháp chăm sóc hợp lý để tránh bệnh kéo dài.

Trời nồm là thời điểm các bệnh lý viêm đường hô hấp phát triển. (Ảnh: twoeggz.com)

Cách phòng bệnh khi trời nồm

Không mặc quần áo ẩm

Tuyệt đối không được mặc quần áo ẩm cho trẻ mà phải sấy, là khô nhằm loại bỏ những dị nguyên có thể gây cơn hen phế quản cho trẻ. Trong nhà nên xếp các đồ dễ bị ẩm mốc lên cao, không tiếp xúc trực tiếp với mặt đất. Để thoáng gầm giường, tủ… để tránh mọc nấm mốc không biết.

Trẻ em là đối tượng rất nhạy cảm với thời tiết, nên rất dễ nhiễm bệnh. Vì thế, cha mẹ cần thường xuyên kiểm tra phản ứng cơ thể của trẻ. Trẻ cần được uống đủ nước và ăn đồ ăn dễ tiêu hoá, ăn nhiều hoa quả để tăng sức đề kháng, phòng bệnh.

Đối với quần áo, bạn nên hạn chế giặt trong những ngày trời nồm. Nếu giặt thì phải đem phơi cho khô hẳn, là nóng rồi mới cất vào tủ quần áo khô ráo, sạch sẽ. Không nên hong quần áo bằng quạt vì sẽ chỉ khiến hơi nước ngưng tụ nhiều hơn. Ngoài ra, đừng quên cho vài viên chống ẩm vào tủ quần áo.

Thay chăn ga thường xuyên

Nếu độ ẩm không khí tăng cao, hãy đóng kín cửa để hạn chế không khí ẩm vào nhà. Không lau nhà bằng khăn ướt mà dùng các khăn khô thấm hút nước tốt lau khô sàn nhà. Thay chăn ga thường xuyên để phòng ẩm, nấm mốc ở chăn ga có thể là dị nguyên gây bệnh cho trẻ. Làm khô không gian sống bằng cách sử dụng điều hòa nhiệt độ, máy hút ẩm, không phơi quần áo ướt trong nhà.

Không nên sử dụng thảm trải sàn

Với những vật dụng mà trẻ hay tiếp xúc cần giặt giũ thường xuyên, phơi phóng khô ráo. Trong phòng ngủ của trẻ nên dùng máy hút ẩm, quần áo khi mặc nên sấy, là khô. Trong phòng cũng không nên sử dụng thảm trải sàn.

Thay chăn đệm thường xuyên để tránh ẩm mốc gây bệnh. (Ảnh: rank.aoweibang.com)

Không đi về khuya

Thời tiết thay đổi, mưa phùn ẩm ướt rất dễ gây các bệnh đường hô hấp (sổ mũi, nghẹt mũi, ho, có đờm, thở khó, viêm mũi, họng, viêm VA, viêm amidan, viêm xoang…) do các siêu vi và vi khuẩn xâm nhập mũi, họng. Người lớn có thể bị cảm, ho nhẹ, nhưng người già, trẻ em (đặc biệt trẻ dưới 2 tuổi) dễ trở nặng nhanh thành viêm phế quản, viêm phổi. Do vậy, không nên đi dưới trời mưa, đi chơi khuya, hạn chế gần người ho khạc kẻo nhiễm bệnh.cảm lạnh

Mưa ẩm xen nắng ấm các bà mẹ có thể phòng bệnh hô hấp, cảm… cho con bằng cách sáng ra cho con đi học mặc một áo cotton mỏng và thêm áo khoác. Tới trưa nóng thì cởi áo khoác để tránh bị đổ mồ hôi, thấm ngược làm trẻ cảm lạnh. Chiều lạnh sẽ choàng áo khoác trước khi ra đường. Ban đêm trẻ thường đạp tung chăn, bố mẹ nên lưu ý đắp chăn cho trẻ để tránh bị cảm lạnh.

Làm khô nhà cửa

Nhà cửa ẩm mốc là nơi chứa nhiều vi khuẩn. Vì vậy, để ngừa bệnh trước hết hãy vệ sinh nhà cửa được thoáng mát, khô ráo, sạch sẽ. Quần áo không treo nhiều trên tường, ngủ phải treo màn. Để tránh nấm mốc, vi nấm cần giảm độ ẩm trong nhà, dọn sạch đồ vật bị nấm mốc để tránh bị dị ứng, nhiễm trùng đường hô hấp. Phòng ngủ (nhất là phòng của trẻ) năng hút ẩm. Không phơi quần áo trong nhà bếp, nhà tắm vì vừa hôi, vừa lâu khô. Trước khi mặc nên là kỹ để quần áo phẳng, đẹp và loại bỏ vi khuẩn sót lại quần áo. Mưa ẩm làm áo mưa cũng hay bị hôi, mốc trắng, hoặc thâm đen. Khi đi mưa về vẩy ráo nước, treo khô rồi gấp cất. Nếu áo mưa bị bẩn hãy dùng xà phòng và bàn chải mềm chà sạch, phơi chỗ râm mát.

Bổ sung dinh dưỡng

Tăng cường sức đề kháng cho cơ thể bằng những thực phẩm nhiều vitamin C như: Cam, bưởi, chanh. Bạn nên ăn thêm một số loại rau quả tốt cho đường hô hấp như: Ớt ngọt có tác dụng làm hệ hô hấp thông thoáng; các loại rau họ cải giúp tăng cường hệ miễn dịch, chống lại các siêu vi nhờ các hoạt chất có khả năng kháng khuẩn như glucosinolate và chất chống oxy hóa trong rau cải; hành cũng có khả năng chống viêm đồng thời cũng rất giàu các vi chất có khả năng kháng khuẩn, đặc biệt là các vi khuẩn tấn công hệ hô hấp, các loại siêu vi.

Nhỏ mắt hàng ngày bằng nước muối sinh lý

Đây là thời điểm dễ bị đau mắt do dị ứng, với các triệu chứng viêm mi mắt, mắt ngứa, chảy nước, mắt bị sung huyết… Hằng ngày nên nhỏ mắt vài lần bằng nước muối sinh lý 0,9%, nếu mắt bị ngứa nhiều thì nhỏ cloroxit 0,4%.

Để chân được “thở”

Mưa ẩm kéo dài hay mắc nhiễm nấm do đi giày – tất lâu (do không khí khó lưu thông ở chân). Vì vậy, khi ở trong nhà, văn phòng mọi người nên đi dép thoáng khí để chân không bị ẩm ướt dẫn đến nhiễm trùng nấm. Hàng ngày rửa chân sạch để khô hoàn toàn mới lại đi giày tất.

Kiên Định

Video hay

Exit mobile version